xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghe tiếng ngàn xưa vọng về: Di chỉ bí ẩn về người tiền sử ở Trung Bộ

Hoàng Phúc

Những phát hiện tại di chỉ khảo cổ Bàu Tró là bằng chứng người nguyên thủy từng cư trú tại đây với sự giao thoa văn hóa vô cùng đặc sắc; có ý nghĩa khoa học to lớn trong việc công nhận sự tồn tại của thời kỳ hậu đồ đá trên vùng đất Quảng Bình ngày nay

Bàu Tró là tên một hồ nước ngọt nằm giữa lòng phường Hải Thành, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, được hình thành cách đây khoảng 1 triệu năm. Đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân mà còn là một di chỉ khảo cổ nổi tiếng bí ẩn bậc nhất miền Trung, luôn thu hút giới nghiên cứu khảo cổ trong và ngoài nước suốt 100 năm qua.

Văn hóa Bàu Tró

Năm 1923, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp Étienne Patte đã tìm đến Bàu Tró, tiến hành khai quật một gò cát cạnh hồ nước, đã phát hiện, thu được nhiều hiện vật chứng minh dấu tích của người nguyên thủy. Những hiện vật này đang được lưu trữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Từ đây, tên Bàu Tró - di chỉ của người Việt cổ - bắt đầu xuất hiện.

Ông É. Patte, thời điểm đó, khẳng định đây là những hiện vật rất giống với công cụ đồ đá thời nguyên thủy xuất hiện vùng Đông Nam nước Pháp và bán đảo Balkan.

Đáng chú ý, ở lần khai quật này, ông É. Patte đã tìm thấy nhiều mảnh xương động vật được người Việt cổ chế tác thành những mũi tên sắc nhọn, khẳng định thêm ở thời kỳ hậu đồ đá mới, người tiền sử ở Bàu Tró rất thạo nghề đánh cá, săn bắn.

Tháng 5-1974, Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức thám sát di chỉ Bàu Tró. Trên cơ sở xác định vị trí hố khai quật của nhà khảo cổ học É. Patte, đoàn đã đào 3 hố thám sát và thu được nhiều hiện vật.

Tháng 3-1980, giáo sư khảo cổ học Hà Văn Tấn - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nhà nghiên cứu Vũ Công Quý - Viện Đông Nam Á và Khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Huế khai quật Bàu Tró một lần nữa. Địa điểm khai quật nằm phía Tây Nam Bàu Tró, cách hố khai quật của ông É. Patte hơn 100 m về phía Tây. Hiện vật thu được lần này gồm: 31 rìu bôn đá, 17 bàn mài, 7 chày nghiền, 3 mũi nhọn, 1 vòng, 2 phiến tước, nhiều cục thổ hoàng bị mài vẹt từ nhiều phía, 11.972 mảnh vỡ đồ gốm của nồi, niêu, bình, vò, bát, đĩa... được trang trí bằng hoa văn đấu thừng, hoa văn khắc vạch có màu đỏ, màu đen ánh chì.

Điều vô cùng lý thú là nếu năm 1923, nhà khảo cổ học É. Patte chỉ tìm thấy loại di chỉ Cồn Sò Điệp thì nay GS Hà Văn Tấn cùng đoàn nghiên cứu tìm thấy loại di chỉ mới là Cồn Đất, tại Bàu Tró, cùng với nhiều hiện vật. Với ý nghĩa khoa học to lớn, các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới, gồm các di chỉ phân bố ở vùng ven biển Nghệ - Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là "Văn hóa Bàu Tró".

Nghe tiếng ngàn xưa vọng về: Di chỉ bí ẩn về người tiền sử ở Trung Bộ - Ảnh 1.

Hồ nước ngọt Bàu Tró - nơi ẩn chứa dấu tích của người nguyên thủy cư ngụ Ảnh: Hoàng Phúc

Nghe tiếng ngàn xưa vọng về: Di chỉ bí ẩn về người tiền sử ở Trung Bộ - Ảnh 2.

Hiện vật gốm khai quật tại di chỉ Bãi Cọi (Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

Nền văn hóa cổ tiêu biểu của miền Trung

GS Hà Văn Tấn đánh giá Bàu Tró không đơn thuần là một di chỉ "đống vỏ sò" hay "di chỉ rác tro bếp" như ông É. Patte đã công bố mà là di tích có 2 loại hình đặc trưng di chỉ khác nhau, gồm di chỉ Cồn Đất và di chỉ Cồn Sò Điệp. Điều này phản ánh được phần nào về các phương thức sinh hoạt, kinh tế của cư dân nguyên thủy lúc ấy.

