Một cái nhà chừng 15 m2, mái nâu đen kéo vòng cung xuống tận nền, được xe cẩu loại lớn nhấc bổng lên rồi thả dần xuống mặt sông Sài Gòn, đặt chính xác lên bè nổi là 20 cái phao lớn gắn liền nhau thành 5 hàng. Tiếng các bạn trẻ reo lên vui mừng. Họ là nhóm các bạn trẻ ở quận 12 - TP HCM, đang chuẩn bị cho một kế hoạch lớn nhằm góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Phong Nha (Quảng Bình) vốn đã rất nổi tiếng với hệ thống hang động.
Một địa chỉ đỏ
Lần nào ghé Phong Nha, tôi cũng dành thời gian đến ngồi ở bến đò ngang, cạnh bến thuyền đưa du khách vào thăm động.
Ngồi ở đây, nhìn dòng nước trong xanh hiền hòa trôi, thấy lòng rất đỗi an nhiên tự tại. Rồi khi gặp đủ dạng người đang quần tụ mưu sinh quanh đây, tôi biết bến sông này chính là nơi có cái bến phà Xuân Sơn đã được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia từ năm 1986 - một địa chỉ đỏ rất cần lưu ý cho những chuyến "Về nguồn".
Lịch sử vùng đất này ghi bến phà Xuân Sơn được lập trong thời kỳ chống Mỹ để đưa người, xe sang sông, bảo đảm cho các hướng chi viện từ đường 12 và đường 15 cùng vượt cửa khẩu với đường 20 Quyết Thắng. Đó là điểm huyết mạch trên tuyến vận tải tiếp tế, chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, và được ví như chiếc túi đựng bom của không lực Mỹ.
Thử nghiệm nhà nổi trên sông Sài Gòn trước khi đưa về Phong Nha
Những năm Mỹ đánh phá quá ác liệt, có ngày B52 thả 60 đến 80 quả bom, thì từ chỗ bến sông này ngược lên cửa động và cả hướng về xuôi, mỗi bên cách vài trăm mét, còn được lập thêm hai bến phà nữa để "chia lửa". Ngay vòm cửa động Phong Nha khi ấy được làm nơi cất giấu phà và khí tài nên bộ đội có câu "động là nhà, bến phà là trận địa". Trong vô vàn trận bom dội xuống đây, có một trận làm hy sinh 40 chiến sĩ của Đại đội cầu phà Xuân Sơn.
Kết nối những lộ trình
Du khách đến Phong Nha, nhiều người cũng thích ngồi ở bến sông này để thỏa tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh bình yên của làng quê vùng sơn cước.
Tôi thì thường rời chỗ này khi đông người để lững thững dọc sông, ngược lên vài trăm mét phía động, lại ngồi tiếp ở cái quán cà phê hiếm hoi ngay sát bờ, trên độ cao có thể đến vài chục mét. Quán cà phê ấy chính là một phần trụ sở của Oxalis (Chua me đất) - doanh nghiệp duy nhất đang khai thác các tour du lịch mạo hiểm và thám hiểm hang động tại vùng Tây Trường Sơn, với một loạt hang như Sơn Đoòng, Hang Én, Hang Va, Hang Nước Nứt…
Nguyễn Châu Á - ông chủ Oxalis, sinh ra và lớn lên ngay chính vùng đất Phong Nha này. Á từng phiêu bạt làm nhiều nghề ở TP HCM, rồi làm chủ một doanh nghiệp lớn nên đã tính ổn định luôn không về quê.
Nhưng rồi, cái đận xảy ra trận lũ lịch sử năm 2010, khi đang ở thăm quê, ngồi trên nóc nhà nhìn 4 phía bị nhấn chìm trong nước, Á bỗng nghĩ vì sao với hệ thống hang động tuyệt đẹp của một di sản thiên nhiên thế giới mà quê nhà cứ bị đói nghèo đeo bám mãi. Thế rồi Á buông bỏ tất cả, trở về quê nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Tôi không muốn nói về những thành công của Nguyễn Châu Á, vì ít cũng đã có hàng trăm bài báo viết về ông chủ trẻ của Oxalis. Tỉ như chuyện quảng bá hang động vùng này ra toàn thế giới. Cái này thì không chỉ du lịch tỉnh Quảng Bình mà du lịch cả nước đang "có lãi" nhờ vào các chiến lược truyền thông của Á. Rồi như chuyện dù làm ăn rất bài bản với những dịch vụ chất lượng cao nhưng Á lại có một ưu đãi rất đặc biệt với lao động là người của chính quê hương mình.
Làm dịch vụ du lịch thì cần đội ngũ nhân lực phải chuyên nghiệp. Con em quê nhà nếu thực sự muốn chuyên nghiệp thì đã có các chiến lược đào tạo của Oxalis, đào tạo kiểu bắt tay chỉ việc. Mà lao động phục vụ tour tuyến của Oxalis bây giờ có rất nhiều người là nông dân thực sự của Phong Nha, khi làm cho Oxalis thì trở thành những hướng dẫn viên, nhân viên, cộng tác viên luôn làm cho du khách cả Tây lẫn ta thỏa mãn. Lạ lắm.
