Ngày tôi về công tác tại bảo tàng, chị là Phó Giám đốc phụ trách nghiệp vụ. Chị dễ gần, thân thiện, nhiệt huyết và tận tâm truyền đạt kinh nghiệm cho "đàn em". Dù ở cương vị lãnh đạo nhưng chị luôn tác nghiệp như một cán bộ nghiệp vụ.
Kết nối quá khứ với thực tại
Chị làm việc với tất cả nhiệt huyết và hướng dẫn chúng tôi thích ứng công việc trong mọi tình huống. Chị làm cho tôi quên đi câu nói đùa của bạn bè - "làm việc tại bảo tàng rồi bạn sẽ trở thành người cổ". Công việc luôn cuốn hút tôi với thời gian hoạt động liên tục, chị đã giúp tôi nhìn nhận được một điều: Quá khứ không thể lãng quên; cần kết nối chúng với câu chuyện thực tại để tạo nên giá trị của cuộc sống.
Với suy nghĩ bảo tàng không chỉ là nơi gìn giữ quá khứ, chị sáng tạo nhiều hoạt động để phát huy giá trị lịch sử, làm sống lại những hiện vật bảo tàng. Chị dành rất nhiều thời gian cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nhiều người hỏi Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có gì mà hấp dẫn? Máy bay, xe tăng, vũ khí hay những hình ảnh chết chóc, đau thương? Đó chính là cái khó để bảo tàng tìm cách thu hút được công chúng đến tham quan. Không thể để khách đến với bảo tàng vì có trưng bày những phương tiện chiến tranh, các hiện vật này sẽ vô nghĩa nếu như không thổi vào đó sự sống bằng những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, nạn nhân chiến tranh.
Nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử cho tương lai, mỗi năm chị xây dựng chương trình công tác đều có những hoạt động chuyên môn phù hợp với tình hình của đơn vị. Chị là người định hướng bảo tồn di sản ký ức thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm. Những câu chuyện kể cho từng chuyên đề được hình thành, chị cùng các đồng nghiệp đi khắp nơi để ghi lại những khoảnh khắc, những câu chuyện ý nghĩa cho từng hiện vật, nhân vật, sự kiện lịch sử.
Đó chính là tài sản quý, là di sản ký ức về chiến tranh của một thời bom đạn để lưu truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau. Thông qua công tác này, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có được đội ngũ cộng tác viên là nhân chứng chiến tranh, nạn nhân chiến tranh, cựu tù chính trị, cựu chiến binh... ở khắp mọi miền đất nước.
Chị Huỳnh Ngọc Vân phát biểu tại một sự kiện
Gắn kết bảo tàng với công chúng
Chị cùng các cộng tác viên chăm chút, thổi hồn cho từng nội dung trưng bày tại bảo tàng, mỗi chuyên đề về chiến tranh đều được tái hiện một cách trung thực, hấp dẫn, xúc động. Chị tổ chức nhiều hoạt động tương tác, giao lưu giữa các nhân chứng chiến tranh và công chúng để thu hút khách đến tham quan.
Chị luôn tạo cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh sức sống mới nhưng không xa rời lịch sử, bảo tàng mong muốn khách tham quan hiểu rõ hậu quả của chiến tranh để nhận thức được giá trị của hòa bình.
Chị biết làm mới các hoạt động để mỗi lần khách đến nơi này là mỗi lần được trải nghiệm khác nhau. Chị đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để gắn kết bảo tàng với công chúng và giúp du khách tiếp cận được di sản ký ức một cách gần gũi, tự nhiên với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Chị đã thắp sáng tình yêu di sản cho công chúng, du khách tham quan. Cựu chiến binh ở bên kia chiến tuyến đã từng cảm động khi tiếp cận với cựu chiến binh Việt Nam, cựu tù chính trị và nạn nhân chất độc da cam.
Những buổi giao lưu giữa các nhân chứng chiến tranh với công chúng luôn được chị tổ chức rất đơn giản nhưng trang trọng. Đó có thể là buổi giao lưu kể chuyện, ca hát, vẽ tranh, làm bánh, tiệc trà hoặc dùng cơm thân mật... nhưng lồng vào các hoạt động đó là những giá trị của lịch sử, tinh thần nhân nghĩa và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn tổ chức rất nhiều hoạt động giao lưu giữa các nhân chứng lịch sử với học sinh, sinh viên. Các em không chỉ đến bảo tàng tham quan, học tập mà còn trải nghiệm nhiều hoạt động giáo dục và đây cũng là nơi ươm mầm những ý tưởng sáng tác các tác phẩm hội họa về đề tài chiến tranh và hòa bình.
