xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài 2: Mồ hôi và máu đổi vàng đen

THẾ DŨNG

Trong khu vực khai thác than, với lổn ngổn đại xa, xe cẩu, máy xúc, máy nổ, bom mìn, điện cao thế, sông suối, hầm lò, mỏ lộ thiên sâu hoắm..., thì chỉ sơ ý là tai nạn xảy ra nguy hiểm tính mạng

Sau loạt mìn nổ, tôi cứ ngồi chịu trận không dám nhúc nhích, thậm chí nén cả hơi thở. Lát sau, một tốp thợ đến, tôi thở phào và cùng họ đi thẳng vào lò chợ (nơi trực tiếp khai thác than), co người chui qua khám đầu (điểm đầu tiên của ngách lò chợ).

Trước mặt tôi giờ là một lối nhỏ không thể đứng thẳng người, chỉ rộng bằng chiếc bàn học sinh, bụi than cám mù mịt. Anh Duyến cho biết, tiết diện đường lò cách đây 1 tuần là 5 m2, vậy mà hôm nay chỉ còn trên 1 m2. Áp lực sâu trong lòng núi đã làm đường lò co lại mỗi ngày tới gần 1 m2.

Đánh vật với hàng tá công việc

Phía trên đầu và xung quanh tôi, than đá lấp lánh trong ánh đèn. Vỉa than vừa bị thuốc nổ phá vỡ lởm chởm như hàm cá mập. Lúc này những tay thợ trẻ vào trước đang khẩn trương chuẩn bị khai thác than.

Phía dưới chân chúng tôi là những máng cào bằng sắt (dùng để hứng than) nhẵn thín do than đá lâu ngày bào mòn, được xếp dọc theo lò chợ. Than rơi vào máng cào nghe như mưa rào. Anh Duyến liên tục nhắc tôi phải đi trên thành máng cào, bám chắc vào thành cột và đặc biệt chú ý quan sát.

Bởi chỉ cần bước lên máng cào trơn như bôi mỡ, tôi có thể trôi tuột hơn 130 m xuống khám chân (điểm cuối ngách lò chợ) và khi đó, thân thể sẽ liên tục bị va đập vào hàng trăm tấn thiết bị chống lò, khai thác than. Dù chiều cao khiêm tốn và đã cố co rút người lại nhưng đầu tôi vẫn liên tục va vào nóc hầm côm cốp. Đội mũ bảo hộ mà tôi vẫn thấy ê cả đầu.

Lò chợ có hai loại là khấu đuổi (khai thác từ ngoài vào) và khấu dật (khai thác từ trong ra) với chiều dài dao động từ 90 m đến 200 m. Mỗi vỉa than có nhiều lò chợ với độ dốc khác nhau, từ 8o đến 45o, lúc thì dốc xuôi từ khám đầu đến khám chân, lúc thì ngược lại.

Khi còn trong phòng họp giao ca, dù được giải thích mấy lần và nhìn vào hộ chiếu (sơ đồ thiết kế lò), tôi vẫn không hình dung ra được hình thù, đặc điểm của lò than. Khi được tận mắt chứng kiến thì những điều tôi từng hiểu biết thật không thấm vào đâu!

Ở trong một phạm vi quá hẹp, chật chội, bụi đặc quánh, thiếu không khí, nóng nực, hàng chục công nhân lom khom đánh vật với hàng tá công việc, từ lắp dựng ống thủy lực, cột chốt gỗ, xà gỗ, xà sắt, đến đánh mìn, dựng lưới, bổ cuốc chíp vào than... Tôi quay lại hỏi những công nhân đi cùng: “Để có vàng đen, phải cực nhọc thế sao?”.

Không ai trả lời tôi. Nhìn cảnh than rơi ùa vào máng cào dưới chân sau những cú dùng tay trần bổ búa của công nhân, ai cũng mồ hôi nhễ nhại nhễu thành vệt trên khuôn mặt đen nhẻm, tôi thấy chạnh lòng. Vậy nhưng nụ cười trên môi những chàng thợ trẻ lại ít khi thấy tắt. Họ nói cười như thể để cho quên, cho vợi bớt nhọc nhằn.

Chóng già, mau xuống sức

Tôi rất muốn thử sản xuất (khai thác) than cho biết nhưng mọi người khuyên không nên vì không có kỹ thuật rất dễ xảy ra tai nạn. Mỗi một kíp thợ khoảng 40 người khai thác mỗi ngày khoảng 200 tấn than, trung bình trên 5 tấn/người/ngày.

Thêm 1 thợ lò thiệt mạng do tai nạn lao động

Ngày 13-3, tại hộc chứa than mức +160 đến +200, khu Tràng Khê 2, Xí nghiệp Than Hồng Thái (Công ty Than Uông Bí) đã xảy ra tai nạn lao động làm anh Bùi Văn Cường (sinh năm 1983), quê Hải Dương, thợ lò bậc 4/6 của phân xưởng khai thác 5, thiệt mạng. Theo thông tin ban đầu, khi anh Cường đang thông than bị tắc tại máng rót thì bị than tụt xuống vùi lấp. Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc.