Cùng thế hệ với Á, nhưng sinh ra ở vùng hạ nguồn dòng Son này, bây giờ cũng từ TP HCM quay về góp thêm những ý tưởng mới mẻ cho Phong Nha, chính là nhóm bạn dưới sự chỉ huy của 2 bạn trẻ Đoàn Xuân Tiến và Nguyễn Thái Hòa. Họ xúm tay nhau trong một tập thể có tên là Đoàn Gia. Tôi tếu táo dịch nghĩa Đoàn Gia là nhóm bạn hữu đoàn kết như trong một gia đình để về với Phong Nha. Đoàn Xuân Tiến, thủ lĩnh của nhóm, nghe tôi nói thế thì tủm tỉm cười, không giải thích gì thêm.
Một đôi uyên ương hào hứng chụp hình lưu niệm với mô hình nhà nổi vừa xuất hiện ở Phong Nha
Nhưng hôm rồi có dịp ghé về Phong Nha, tôi rõ hơn những việc các bạn ấy làm khi chung sức đầu tư vào đây đến hàng trăm tỉ̉ đồng. Đấy là hàng chục cái nhà nổi đã thử nghiệm trên sông Sài Gòn như tôi đã kể, nay được đưa về đặt dưới chân một ngọn núi đá vôi trầm mặc. Quả là rất lạ khi tôi biết có đến những 20 đầu mối, từ nhà thiết kế đến nhà cung cấp vật liệu, tham gia vào việc làm ra những cái nhà này, vì nó không chỉ là gỗ, là sơn, là sắt thép, mà là những kết cấu tinh xảo, sự uyển chuyển trong phối trộn vật liệu để đưa ra kết quả là nó hoàn toàn chống chịu với thời tiết hầm hập gió Lào khi mùa hè và buốt giá khi đông về. Rồi thì những cái nhà nặng đến 4 tấn thế nhưng nó đặc biệt ở chỗ sẽ bảo đảm tự động nổi nhẹ nhàng bằng cách trượt trên 4 trụ thép theo mực nước lũ tràn về. Mùa nước lũ, ngồi trên những cái nhà này ngắm dòng nước bạc băng băng, thả cần câu nhử mấy chú cá từ thượng nguồn về thì không gì thú vị bằng.
Rồi từ cái bản sao phố cổ ấy, theo hướng nhìn ra sông Son là một chợ đêm chuyên trình diễn sản vật độc đáo của vùng sơn cước, đặc biệt là dược liệu và các thứ nấm phong phú và rất đặc trưng của vùng Tây Trường Sơn nắng gió. Rồi một khu chợ cao cấp về hải sản do nông dân Phong Nha khai thác từ chính sông Son và hệ thống dày đặc các sông nhánh, khe, suối, mà món đặc biệt không thể thiếu là cá chình sông Son.
Cũng từ đây, các bạn trẻ từ TP HCM ra sẽ mở một loạt những lộ trình để kết nối khép kín từ sân bay Đồng Hới đi Phong Nha, rồi từ Phong Nha tiếp nối động Thiên Đường, hang Tám Cô, hang Bùn, vòng về mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Điều tôi quên chưa kịp hỏi Hòa là vì sao lại đưa vào đây một phố cổ Hội An thu nhỏ với hàng chục căn nhà phố soi mình trong dòng sông Hoài cách điệu. Cái bản sao phố cổ ấy đặt trong không gian hùng vĩ của núi non Phong Nha quả là quá đẹp.
Vẳng tiếng hò khoan
Nhớ hôm rồi, Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, tấm tắc mãi với chúng tôi rằng anh đang theo đuổi ý tưởng về những chiếc thuyền bập bềnh trên sông Son, vẳng tiếng hò khoan Lệ Thủy.
Lệ Thủy là vùng trù mật nhất xứ Bố Chính xưa (Quảng Bình nay), là quê hương của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điệu hò khoan Lệ Thủy đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng lâu nay nếu du khách muốn nghe thì phải vào tận Lệ Thủy, phía trong TP Đồng Hới hàng chục km, mà hầu hết là cứ phải đúng dịp lễ hội mới thưởng thức được trọn vẹn.
Nay thì hồ sơ nâng cấp xã Phong Nha thành thị trấn với trên 12.000 dân đang ở những bước hoàn thiện cuối cùng. Một thị trấn Phong Nha sẽ hiện hữu trong trong nay mai với nhiều bí ẩn về núi rừng, hang động và những câu chuyện thú vị về vùng đất, con người, ở nơi có lúc tưởng chừng đã thành vùng đất chết trong bom đạn.
Tôi hiểu vì sao mỗi lần mời bạn bè về chơi, điêu khắc gia Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, cứ nhắc mãi câu: "Về rồi tui đưa lên Phong Nha chơi. Phong Nha thú vị lắm, chứ đâu chỉ có động và rừng".
Mô phỏng phố cổ Hội An tại Phong Nha
Ban Tổ chức cuộc thi phóng sự - ký sự 2019 trên Báo Người Lao Động đã nhận được tác phẩm của các tác giả: Lê Công Hội (Ông cổ hủ xứ Mường), Chung Thanh Huy (Thắm màu làng chiếu Định Yên), Mạnh Hào (Để mình hát xẩm cho mà nghe!), Phạm Xuân Dũng (Trên đỉnh Sa Mù), Đỗ Quang Tuấn Hoàng (Nghiên cứu mỹ thuật để "gặp gỡ" ông ngoại), Trương Thanh Liêm (Ông Lộc đa năng), Hồ Thị Xuân Đà (Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng), Huỳnh Văn Nguyệt (Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Nga)...
Trân trọng cảm ơn các tác giả và mong tiếp tục nhận được tác phẩm mới.
Bình luận (0)