Theo GS Tấn, văn hóa Bàu Tró là nền văn hóa tiêu biểu của miền Trung - một trong những cội nguồn nảy sinh văn hóa Đông Sơn phía Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở phía Nam. Điều này còn chứng tỏ cư dân tiền sử ở vùng đất Quảng Bình có sự giao lưu vùng rộng lớn từ Bắc đến Nam Trung Bộ, phát triển liên tục từ thời kỳ đồ đá đến đồ đồng, đồ sắt.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình, cho biết di chỉ khảo cổ học Bàu Tró đến nay còn chứa nhiều bí ẩn chưa có lời giải, luôn thu hút giới khảo cổ học. Đặc biệt, vô số hiện vật được phát hiện ở Bàu Tró trong suốt 100 năm qua đã tạo thành quần thể mang giá trị văn hóa lớn, chứng minh dấu chỉ của tổ tiên để lại từ thời nguyên thủy tại vùng đất này.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình, mới đây HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường di tích khảo cổ Bàu Tró" với tổng kinh phí 50 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm góp phần phát huy giá trị di tích, cảnh quan môi trường thiên nhiên, góp phần trở thành nguồn lực phát triển du lịch, khai thác các dạng thức di sản phục vụ du lịch, cải thiện mỹ quan đô thị… 

Điểm giao thoa văn hóa Đông Sơn - Sa Huỳnh

Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi nằm trên địa phận xóm 9, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là một cồn cát dài chạy theo hướng Đông Tây khoảng 1 km và rộng khoảng 800 m.

Được phát hiện vào đầu năm 1974, đến năm 1976, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã cấp giấy phép khai quật. Trong 150 m2 diện tích đã khai quật, nhóm khảo cổ thu được hàng trăm hiện vật. Ông Phan Thanh Là, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân, cho biết các nhà nghiên cứu nhận định nhiều đồ đựng có kích cỡ lớn, đặc biệt phổ biến loại gốm đáy nhọn - một loại hình khá độc đáo, lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam. Ngoài ra còn xuất hiện gốm có hoa văn hai mặt - mặt ngoài là văn chải (thường được trang trí đến tận miệng gốm), mặt trong là hoa văn in rãnh, đặc biệt là đã tìm thấy gốm tô màu. Đợt khai quật này cũng tìm thấy 5 khuyên tai gốm và một số mảnh vỡ của khuyên tai gốm - một trong những đặc trưng của di chỉ khảo cổ học này.

Tháng 12-2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tổ chức khai quật khu di tích Phôi Phối - Bãi Cọi; đến tháng 10-2012, di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi tiếp tục được khai quật mở rộng, thu được nhiều hiện vật.

Theo ông Nguyễn Trí Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, với các hiện vật thu được, các nhà nghiên cứu xác định đồ đồng Phôi Phối - Bãi Cọi mang yếu tố điển hình của văn hóa Đông Sơn. Các loại hình đồ sắt như dao găm, giáo; khuyên tai 3 mấu bằng gốm, khuyên tai 3 mấu bằng thủy tinh là đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Đồ gốm Bãi Cọi phát triển truyền thống của gốm Sa Huỳnh - kiểu dáng và hoa văn thể hiện rõ tính kỹ thuật, mỹ thuật đạt đến đỉnh cao của văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, đồ gốm Phôi Phối - Bãi Cọi cũng cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn. Ngoài ra, còn cho thấy điểm riêng của đồ gốm Phôi Phối - Bãi Cọi là sự khéo léo tạo điểm nhấn ở đai vai đồ gốm.

Phôi Phối - Bãi Cọi đang ẩn chứa nhiều bí ẩn đòi hỏi tiếp tục tìm hiểu, khám phá để định danh cụ thể địa danh văn hóa và khẳng định rõ vai trò của nó trong sự phát triển văn hóa của lịch sử dân tộc Việt Nam.

"Hiện tại, việc cấp thiết là khoanh vùng bảo vệ di tích" - ông Sơn khẳng định.

Vĩnh Gia

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo