Sau hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTG và biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu, giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Quảng Bình tổ chức cuối tháng 7-2020, tôi về thăm gia đình ông Nguyễn Văn Khiểu - một trong những điển hình về học tập suốt đời.
Tiếng lành đồn xa
5 giờ sáng, từ TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tôi vượt vài chục cây số đến thôn Cù Lạc 2, thị trấn Phong Nha thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), tìm nhà ông Nguyễn Văn Khiểu. Căn nhà im lìm, các cửa đều đóng. Thấy tôi mãi tần ngần đứng nhìn vào trong, một chị từ sân nhà bên cạnh nói vói qua: "Anh Khiểu đang làm cái lăng cho dòng họ tận ngoài đồng kia, vợ thì đang trồng cây ngoài nương". Chị chỉ tay ra phía cánh đồng trước mặt.
Vậy là tôi phải đi ngược lại để sau đó men theo con đường đất đê gồ ghề mà đến nơi ông Khiểu đang làm. Mải mê chăm chú sơn, kẻ trên các đường cong uốn lượn của chú rồng vàng, ông Khiểu chẳng hay tôi đến đứng cạnh, ngắm nghía. Nghe chào, ông mới giật mình đưa mắt nhìn tôi.
Tôi nhanh nhảu: "Thưa anh Khiểu, trước kia em có biết cháu Sang con anh. Nay có việc ghé về đây thăm gia đình và hỏi cháu Sang nay làm gì rồi". Nghe vậy, ông vội cất đồ nghề và dẫn tôi về nhà. Đến cổng, ông rút điện thoại gọi vợ về rồi dẫn tôi vào nhà. Tường phòng khách treo một dãy ảnh đóng khung các con ông đội mũ, mặc đồ cử nhân, tiến sĩ treo ngay ngắn, nối nhau.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Khiểu
Năm 1987, ông Nguyễn Văn Khiểu cưới bà Trần Thị Huê, người cùng thôn. Năm đứa con lần lượt chào đời.
Đông con đối với các gia đình ở vùng núi này thì không lạ. Mà đông con thì khó trăm bề. Gia đình ông Khiểu chỉ dựa vào vài sào ruộng, cùng một ngôi nhà bằng gỗ nhỏ. Vợ làm nông, ông làm giáo viên tiểu học xa nhà gần 60 km. Việc chăm con rồi đồng áng, chăn nuôi…, vợ ông đảm nhận tất.
Bà Huê hằng ngày phải dậy từ rất sớm, chạy đôn chạy đáo để lo chăn nuôi, trồng trọt, chợ búa. Ông Khiểu thì tranh thủ thứ bảy, chủ nhật và những dịp lễ, Tết, hè để đi phụ hồ, theo người ta xây dựng nhà, lăng mộ. Lâu dần, khi đã rành nghề, ông vận dụng thêm kiến thức trước đó học được từ Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật để làm thêm nghề đắp phù điêu, vẽ chi tiết hoa văn, cây cảnh cho các công trình lăng tẩm, đền, miếu.
Làm việc cẩn thận, tay nghề khá, chất lượng sản phẩm bảo đảm, giá cả lại hợp lý nên tiếng lành đồn xa, nhiều người nhờ ông Khiểu giúp xây dựng lăng mộ. Gia đình cũng được vay tiền ngân hàng theo chính sách hỗ trợ sinh viên và được bà con cho mượn tiền để xóa đói giảm nghèo.
Làm đủ việc để có tiền học
Năm 2012 là thời điểm cam go của gia đình. Con gái út là Nguyễn Thị Kim Tiến vào học lớp 11 thì con gái thứ tư là Nguyễn Thị Lộc bước vào đại học năm thứ nhất.
Bấy giờ, hai con gái nữa của ông bà là Nguyễn Thị Mỹ và Nguyễn Thị Hồng cũng đang học dở chương trình đại học; con thứ hai là Nguyễn Văn Sang đang học thạc sĩ, còn ông Khiểu thì học năm cuối của Trường Đại học Sư phạm Huế.
"Những năm đó, ngày cũng như đêm, tôi trăn trở mình có phải bỏ học để tập trung cho con học tiếp không? Nếu con cái đứa nào phải bỏ học thì sau này còn đâu cơ hội vào đại học? Mà mình bỏ học thì công lao của vợ chồng phấn đấu bấy lâu xem như trôi sông, hơn nữa sẽ không thể làm tấm gương cho con cái trong học tập. Nhưng tất cả tiếp tục học thì làm sao có tiền đủ chi dùng? Tôi suy nghĩ và tâm sự với vợ về quyết định cho các con được tiếp tục học, vợ vui vẻ đồng ý và bảo tôi cũng phải cố gắng học nốt chương trình đại học. Hai vợ chồng chạy vay mượn tiền, làm thêm đủ thứ việc để có tiền ăn học. Tôi tìm mọi cách để làm thêm ngoài giờ dạy học ở trường. Rồi mọi chuyện cũng dần dần qua. Không học thì lấy đâu cơ hội thoát nghèo" - ông Khiểu kể.