M.Tú

Nhìn cột thủy lực bằng thép cao quá đầu người (nặng 65 kg), tôi tò mò không biết nó được mang vào nơi chật hẹp như vậy bằng cách nào. Tuấn đứng sau lưng cười và giơ cánh tay chắc nịch ra khoe: “Bằng cái này nè!”.

Tôi quay lại nhìn với ánh mắt nghi ngờ. Tuấn tiến lên dùng một tay và vai nhấc bổng cột thủy lực, khoe: “Thế này đã ăn thua gì! Dưới khám chân lên khám đầu dốc 450 lại chật hẹp, bọn em còn vác ngược được mà”. Tôi cũng tiến lại cột thủy lực thử sức. Tập trung toàn bộ sức lực, tôi cũng chỉ làm lung lay cột thủy lực chút tẹo. Lúc này, tôi mới chợt nghĩ đến những cánh tay vạm vỡ, những đôi bàn tay xù xì, to bè và chai sạn của thợ lò.

Cả quãng thời gian 25 năm làm công nhân trực tiếp trong hầm lò, anh Duyến không thể nhớ nổi mình đã đem lại bao nhiêu tấn than, đóng cửa bao nhiêu vỉa và sống bao nhiêu ngày trong môi trường lao động chỉ toàn bóng tối, tiếng máy khoan, mìn nổ, sắt thép va đập, tiếng than đổ vào máng cào... 

Điều làm anh Duyến bận lòng là chỉ còn theo nghề được mấy năm nữa, trong khi tuổi đời chưa phải đã già. Nghe anh Duyến thổ lộ, tôi lại nhớ đến lời tâm sự của ông Huấn, phụ trách tuyên truyền của Công ty Than Vàng Danh, sau khi nghe tôi khen một công nhân khỏe mạnh, đẹp trai: “Chỉ 5 năm nữa, ông quay lại đây chắc không còn nhận ra nó. Làm thợ mỏ chóng già và mau xuống sức lắm. Nhà nước chỉ nên quy định tuổi làm việc trong lò của thợ mỏ đến 40, còn 45 là được nghỉ hưu. Bởi tuổi tác, sức khỏe cũng liên quan đến chuyện an toàn trong lò”.

Hiểm nguy chực chờ

Công nhân lò coi công việc luôn đối mặt với rủi ro là chuyện thường ngày. Thợ lò tên Tuấn nói, ở lò thì chỉ sơ ý sẩy chân nhẹ nhất cũng xước chân tay, sứt đầu, mẻ trán. Còn ở nơi công trường khai thác than lại có vô số nguyên nhân có thể dẫn đến tàn phế và thiệt mạng.

Với hàng trăm đại xa trọng tải từ 40 đến 96 tấn, xe cẩu, máy xúc, máy nổ, bom mìn, điện cao thế, sông suối, hầm lò, mỏ lộ thiên sâu hoắm như lòng hồ thủy điện..., tai nạn luôn chực chờ, nguy hiểm tính mạng.

Đấy là chưa kể đến bệnh nghề nghiệp do bụi than và công việc nặng nhọc. Chính vì thế ở các công trường khai thác than, công tác an toàn luôn được coi là nhiệm vụ số 1 và được quan tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, theo ông Kham, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Vàng Danh, không ít vụ tai nạn lao động lại xuất hiện từ sự chủ quan, lơ là của chính những người thợ - phần lớn xuất thân từ nông thôn, vẫn chưa quen với môi trường lao động công nghiệp và tuân thủ quy định chung.

Nhiều công nhân còn mang thuốc lá, bật lửa vào hầm lò hút hay chui vào gầu máy xúc hoặc gầm xe tải ngủ trưa và đã đánh đổi mạng sống của mình. “Làm thợ lò như đã đào huyệt chôn mình”, hay “Làm thợ lò như chơi dao”... là câu nói cửa miệng của công nhân lò than và người dân vùng mỏ.

Theo quy định về an toàn thì điện thoại, máy ghi âm, máy ảnh của tôi phải bỏ ngoài cửa hầm vì có thể là nguyên nhân phát lửa. Ở trong hầm lò, nếu có khí mê tan nhiều, chỉ cần lưỡi cuốc va đập vào vách đá phát ra tia lửa là coi như tất cả thành tro.

Do vậy, trước mỗi ca khai thác thường có đội ngũ đi đo khí, kiểm tra hệ thống thông gió..., nhưng việc tích tụ khí vẫn thường xuyên xảy ra. Đứng lom khom trong lòng mỏ than, anh Duyến trầm giọng: “Trong lò, điều sợ nhất của thợ lò là bục nước và bục khí, lúc đó thì có vắt chân lên cổ chạy cũng khó thoát lưỡi hái tử thần”.

Do kinh phí đầu tư và chi phí bảo trì lớn, lại không phù hợp với quy mô sản xuất ở hầm lò VN nên rất hiếm mỏ đầu tư được hoàn chỉnh công nghệ cảnh báo hiện đại. “Nói thực, làm nghề thợ lò như chúng tôi, chỉ một chút xui rủi là thiệt thân và hại cả đồng đội” – Tuấn thổ lộ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo