xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Ngôi nhà mơ ước

ĐOÀN TUẤN

Từ cách ứng xử của bố, tôi nghiệm ra một điều: Nên làm tốt mọi việc, không nên tính thiệt hơn. Cứ sống bình tĩnh, chăm chỉ làm ăn, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến

Năm 1987, tôi cưới vợ, người bạn học cùng phổ thông. Cô ấy đã chờ đợi suốt 5 năm tôi chiến đấu ở chiến trường Campuchia, lại chờ thêm mấy năm tôi đi học ở Nga. Nhưng mẹ tôi tỏ ra không hợp với vợ tôi. Bà đi xem bói. Thầy bói phán: "Bà với con dâu cùng tuổi Dần. Con trai bà lấy vợ về, một trong hai người sẽ phải chết".

Do lời phán ấm ớ vớ vẩn này, vợ tôi về làm dâu, tâm lý hết sức căng thẳng. Mẹ tôi để ý từng li từng tí. Không chịu nổi, vợ tôi ôm con về bên ngoại. Tôi cũng phải về theo. Nhà bên ngoại cũng không rộng lắm. Tôi tự nhủ: "Thôi, mình gắng chịu đựng cho cuộc sống tạm yên".

Những tối, vợ đi dạy tiếng Anh, tôi đưa cậu con trai ra sân bóng chơi. Mặc nó chạy nhảy, tôi ngồi ngóng sao trời. Nghe nói, mỗi sao như một hành tinh nhưng không có người ở. Ước gì mình có ngôi nhà trên đó, tôi lẩm nhẩm: "Lạy trời cho sao hiện ra/Để tôi ngồi với ngôi nhà của tôi". Lại có những đêm, tôi dắt cậu con trai đi bộ lên Bờ Hồ đón mẹ. Những lúc ấy, tôi nhớ đến bố.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Ngôi nhà mơ ước - Ảnh 1.

Bố tôi lúc sinh thời

Năm 1946, bố tôi cùng một người bạn - bác Diệp - đi buôn gạo. Hàng từ Sài Gòn chuyển ra Hà Nội bằng tàu hỏa. Bố tôi ở Sài Gòn. Người bạn ở Hà Nội. Hai người lúc ấy đều không có nhà. Họ cùng có một ước mơ mua được nhà ở Hà Nội. Vì cả hai đều từ vùng chiêm trũng Hà Nam lên Hà Nội lập nghiệp. Họ nảy ra ý định buôn gạo vì miền Bắc vừa xảy ra nạn đói năm 1945. Mùa màng chưa khôi phục. Buôn gạo là lãi nhất.

Sau một thời gian, cả hai góp chung tiền lãi, đủ mua được ngôi nhà, sau thời gian lựa chọn khá lâu. Bác Diệp muốn mua nhà bên kia cầu Long Biên vì thích có vườn. Nhưng bố tôi khuyên đã lên Hà Nội thì nên sống ở phố trung tâm. Và bố tôi là người chọn mua căn nhà trên phố Hàng Gai khá rộng. Diện tích khoảng 70 m2, hai tầng; sàn tầng một lát đá hoa, sàn tầng hai lát gỗ, lúc nào cũng mát rượi. Trước cửa nhà có cây bàng. Mùa xuân, chồi non nhú biếc, trông rất vui mắt. Mùa hè, lá bung tán tròn mấy tầng mấy lớp, như màn xanh. Mùa thu, trái bàng chín vàng thơm. Mùa đông, lá ngả sang màu đỏ như bức tranh sơn mài. Khi lá rụng hết, những cành đen trơ trụi, khẳng khiu như những cánh tay giơ lên đỡ bầu trời đầy mây, nhìn lên như bức tranh thủy mặc.