Chị Huỳnh Ngọc Vân tổ chức giao lưu giữa Tổng thống Ấn Độ với nạn nhân chất độc da cam tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, năm 2014
Chị Huỳnh Ngọc Vân thuyết minh cho một đoàn khách tham quan Bảo tàng Áo dài. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bảo tàng Áo dài và những câu chuyện kể
Năm 2017, chị hoàn thành nhiệm vụ tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và chính thức làm việc tại Bảo tàng Áo dài. Cùng hoạt động trong lĩnh vực di sản nhưng mỗi bảo tàng có nhiệm vụ và chức năng khác nhau. Bước đầu chị gặp không ít khó khăn trong công việc vì Bảo tàng Áo dài thuộc chuyên đề sâu, nhân sự ít, chưa được đào tạo chuyên ngành. Bảo tàng lại có vị trí khá xa trung tâm TP HCM. Chị khắc phục gian khó và niềm đam mê với nghề cùng tình yêu chiếc áo dài Việt đã giúp chị từng bước đưa Bảo tàng Áo dài đến gần với công chúng trong và ngoài nước.
Không ngừng nâng cấp và hoàn thiện khu vực trưng bày, chị làm mới những câu chuyện kể về áo dài Việt, về những nhân vật và sự kiện lịch sử. Bảo tàng Áo dài đã được biết đến như một điểm du lịch văn hóa - sinh thái của TP HCM, nơi đây khách tham quan không chỉ tìm hiểu về lịch sử áo dài mà có thể trải nghiệm mặc áo dài chụp ảnh, xem trình diễn dân ca, học thắt lá dừa, làm bánh, thưởng thức các món ăn làng quê... Nhờ từng bước điều chỉnh, nâng cấp các mặt hoạt động mà Bảo tàng Áo dài tăng lượng khách và doanh thu lên gấp đôi.
Việc gìn giữ tình yêu hòa bình hay gìn giữ di sản văn hóa ở cả hai bảo tàng với chị đều là bổn phận và nhiệm vụ. Chị không chỉ tìm những giải pháp cho hoạt động bảo tàng đạt hiệu quả mà còn nghiên cứu viết tham luận trình bày tại các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên ngành. Những đề tài của chị luôn có sự trăn trở về thách thức và cơ hội cho ngành di sản Việt Nam. Những bài viết của chị đã đóng góp tích cực cho hoạt động của bảo tàng và truyền đạt thêm kinh nghiệm cho thế hệ trẻ làm nghề. Chị đã góp phần vào việc đào tạo và thắp sáng tình yêu di sản cho lớp cán bộ kế thừa.
Hãy đến với bảo tàng để nghe hiện vật lên tiếng - tiếng của những giá trị lịch sử mãi trường tồn theo năm tháng, tiếng yêu thương của những người thực hiện công tác chuyên môn. Đó cũng chính là nơi con người trao cho nhau những giá trị của cuộc sống, những tinh hoa kết nối mọi nghĩa tình. Những người công tác ở hai bảo tàng đều luôn quý mến chị - người lãnh đạo, bạn đồng nghiệp luôn tìm cách thổi hồn và thắp sáng những giá trị di sản Việt đến với cộng đồng.
Hết lòng với thế hệ trẻ
Ngoài việc tìm các "món ăn tinh thần" phù hợp với nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của giới trẻ, chị Huỳnh Ngọc Vân còn giúp họ yêu thích và có cách nhìn mới về bảo tàng. Dù ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hay Bảo tàng Áo dài, các sinh viên thực tập, tình nguyện viên đều gắn bó, nhiệt huyết. Mỗi khi bảo tàng tổ chức sự kiện, chị luôn tạo điều kiện cho lớp trẻ được tham gia, được trải nghiệm nhằm tạo ra những cảm xúc tích cực trong lòng họ.
Có những em sau thời gian thực nghiệm tại bảo tàng đã xin được ở lại công tác. Các em đến làm nghề đều được chị hướng nghiệp rất nhiệt tình, có em được chị dìu dắt và rất thành công trong sự nghiệp. Chị chăm chút, hướng dẫn, rèn luyện cho nhân viên trẻ ở bảo tàng trưởng thành, kế thừa sự nghiệp bảo tàng. Thời gian dần trôi, các thế hệ nối tiếp sự nghiệp di sản khi làm việc ở hai bảo tàng đều đã vững vàng và góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nước nhà.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)