Ông Nguyễn Văn Khiểu (thứ 2 từ phải sang) trong buổi nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Học tập suốt đời”
Trong căn phòng các tổ chức hội, đoàn thể ở trụ sở thị trấn Phong Nha, ông Trần Thanh Chịnh, Chủ tịch Hội Khuyến học của thị trấn, đang cắm cúi viết lên những tờ giấy bằng nét mực đỏ. Nhận ra người tôi, ông Chịnh mời vào.
"Dạo này nhiều việc quá. Tôi đang lên danh sách cho 42 cháu được nhận tài trợ và làm báo cáo tổng kết hoạt động của Hội Khuyến học thị trấn Phong Nha anh ạ" - ông Chịnh xởi lởi khi nghe tôi hỏi chuyện thị trấn chọn gia đình ông Khiểu đi báo cáo điển hình trên tỉnh.
Rồi ông Chịnh kể: "Khi tôi đưa chuyện gia đình anh Khiểu ra trình bày với lãnh đạo để xây dựng điển hình gia đình tiêu biểu học tập suốt đời, có ý kiến cho rằng trong thị trấn cũng có những gia đình có 5 con vào đại học và ba, mẹ đều làm nông, có nên xem lại vì anh Khiểu là giáo viên thì việc con cái học giỏi là tất nhiên. Nhưng tôi chứng minh cho họ thấy con cái anh Khiểu học giỏi ngay từ khi còn nhỏ. Các cháu từ lúc còn là học sinh THCS, THPT đã đoạt nhiều giải học sinh giỏi của huyện, của tỉnh. Rồi đến khi các cháu học đại học lại nhận được học bổng nước ngoài, có cháu là thạc sĩ, tiến sĩ. Hơn nữa, thầy Khiểu đang dạy học xa nhà, không có điều kiện chăm sóc con cái nhưng bản thân thầy vẫn theo học xong trình độ đại học. Đặc biệt, con của các gia đình khác học xong đại học ra trường vẫn không xin được việc làm còn con thầy Khiểu học xong đều có nhiều đơn vị mời về làm, có cháu là giảng viên ở trường đại học".
Ông Chịnh cười hề hề rồi tiếp: "Từ đó, mọi người mới thấy việc chọn gia đình anh Khiểu để xây dựng điển hình của địa phương báo cáo thành tích tại hội nghị cấp tỉnh là rất đúng".
Cả nhà thành danh
Ông Trần Thanh Chịnh còn nói rõ hơn về việc các con ông Khiểu đã học giỏi và bền bỉ vượt khó trong học tập như thế nào.
Như cháu Nguyễn Thị Lộc, khi còn học THCS và THPT đã được nhận học bổng Vallet, đoạt giải ba của tỉnh về môn công nghệ thông tin, sau này còn được nhận học bổng toàn phần đi học đại học ở Cuba và tốt nghiệp loại xuất sắc, năm 2019 tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi tại Tây Ban Nha và được học tiếp chương trình tiến sĩ, nay là giảng viên Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng.
Cháu Nguyễn Thị Hồng khi còn học phổ thông đã đoạt giải ba rồi giải nhì của tỉnh về môn lịch sử. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học Sư phạm Huế, Hồng được nhận học bổng toàn phần và đi học thạc sĩ tại Hungary. Tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ loại giỏi, Hồng trở thành giảng viên Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng và đang chuẩn bị hoàn thành năm thứ tư chương trình đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm TP HCM.
Ngoài giờ dạy học, ông Nguyễn Văn Khiểu nhận làm thêm nghề đắp phù điêu, vẽ chi tiết hoa văn cho các công trình lăng tẩm, đền, miếu
Cậu con trai của ông Khiểu tên Nguyễn Văn Sang mà tôi từng biết, khi học phổ thông đã đoạt giải ba cấp tỉnh môn lịch sử; khi học đại học được cấp học bổng sang Ba Lan và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại đó vào năm 2019, nay là Phó trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế của Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng. Một con gái nữa của ông Khiểu là Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2019 tốt nghiệp thạc sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là giảng viên Trường Đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng). Riêng Nguyễn Thị Mỹ, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm (ngành tiểu học) đã trở về quê làm giáo viên.
Tôi chia tay ông Nguyễn Văn Khiểu khi mặt trời qua đỉnh đầu. Nắng vàng trải dài trên đường nhựa. Gió từ núi đá vôi ngày càng lộng, quất tới tấp vào người nhưng lòng tôi thì phấn chấn, rạo rực niềm vui từ chuyện hiếu học của gia đình ông Khiểu.
Bình luận (0)