xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhớ một ân nhân - người hiền

NGUYỄN PHƯỚC HOÀNG

Tôi biết mình phải làm những điều gì thật ý nghĩa để cống hiến và cho đi nhằm tô đẹp cuộc sống này như tấm gương của vị cứu tinh của mình năm xưa

Tháng 5 lại về mang theo những cơn mưa đầu mùa như trút nước, gợi cho tôi nhớ da diết bao kỷ niệm xa xăm của thời thơ ấu.

Xóm nghèo vùng kinh tế mới

Vào năm 1976, theo tiếng gọi của Đảng, gia đình tôi cùng bà con từ thị xã Bạc Liêu tình nguyện về vùng kinh tế mới tại ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình để khai khẩn đất hoang, canh tác sản xuất nông nghiệp. Nơi đây là vùng đất vốn hoang hóa nằm ven biển ở phía Nam của thị xã (nay là thành phố) Bạc Liêu. Ban đầu mới đến đây, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình bằng việc giao 7 công đất hoang để khai phá, sản xuất nông nghiệp. Vào thời điểm ấy, nơi này cỏ cây mọc um tùm, rậm rạp, nhất là vào mùa mưa, cỏ dại vượt cao hơn đầu người, còn mùa nắng thì chúng nằm rạp xuống dày hơn nửa thước.

Những năm đầu mới khai phá, đất đai vốn nhiễm phèn mặn nặng nên cho năng suất rất thấp. Vì vậy, để các con được no đủ, nhất là vào mùa giáp hạt, ba má tôi luôn phải tranh thủ những lúc nông nhàn để đi làm thuê ở những vùng lân cận. Ở nhà chỉ còn lại tôi và người chị kế, hai chị em cùng bảo ban nhau và đợi cho đến khi trời tối mịt ba má và mấy chị mới về. Do hai chị em chỉ khoảng 4 đến 5 tuổi nên chưa biết tự nấu ăn. Có hôm ba má đi làm xa, trưa không về được thì hai chị em chỉ biết húp ít cháo buổi sáng và đành nhịn cho đến chiều tối. Những lúc hoàng hôn buông, bóng đêm nhập nhoạng phủ trùm không gian cùng với tiếng ếch nhái rền vang thì hai chị em sợ hãi vô cùng. Lại thêm cảnh đồng không mông quạnh bỗng chốc nước mưa ngập mênh mông cùng với những cơn gió thổi hun hút làm cho mái nhà lá tuềnh toàng, tạm bợ run lên bần bật. Tiếng vách lá xào xạc không ngừng thì nỗi sợ hãi của hai chị em càng tăng thêm.

Vào một chiều mưa tầm tã, mái nhà lợp bằng lá dừa nước đã lâu nên bị dột, hai chị em co ro trong chiếc mền cũ vừa lạnh vừa sợ bởi những tiếng sét đinh tai nhức óc ngoài trời. Trong khi hai chị em đang khóc thì bác Hòa, người hàng xóm đang khơi đường nước cạnh nhà, nghe thấy và qua giúp đỡ.

Bác Hòa sống một mình, vợ con đều ở tận thị xã Bạc Liêu nhưng do hoàn cảnh gia đình nên bác phải vào vùng kinh tế mới như bao gia đình trong xóm này để khai phá đất hoang làm nông. Khi mùa thu hoạch xong thì bác trở về thị xã. Đến vụ mùa gieo trồng bác trở lại với bao công việc của nhà nông.

Nhớ một ân nhân - người hiền - Ảnh 1.

Chân dung bác Hòa do tác giả vẽ lại bằng ký ức

Nhớ một ân nhân - người hiền - Ảnh 2.

Ảnh tác giả chụp ở ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu - vùng quê kinh tế mới năm xưa

Nhớ một ân nhân - người hiền - Ảnh 3.

Tác giả (bìa phải) trao thưởng cho sinh viên Trường ĐH Bạc Liêu trong một cuộc thi

Cứu tôi khỏi tay thần chết

Sự xuất hiện của bác vào lúc trời mưa chiều hôm ấy như vị cứu tinh của chị em tôi. Thấy tình cảnh đáng thương của hai chị em, bác vội dắt sang nhà và ân cần dỗ dành. Bác san sẻ phần cơm để ba bác cháu cùng ăn cho vui. Hai chị em cảm thấy an tâm và vui mừng lắm. Đợi đến khi ba má tôi đi làm về, bác mới đưa hai chị em về. Ba má tôi rất mừng và cảm ơn nhưng bác chỉ nói: "Cô chú cứ an tâm đi làm, tôi chỉ làm công việc loanh quanh nhà nên có gì trông chừng, bảo ban hai cháu giúp cho". Chính câu nói ấy mà sau này ba thường lấy ra để khuyên dạy chị em tôi - sống là phải biết quan tâm, giúp đỡ người khác…

Từ đó, cứ chiều rỗi việc, bác thường mang sang cho chị em tôi nhiều quà: là con cào cào bằng lá dừa hoặc chiếc chong chóng, có khi gói kẹo… Bác còn kể nhiều chuyện cổ tích làm cho tôi rất ấn tượng và nhớ mãi những câu chuyện thấm đẫm tình người, đầy lòng nhân ái... Chị em tôi xem bác như người thân. Mỗi lần bác sang nhà chơi, hai chị em thường quấn quýt bên bác. Khi bác về thị xã thăm gia đình, chị em tôi luôn mong ngóng đợi bác về.

