Trong khi phu vàng khắp nơi đổ xô về những bãi vàng sa khoáng ở Quảng Nam tìm kế mưu sinh và cơ hội đổi đời, bất chấp những tai họa khôn lường, nhiều người dân địa phương lại phải dạt đi nơi khác, nhường chỗ cho đội quân khai thác vàng hợp pháp lẫn trái phép. Sống trên đất vàng mà họ vẫn bần cùng. Nhiều người trong số đó đã trở thành phu vàng hoặc dân “tọ mọ” (mót) vàng với bao nỗi niềm ngay trên chính quê hương mình.
Không “tọ mọ”, lấy gì ăn?
Khi biết chúng tôi không phải là người trong lực lượng truy quét, chị Hồ Thị Bơn, ngụ tại thôn 1, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn – Quảng Nam, mới rụt rè tiếp chuyện.
Trước đây, Bơn và những người dân “tọ mọ” trong thôn, xã đi theo các công ty khai thác vàng để đãi “xái” (đãi mót sau khi quặng vàng đã được tuyển rửa xong), mỗi ngày cũng kiếm được 40.000 đồng - 50.000 đồng.
Bơn thật thà: “Nay thì dân khai thác vàng chuyên nghiệp dùng hóa chất tuyển vàng quá kỹ, “xái” cũng hiếm nên mình phải đi đào trộm đất để đãi vàng. Ở làng mình, nhà nào cũng có người đi mót vàng, cả trẻ con cũng làm. Nếu không “tọ mọ” vàng thì không có cái gì để ăn”.
Tại các bãi vàng sa khoáng ở huyện Phước Sơn, ngoài 1.000 công nhân khai thác vàng cho 8 doanh nghiệp được cấp phép, mỗi ngày còn có hàng trăm phu vàng trái phép và rất đông người dân địa phương “tọ mọ” trên các khe suối.
Ngoài Phước Sơn, thời gian qua, hàng loạt bãi vàng được cấp phép khai thác ở các huyện thuộc Quảng Nam như: Đông Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, Bắc Trà My... đã làm cho người “tọ mọ” ở các địa phương miền núi tỉnh này ngày càng tăng lên. Chỉ trừ mưa lũ, mỗi ngày trên con sông Vàng chảy qua các thôn Điềm và thôn Đa Nghi, xã Tư, huyện Đông Giang có cả trăm người dân vác bồn ra đãi “xái”.
Công việc “tọ mọ” vàng cũng phải dầm mình trong nước, phơi lưng dưới nắng mưa, song không phải ngày nào cũng đãi được, dù chỉ chút vàng cám để bán kiếm tiền đong gạo.
Ông Nguyễn Văn Đông, trưởng thôn Đa Nghi, xã Tư, trăn trở: “Lo nhất là những hầm hố bị tàu cuốc của đơn vị khai thác vàng cày xới nhưng chưa hoàn thổ, rất nguy hiểm đối với những người tham gia mót vàng trên sông, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ con”.
Vợ chồng anh Dũng - chị Tình chết trong vụ sạt lỡ núi ở bãi vàng Sũng Mùn, để lại mẹ già và 3 con nhỏ dại.
Nhiều tệ nạn chết người
“Cơn lốc vàng” tràn qua các địa phương miền núi Quảng
Tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, hiện đã có trên 10 người dính vào “cái chết trắng” này đã thiệt mạng hoặc sắp lìa đời. Ông Hồ Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Phước Đức, kể chuyện về cô gái Hồ Thị Hạnh, người dân tộc Bhnoong, chết vì nghiện ma túy nghe thật xót xa: Chưa tròn 17 tuổi, Hạnh đã “bắt chồng” là một phu vàng ở Nam Định vào khai thác vàng trái phép ở Phước Đức.
Chồng nghiện ma túy nên Hạnh cũng dính vào “cái chết trắng” lúc nào không hay. Sau khi sinh 3 đứa con, Hạnh thân tàn ma dại rồi qua đời. Hạnh chết chưa tròn năm thì chồng cô cũng vào tù vì vận chuyển ma túy trái phép, 3 con nhỏ bơ vơ lạc lõng đành về quê nội nương tựa.
Ông Hồ Văn Phen, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, cho biết trên địa bàn xã này cũng đã có nhiều người chết vì ma túy. “Hiện có 7 người dân tộc thiểu số cũng đang nằm chờ chết vì ma túy. Hầu hết những người này đều là phu vàng từng lăn lộn trong các bãi vàng sa khoáng ở Quảng
Ngoài các điểm nóng về tệ nạn mại dâm, ma túy, tàng trữ và buôn bán chất cháy nổ trái phép, vòng xoáy của vàng cũng làm cho những cô gái trẻ địa phương trở thành những “bến không chồng”, nuôi con trong khốn khó, bị luật tục khắt khe của làng hắt hủi do mang thai hoang.
Chỉ tính riêng thôn 1A, xã Phước Thành đã có riêng một “xóm không chồng” với 13 cô gái bị phu vàng bỏ rơi sau khi đã có con với họ. Hồ Thị Phước (SN 1986, ngụ tại thôn 4, xã Phước Đức) có thai khi mới 20 tuổi, bị dân làng đuổi nên phải che tạm một cái lán bên đường vào đầu làng để ở. Khi chúng tôi đến Phước Đức, Phước đã bế đứa con 3 tuổi vào bãi để “tọ mọ” vàng.
Cuộc sống nghèo khó, bần cùng, những người dân trên đất vàng ở Quảng Nam phải làm nghề phu vàng hay “tọ mọ”, bất chấp hiểm nguy, tệ nạn rình rập. Họ đã trả giá trong vụ sạt lở núi ở Sũng Mùn, Nước Vin và hàng chục vụ sập hầm, bị nước cuốn trôi hay dính vào HIV/AIDS...
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Dũng - chị Huỳnh Thị Tình và đứa con trai đầu là Nguyễn Thanh Trung bị chết trong vụ sạt lở núi ở Sũng Mùn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh để lại 3 đứa con nhỏ là em Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Thu Thảo và Nguyễn Thành Đạt cùng người mẹ già năm nay đã 65 tuổi...
Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, chua xót: “Ở trên vùng đất vàng Bồng Miêu mà đời sống của người dân còn quá khó khăn, phải đi mót vàng để nuôi gia đình. Tai họa ập xuống, cha mẹ già không ai chăm sóc, con trẻ mồ côi phải bơ vơ...”.
Nghịch lý nhức nhối Nhiều diện tích đất nương rẫy của người dân địa phương đã bị mất do khai thác vàng. Trong khi đó, diện tích hoàn thổ sau khi khai thác vàng lại ít. Đất này trồng cây gì cũng khó sống.
|
Kỳ tới: Tai họa chực chờ
Bình luận (0)