Được trò chuyện, được nghe câu chuyện cuộc đời bác, tôi nghĩ đến ý thơ của Thanh Hải: "Một mùa xuân nho nhỏ. Lặng lẽ dâng cho đời. Dù là tuổi hai mươi. Dù là khi tóc bạc".
Cống hiến trọn tuổi thanh xuân
Bác Hiển sinh năm 1942, quê gốc Hà Tĩnh. Tháng 8-1961 bác nhận giấy báo trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Đang là sinh viên năm 3 nhưng khi miền Nam kêu gọi; bác đã xếp bút nghiên, hăng hái ra trận với hào khí như lời thơ Tố Hữu: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai".
Nhập ngũ chính thức tháng 2-1964, trở thành bộ đội Trường Sơn, thay chiếc áo sinh viên bằng áo lính. Vẫn tưởng rằng chiến tranh sẽ chẳng kéo dài để còn có cơ hội trở về hậu phương, tiếp tục "giấc mơ giảng đường" - bác tâm sự. Nhưng không! Cái "hẹn ngày về" ấy đã kéo dài, cũng đồng nghĩa bác đã cống hiến gần trọn tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Bác Hiển xuất ngũ tháng 9-1979 vì lý do sức khỏe. Thay vì tìm một cuộc sống yên ổn, an nhàn nơi quê hương Hà Tĩnh thì bác lại quyết định đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Lập nghiệp tại khu kinh tế mới Sơn Giang (thuộc huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) từ năm 1983, năm 1986, bác Hiển được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã Nhiễu Giang (tên cũ của Sơn Giang).
Bác được tiếng "làm quan" nhưng đây là "quan" của một xã kinh tế mới vừa thành lập: đất rộng, nhưng đa phần là núi đồi hoang vu, cư dân đói nghèo, thưa thớt. Ngoài một bộ phận nhỏ người dân tộc thiểu số bản địa, còn lại đa số là dân kinh tế mới từ Nha Trang ra, dân nhập cư theo hình thức di dân tự do từ tứ xứ đổ về, hết sức phức tạp và biến động.
Nói về những khó khăn khi Nhiễu Giang mới thành lập, bác Hiển cho biết: "Địa hình vùng lõm, cuộc sống tự cung tự cấp, toàn xã rặt nhà tranh vách đất. Dân ngày cắm mặt trên rừng trên rẫy, đêm về ở trong những căn nhà tạm, leo lét đèn dầu…".
Bác kể một kỷ niệm cười ra nước mắt. Năm đó mất mùa, nạn đói hoành hành, trái sung cũng không đủ mà ăn. Nhiều người dân xã Nhiễu Giang đói quá, đánh liều xuống nông trường Sơn Thành ở xã kề bên… nhổ trộm sắn, bị bảo vệ nông trường bắt giữ. "Con dại cái mang", đích thân ông chủ tịch xã phải xuống tận nơi hạ mình nói khó cùng đội bảo vệ để xin cho dân được thả về!
Bác Trần Đức Hiển
Bác Trần Đức Hiển (thứ hai từ trái qua) trao quà mừng thọ cụ Nguyễn Thị Phin tròn 90 tuổi
Ông chủ tịch hội năng động
Bác Hiển chuyển sang công tác ở Hội Người cao tuổi xã từ năm 1997. Dưới sự dẫn dắt của bác Hiển, Hội Người cao tuổi Sơn Giang đã thực sự chuyển mình, lớn mạnh, có nhiều hoạt động hiệu quả. Công tác chăm sóc người cao tuổi về mọi mặt - vật chất cũng như tinh thần đương nhiên vẫn là nhiệm vụ trọng tâm mà ông chủ tịch Hội cùng Ban chấp hành ưu tiên đặt lên hàng đầu và đã có được những kết quả đáng trân trọng.
Sở dĩ Hội Người cao tuổi Sơn Giang làm được vậy là nhờ ngoài khoản hỗ trợ từ ngân sách, bác chủ tịch hội Trần Đức Hiển còn rất năng động trong "công tác đối ngoại": vận động các cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm tặng quà từ thiện cho người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như ốm đau, tàn tật…
Không dừng ở chuyện vật chất, chỉ là Hội Người cao tuổi cấp xã nhưng đã có CLB Thơ riêng, thành lập từ rất sớm, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, đọc thơ cho nhau nghe; còn in được cả tập san thơ Người cao tuổi! CLB Dưỡng sinh của hội được thành lập, tuy bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng nay cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động, góp phần cải thiện, nâng cao sức khỏe cho các hội viên người cao tuổi. Tất cả những thành tựu ấy, đương nhiên có phần công sức không nhỏ của bác Hiển!