Riêng với tôi, bác không chỉ là người thân mà còn là ân nhân đã cứu tôi thoát chết. Quê tôi là vùng sông nước nên kênh rạch, đìa, ao khắp quanh nhà. Hôm ấy, hai chị em ra bờ sông trước nhà chơi nhưng không may tôi trượt chân ngã xuống nước và sau đó không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, tôi lờ mờ nhận ra khuôn mặt bác Hòa đầu tiên. Bác thấy tôi tỉnh lại thì mừng đến nỗi rơi nước mắt. Sau đó, tôi được nghe chị kể lại lúc tôi bị ngã xuống nước, bác Hòa đang cuốc đất trong vườn nghe tiếng kêu la của chị tôi, đã chạy vội sang, nhảy xuống sông cứu vớt, hô hấp cho tôi tỉnh lại. Vì đang làm việc mệt, trên người đầy mồ hôi mà phải trầm mình xuống nước đột ngột nên bác bị ốm suốt mấy ngày liền.

Khi tôi khỏe hẳn, gia đình đưa tôi sang thăm và cảm ơn bác. Bác bảo tôi lại gần với nụ cười rất hiền và xoa đầu, ân cần dặn dò: "Cháu nhớ không chơi ở ao hồ hay sông rạch nữa nhé, có con ma sẽ kéo xuống đó!". Tôi nghe lời bác, hứa sẽ không đến gần ao hay đìa, sông nữa. Khi chào bác ra về, tôi còn được bác cho một quả cam rất to. Ngay lúc đó, tôi tự nhủ với lòng, sau này lớn lên sẽ cố gắng đền đáp tấm chân tình mà bác đã dành cho mình.

Sống tốt để không phụ lòng bác

Nhưng cuộc sống nào có ai biết được ngày mai. Vào một chiều tháng 10, bầu trời xám xịt, ủ dột với những giọt mưa lất phất, hai chị em đang mải chơi thì giật mình khi nghe tiếng ồn ào của những người hàng xóm đang xôn xao bên nhà bác. Lấy làm lạ, chị dặn tôi ở nhà để sang xem nhà bác có chuyện gì. Một lúc sau, chị hớt hải chạy về với đôi mắt đỏ hoe, nói không nên lời, lặng mãi một lúc, chị mới bảo với tôi rằng bác Hòa đã mất rồi và khóc thật to. Lúc ấy, tôi chưa hiểu từ "mất" có nghĩa thế nào mà cứ nghĩ hàng xóm đến chơi để tiễn bác về thị xã thăm gia đình như bao lần mà thôi. Nhưng tiếng ồn ào của hàng xóm càng lúc càng lớn, vì tò mò, tôi chạy sang xem thực hư ra sao. Mọi người trong xóm tụ tập rất đông ở nhà bác, thấy tôi là đứa bé thì ai cũng cấm không cho vào. Sáng hôm sau, nghe tiếng trống thúc liên hồi, tôi vội chạy sang, đứng trước cổng rào, nhìn thấy mọi người đưa thi thể bác vào chiếc quan tài rồi đưa lên đò chở đi giữa lúc cánh đồng lúa vàng ươm chưa kịp thu hoạch... Đó là hình ảnh cuối cùng mà tôi nhìn thấy và in đậm mãi trong ký ức.

Chiều nay, tôi có dịp trở về quê xưa, thăm lại những kỷ niệm của một thời ấu thơ. Đi ngang qua mảnh đất, nơi có căn nhà của bác Hòa năm xưa, tôi không khỏi chạnh lòng với cảm xúc trào dâng. Mảnh đất ấy đã trải qua nhiều đời chủ khác nhưng trong tôi vẫn đong đầy bao niềm yêu thương và vô vàn kỷ niệm ân sâu nghĩa nặng về bác Hòa. Chính tấm lòng yêu thương, đầy nghĩa tình của bác đã chắp cánh cho tâm hồn tôi được trưởng thành và hiểu thêm những giá trị của cuộc sống hôm nay. Tôi biết mình phải làm những điều gì thật ý nghĩa để cống hiến và cho đi nhằm tô đẹp cuộc sống này như tấm gương của bác năm xưa mình từng được nhận và mang ơn. Tôi luôn tin rằng ở nơi suối vàng, vong linh của bác chắc chắn sẽ thanh thản, bởi lúc sinh thời đã cho đi tấm lòng vàng để gieo bao điều tốt đẹp cho đời, trong đó có tôi và người dân xóm Vĩnh Mẫu thân yêu này. 

Bác Hòa sống rất tử tế, nhân ái và gần gũi với mọi người. Từ đầu đến cuối xóm, hễ nhà ai gặp khó khăn hay có hoàn cảnh gì bác luôn sẵn sàng giúp đỡ, cho đi những cân gạo, bó rau, con cá. Có hôm bác đến lợp nhà giúp chú Sáu, có hôm lại giúp nhà dì Năm che lại chuồng gà... Bác giúp với tấm lòng và thái độ vui vẻ, nhiệt tình, không màng tính toán công lao nên trong xóm ai cũng quý mến, nể trọng bác.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Nhớ một ân nhân - người hiền - Ảnh 5.
Nhớ một ân nhân - người hiền - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo