Chị Lê Thị Diệu Châu (SN 1979; ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù TP Đà Nẵng. Năm 2014, chị Châu vinh dự là người khuyết tật duy nhất trong cả nước nhận Giải thưởng Kova lần thứ 12. Chị cũng từng được Trung ương Hội Người mù tặng bằng khen vì những cống hiến, Đà Nẵng vinh danh là một trong những tấm gương thanh niên sống đẹp tiêu biểu của TP.
Dạy học là niềm đam mê
Từ khi mới lọt lòng mẹ, cô bé Diệu Châu đã không may mắn được nhìn thấy ánh sáng. Diệu Châu luôn đau đáu trong mình nhiều ước mơ được một ngày cắp sách đến trường. Diệu Châu được ba mẹ hỗ trợ để học chữ nổi, sau đó đăng ký vào học Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng). Học hết lớp 12, chị tiếp tục thi đại học và trúng tuyển vào Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Duy Tân. Bên cạnh việc học, chị còn tham gia dạy học cho người khiếm thị tại Hội Người mù quận Thanh Khê. "Học viên các lớp học đa phần là người lớn tuổi, tâm lý khác nhau nên khi bắt đầu vào lớp tôi vẫn thường phải tâm sự với họ để hiểu và động viên các cô, chú, bác cố gắng theo học để biết chữ" - Diệu Châu kể lại.
Theo chị, dù vất vả nhưng việc đứng lớp dạy chữ cho người khiếm thị lại mang đến niềm vui, hạnh phúc. "Mỗi khi ai đó học thành công một khóa học chữ nổi là tôi thấy vui, đó là niềm hạnh phúc của chính mình. Là người trong cuộc, tôi cảm nhận được thiệt thòi của những người khiếm thị. Mình cố công một chút để những người đồng cảnh ngộ có thêm nghị lực để sống tốt hơn" - chị Châu trải lòng.
Chị Lê Thị Diệu Châu luôn là tấm gương tỏa sáng đầy nghị lực
Tốt nghiệp đại học, chị Châu được Hội Người mù TP Đà Nẵng mời về đảm nhận công tác tuyên truyền, giáo dục. Kể từ đó, bất kể nắng mưa, hằng ngày, chị được cha mẹ, cán bộ của hội chở đi khắp các quận, huyện của TP Đà Nẵng để dạy chữ cho người khiếm thị. Có những khóa học ở tận huyện Hòa Vang, chị vẫn kiên trì đến lớp, không để học trò phải nghỉ buổi học nào.
Không chỉ dạy chữ, chị Châu còn đề xuất Hội Người mù TP Đà Nẵng mở các lớp dạy giao tiếp tiếng Anh cho hội viên làm nghề mát-xa. "Các khóa học này không khó lắm. Tự tôi thiết kế bài giảng, dạy cách thức giao tiếp bằng tiếng Anh cho người khiếm thị khi hành nghề. Trước nay, các cơ sở mát-xa của người mù luôn là nơi mà họ có thể tự nuôi sống bản thân tốt nhất. Nên ngoài việc dạy giao tiếp bằng tiếng Anh, tôi còn tự tìm tòi, truyền đạt cách thức giao tiếp với khách sao cho lịch sự, trang trọng để họ hành nghề tốt hơn" - chị Châu kể lại.
Ánh sáng từ tâm
Chị Châu luôn được đồng nghiệp, bạn bè, người thân ngưỡng mộ vì tâm hồn chị không khuyết tật. Khi hội tổ chức các hoạt động, chị luôn đảm nhiệm việc xây dựng chương trình và làm MC. "Ai cũng bảo chị Châu dù mắt mù nhưng tâm chị ấy sáng. Không những dẫn chương trình giỏi mà chị còn hát hay, bày ra các tiết mục văn nghệ, trò chơi khi có sự kiện" - một cán bộ Hội Người mù TP Đà Nẵng nhận xét.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ mù TP, chị Châu luôn tìm cách để hơn 300 hội viên có được công ăn việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân. "Nhiều trường hợp tôi động viên, an ủi, cố gắng tìm một công việc phù hợp cho họ. Bằng cách đó, hầu hết hội viên là nữ khiếm thị ở Đà Nẵng đều có được công việc riêng, từ làm đồ thủ công mỹ nghệ đến bán tăm tre, bán tạp hóa nhỏ hay kỹ thuật viên mát-xa…" - chị Châu nói.
Không những giúp đỡ về công việc, chị Châu còn là người sâu sát từng hội viên - những phụ nữ khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn. Chị đi gõ cửa các địa chỉ mạnh thường quân để xin những phần quà, suất hỗ trợ sinh kế hay mái ấm tình thương. Năm qua, chị đã vận động được các nhà hảo tâm xây 2 mái ấm tình thương cho 2 phụ nữ khiếm thị của hội. "Hai chị ấy, một người mù bẩm sinh, một người mù do tai nạn, sau đó vì hoàn cảnh phải ly hôn. Cả hai không có một mái ấm đúng nghĩa mà phải nương tựa nhiều chỗ. Giúp đỡ hai chị có nhà, tôi cảm thấy nhẹ nhõm" - chị Châu trải lòng.
"Suy cho cùng, dù cuộc đời có khó khăn hay bạc đãi chính mình nhưng không ai có thể quật ngã được sự kiên trì, cố gắng. Nếu quyết chí đến cùng, tôi tin chắc mỗi người dù ở hoàn cảnh nào vẫn có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc" - chị Châu tâm sự. Hiện tại, chị đang sống cùng ba mẹ và con gái mới tròn 9 tuổi. "Con gái tôi may mắn được nhìn thấy ánh sáng đời thực. Cháu rất ngoan ngoãn. Tôi chỉ gặp khó khăn khi chăm con lúc nhỏ, còn bây giờ lúc ở nhà, tôi có thể là cô giáo cho chính con" - chị Châu hạnh phúc bộc bạch.
Người phiên dịch không lương
Từ khi chị Diệu Châu nhận công tác tại Hội Người mù TP Đà Nẵng vào 2009 đến nay, mỗi khi hội tiếp đón các đoàn khách nước ngoài thì không cần phải vất vả tìm người phiên dịch. Bởi chính chị là người phiên dịch chuẩn nhất và không phải trả thù lao. Từ các đoàn khách nước ngoài tới các tổ chức phi chính phủ, chị Châu là người tiếp đón, phiên dịch, hỗ trợ cho cả hai phía. Ông Võ Văn Ngọ, Chủ tịch Hội Người mù TP Đà Nẵng, đánh giá chính nhờ sự đa tài, tấm lòng nhiệt huyết của chị Châu mà hoạt động của hội không bao giờ tẻ nhạt, các tổ chức nước ngoài vì yêu mến chị mà cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng người khiếm thị ở Đà Nẵng.
Kỳ tới: Người hùng môi trường
Bình luận (0)