Hai người ở được ít ngày, bố tôi lại lên đường vào Sài Gòn vì đầu mối giục mang gạo ra gấp. Khi bố tôi đi, bác Diệp đón cả gia đình ở quê ra. Bạn đã có vợ, có con nên bố tôi nhường nhà, cũng phải thôi vì bố tôi bấy giờ vẫn còn trẻ, lại chưa vợ. Đường buôn bán đang thuận lợi thì xảy ra sự kiện toàn quốc kháng chiến. Ở Sài Gòn, bố tôi tham gia Tiểu đoàn của ông Huỳnh Văn Nghệ - người đã viết câu thơ nổi tiếng: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long". Mãi đến năm 1954, tập kết ra Bắc, bố tôi được phân về Nhà máy Chè Phú Thọ. Tại đây, bố tôi gặp mẹ tôi đi tản cư lên đó. Hai người xây dựng gia đình. Năm 1960, bố tôi chuyển công tác về Hà Nội, cả gia đình về theo.

Hồi ở Phú Thọ, mẹ tôi có xưởng làm bánh đa, lại có mấy đồi chè. Trong nhà lúc nào cũng có khoảng chục người giúp việc. Mẹ tôi tích trữ được ít tiền, đưa bố tôi mua nhà. Một ngày, ông cầm tiền đi. Nhưng trở về tay không. Hóa ra, ông bị bọn cò lừa mất. Mẹ tôi phải bán hết số nữ trang và vay mượn, mua được mảnh vườn gần chợ Mơ. Bố mẹ tôi cất ngôi nhà tạm trên mảnh vườn ấy. Nhà ở được tầm 3-4 người. Sau này, thêm mấy đứa em, thành ra chật. Tôi lại lấy vợ, về ở cùng cha mẹ. Tuy chúng tôi có một phòng nhỏ nhưng chung đụng nhiều thứ, rất khó chịu.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Ngôi nhà mơ ước - Ảnh 2.

Gia đình tôi

Tôi nhớ có lần, hồi nhỏ, bố dắt tôi đi dạo. Gặp vợ bác Diệp, bà cứ mời hai bố con vào nhà bằng được. Trong lúc bác Diệp và bố tôi trò chuyện, bác gái ghé tai tôi, nói nhỏ: "Bố cháu tốt lắm đấy. Ngày trước, hai anh em đi buôn chung, bố cháu nhường cho bạn mua nhà trước vì bạn đã có gia đình". Tôi nghe rồi bỏ qua. Tôi cũng không hỏi bố tôi chuyện này. Vì hồi đó, tôi còn quá nhỏ.

Bác Diệp rất quý tôi, hướng nghiệp sớm cho tôi vào nghề cơ khí. Nhưng tôi không thích những dụng cụ kim loại. Bởi tôi mệnh Mộc. Nhà bác Diệp có chị Chi rất xinh, lại dịu dàng, tôi muốn lên đó chơi. Nhưng bố tôi rất ít khi dẫn hoặc cho phép tôi lên đó. Bố nói lên đó nhiều, sợ hai bác nghĩ này nghĩ nọ. Chị Chi giờ lấy chồng. Nhà bác Diệp còn mấy anh trai. Dạo ấy chưa có thủy điện sông Đà, mùa lũ sông Hồng thường gây lụt lội. Mấy người con nhà bác Diệp lại nói: "May nhà mình ở phố cổ, chứ ở bên kia sông, chắc ngập lâu rồi!".

Tôi nghe mà tư lự mãi, vì tôi vẫn không có căn nhà ở cho ra hồn. Nhiều lúc nghĩ, trái đất mênh mông thế này, sao mình tìm kiếm một chỗ dưới mặt trời mà khó đến thế? Vào những dịp năm mới, tôi thường mua một quyển lịch với hy vọng nếu năm nay mình có nhà, nhất định mình sẽ treo quyển lịch này lên. Nhưng mấy quyển lịch đều bỏ ngăn kéo.

Một hôm, tôi hỏi bố: "Sao bố không nói bác Diệp chia cho mình một nửa ngôi nhà của bác?". Ông trả lời: "Bố đã hứa với bác ấy rồi. Bác cứ mua nhà trước. Vì bác lớn tuổi. Lại có gia đình… Việc buôn bán gặp bất lợi vì thời thế, bố không bao giờ nghĩ chuyện đòi phần này phần nọ".