Chưa hết, bác Trần Đức Hiển còn đi vận động nhà hảo tâm tặng đồng phục học sinh cùng một số vật dụng sinh hoạt cho các cháu Trường Mầm non Sơn Giang. Năm đó, bốn mươi giáo viên trường THCS của xã mỗi người còn được tặng một khúc vải để may áo ấm. Bác Hiển cho rằng người cao tuổi là thế hệ đi trước, phải có trách nhiệm với con cháu. Món quà tuy nhỏ nhưng có tác động lớn đến nhận thức xã hội, ý thức của lớp trẻ. Nó thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của người đi trước đối với thế hệ tương lai.
Bác Trần Đức Hiển và cháu ngoại (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Khó khăn "để đời" và vận động lối sống văn minh
Hỏi bác sau từng ấy năm làm chủ tịch Hội Người cao tuổi, liệu bác có phải đối mặt với cái khó khăn "để đời" nào chưa? Bác Hiển cười: "Khó khăn nhiều nhưng "để đời" thì mới có một lần. Một lần thôi nhưng đến giờ còn ớn".
Bác kể cái lần bác đại diện Hội Người cao tuổi đi viếng tang một gia đình người dân tộc thiểu số ở thôn Suối Biểu. Người dân nơi đây có phong tục tập quán riêng. Nhà có tang, họ để thi thể đến mấy ngày, hôi hám không chịu được. Ấy vậy nhưng người nhà cũng như khách xung quanh vẫn cứ tỉnh bơ ăn, tỉnh bơ uống rượu cần. Được gia chủ mời ăn uống, từ chối không được, bác chủ tịch hội cũng đành phải "cắn răng" mà nhai mà nuốt. Cầm cự cho đến lúc xong lễ nghĩa, ra khỏi tang gia độ vài trăm mét là bác Hiển cấp tốc… dừng xe, chạy vào bụi khom người nôn thốc nôn tháo tất tật ra ngoài.
Sau đám tang nhớ đời đó, về nhà, bác Hiển cấp tốc triệu tập Ban Chấp hành hội họp khẩn, thống nhất quyết định ghi bổ sung vào điều lệ hội dành cho việc tang ma: "Tổ chức phúng điếu, mai táng chu đáo, trang trọng khi có cụ qua đời. Tôn trọng nghi thức, phong tục tập quán của các dân tộc, tôn giáo nhưng phải bảo đảm theo nếp sống mới, tiết kiệm, hợp vệ sinh, không mê tín dị đoan".
Nói dễ vậy, nhưng làm thì không đơn giản. Nhà người ta tang gia bối rối, không khí buồn đau, mình đâu thể nhân danh tổ chức hô hào, chỉ thị họ làm này làm kia? Với đồng bào dân tộc thiểu số lại càng khó. Chỉ còn cách có mặt kịp thời, khéo léo nhẹ nhàng động viên gia quyến cũng như nhắc nhở người khâm liệm làm cho đúng cách. Vậy là từ đó, hễ thôn Suối Biểu (thôn thuộc xã Sơn Giang, có đến 90% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số) có tang là người ta lại thấy bác Hiển có mặt!
Khá bận rộn với công việc "vác tù và" cho hội nhưng ít ai biết rằng không chỉ nhiệt tâm phục vụ cộng đồng, người cựu chiến binh Trần Đức Hiển còn có một nỗi đam mê đeo đẳng từ thời sinh viên: viết lách! Ngoài chức danh chủ nhiệm CLB Thơ Người cao tuổi, bác còn là cộng tác viên cho Báo Người Cao Tuổi và một số báo khác. Qua trò chuyện riêng tư, bác cho tôi một thông tin: "Bác đang viết hồi ký về những năm tháng mặc áo lính trong chiến tranh cũng như về những sự kiện liên quan đến đất và người Sơn Giang buổi đầu "dựng ấp lập làng". Khi nào hoàn thành, bác sẽ in…".
Vâng, mong cho bác - người lính Trường Sơn năm xưa, người phụ lão đáng kính hôm nay - thực hiện được ước mơ của mình trong một ngày không xa…
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)