Tôi cũng không muốn hỏi lại chuyện bác Diệp gái cùng các anh bởi bác Diệp trai đã mất năm 1970 trong một tai nạn giao thông. Buổi tối mùa hè, trời mưa, bác đang đi xe đạp ở ngã tư Bà Triệu - Lý Thường Kiệt thì bị một xe tải không có đèn, đâm vào. Bác nằm hôn mê suốt gần 3 tháng rồi mất.

Khi còn sống, bác Diệp có nghề buôn quạt trần. Các loại quạt trần cũ của Pháp, Ý… bác mua giá rẻ nhưng qua tay bác, tân trang lại, bán giá rất cao. Bác có mượn của gia đình tôi ít tiền. Sau khi bác mất, mẹ tôi có hỏi bác gái và anh con cả. Bác gái trả lời không nghe bác trai nói lại. Còn anh con cả lại nói: "Giấy tờ vay mượn đâu?". Không có gì! Bạn của chồng, lại thân với gia đình, ai lại viết giấy vay nợ? Mẹ tôi buồn thì ít mà bực thì nhiều. Nhưng không làm gì được.

Một hôm, tôi thấy bố xoay đâu được món tiền. Về đưa cho mẹ tôi và nói "nhà bác Diệp trả". Mẹ tôi cầm nhưng không tin. Bố tôi cố thuyết phục.

Nhiều lúc túng bách quá, lại khát khao có chỗ ở riêng, tôi cũng muốn gặp gia đình bác Diệp, trình bày nguyện vọng. Nhưng bố tôi nhỏ nhẹ: "Không nên con ạ. Im lặng là vàng. Nói ra là bạc. Mình không nên nói những câu chuyện mà người khác không muốn nói ra. Con muốn có nhà, bố hiểu. Và bố tin vợ chồng con chăm chỉ làm ăn, trời phật sẽ phù hộ".

Đúng như bố tôi đoán. Sau ngày bố tôi mất, vợ chồng tôi mua được căn hộ ở chung cư và tôi còn xây được ngôi nhà 5 tầng trên đất của bố mẹ để lại.

Tôi cứ nghĩ đến bố tôi, người không coi trọng vật chất, mà trọng chữ tín. Mẹ tôi hay trách bố tôi này nọ nhưng luôn phải công nhận một điều, bố tôi là người tử tế. Từ cách ứng xử của bố, tôi nghiệm ra một điều: Nên làm tốt mọi việc, không nên tính thiệt hơn. Cứ sống bình tĩnh, chăm chỉ làm ăn, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến. 

Từ ngày 27-7 đến 1-8, Ban Tổ chức cuộc thi viết "Từ trong ký ức" nhận được hơn 30 tác phẩm dự thi của các tác giả:

Lê Đình Thảo (Đồng Nai), Nguyễn Hải Phú, Đào Phạm Thùy Trang (Tây Ninh), Cao Kim (Quảng Nam), Trần Văn Mười (Nghệ An), Phan Thị Giang (Nghệ An), Trương Thanh Liêm (Cần Thơ), Nguyễn Thị Minh Khuê (Bắc Giang), Nguyễn Thị Mỹ Châu (Long An), Dương Văn Mưu (Thái Nguyên), Nguyễn Minh Phương, Trần Kích (Thanh Hóa), Tôn Thất Thọ (TP HCM), Thạch Bích Ngọc (TP HCM), Kiều Hoàng Phục, Lê Huyền Trang (Hà Tĩnh), Đoàn Minh Tuấn (Hà Nội), Chu Thị Minh Thùy (Thanh Hóa), Mai Thắng (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vương Khánh Công (TP HCM), Lê Thùy Dương (Đồng Tháp), Hà Nguyên Huyến (Hà Nội), ntu104@gmail.com, baokhangduy@gmail.com, bhhha2019@gmail.com...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo