Tuyển chọn gắt gao, rèn luyện nghiêm khắc... là những yếu tố để lính phi công có đủ bản lĩnh, sức khỏe làm chủ bầu trời, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.
Bay lên làm chủ bầu trời
Trăm người lấy một
Chúng tôi đến Trung đoàn Không quân 920 (đóng quân tại Nha Trang) vào một ngày cuối tháng 12. Thời điểm này, tuy bận rộn với việc chuẩn bị di chuyển cả trung đoàn đến vị trí mới nhưng lớp học viên mới vẫn hăng say luyện tập. Ít ai biết, để có khóa học viên mới này, Trường Sĩ quan Không quân phải tuyển chọn từ hàng nghìn thanh niên đăng ký thi ngành phi công.
Trước giờ bay
Hào hứng vì mới được chuyển từ Trường Sĩ quan Không quân qua Trung đoàn Không quân 920 để học và thực hành bay, học viên Lê Quốc Đạt (Hà Nội) kể: “Trở thành học viên của trường là điều không hề dễ dàng. Riêng khâu khám tuyển để đạt tiêu chuẩn đi thi đã thấy chóng mặt. Do tôi ở Hà Nội nên khám sơ tuyển trực tiếp tại Viện Y học Hàng không. Sau khi khám thể hình, đo chiều cao, cân nặng thì đến siêu âm tai, mũi, họng, mắt. Tất cả đều phải đạt chuẩn, có vết sẹo là loại ngay. Khám cùng đợt với tôi có 15 người nhưng chỉ có 3 người đạt, sau khi thi thì còn một mình tôi”. Trong khi đó, Nguyễn Công Nhật (huyện Thanh Miện, Hải Dương) do không gần Hà Nội nên phải khám sơ tuyển vòng 1 tại Ban Chỉ huy Quân sự địa phương. “Có gần 100 thanh niên đến đăng ký cùng đợt với tôi, nhưng khám xong chỉ có 2 người đạt. Lên Viện Y học Hàng không khám lần 2 thì còn mỗi mình tôi”, Nhật kể lại.
Hướng dẫn học viên làm quen với thiết bị máy bay
Được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo bài bản trong môi trường nghiêm túc, khắc nghiệt đã tôi luyện những chàng trai mười tám, đôi mươi trở thành những thanh niên rắn rỏi, vạm vỡ. Theo Trung tá Phạm Văn Tiệp, Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 920, ở lĩnh vực nào có thể “phiên phiến” về sức khỏe, nhưng với những phi công hàng ngày phải làm việc ở môi trường khắc nghiệt thì sức khỏe là điều rất quan trọng.
Kể về công tác tuyển chọn, Trung tá Tiệp cho biết, những thanh niên có vết sẹo dài quá 3cm hoặc đã từng bị gãy tay, gãy chân do tai nạn đều bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Khi bay ở độ cao nhất định, những vết sẹo đó có thể gây chấn thương trở lại. Việc kiểm tra tiền đình cũng rất quan trọng. Sau khi cho vào lồng tròn quay tốc độ cao trong vòng 3 phút, nếu vượt qua được thì sẽ cho tiếp vào buồng cao áp tương đương đang ở độ cao 5.000m. Khi đó không khí loãng và cán bộ bắt đầu kiểm tra một số phép tính để thử trí nhớ. “Một số người bị chảy máu tai, một số thì quay cuồng không làm chủ được trí nhớ... Tất cả đều bị loại trước khi tuyển vào trường đào tạo lý thuyết”, Trung tá Tiệp nói.
Bản lĩnh xử lý trên không
Mặt trời vừa ló qua đỉnh Hòn Tre cũng là lúc những “cánh hải âu” của Trung đoàn Không quân 920 bắt đầu bay lượn trên bầu trời.
Rèn luyện thể lực
Đúng 6 giờ 15 phút, học viên Phạm Đức Trung tiếp thu máy bay, mở máy và xin lên đường băng thực hiện bài bay vòng kín quan sát địa tiêu. Khi máy bay vừa mở máy và lăn trên đường băng, tất cả mọi người có mặt ở sân bay cùng hướng mắt nhìn theo từng động tác của học viên bay đơn. Trên đài chỉ huy K4, Trung tá Phạm Văn Tiệp căng mắt theo dõi chiếc máy bay lúc này đã qua cuối đường băng, giọng anh đanh gọn và dứt khoát: “34 chú ý! Kiểm tra các tham số động cơ, độ cao, vòng phải quan sát địa tiêu”. Trong chốc lát, máy bay đã đến vòng 3, phi công báo cáo: “34 vòng 3 càng thả tốt”. Giọng chỉ huy bay vẫn vang lên đều đều: “34 chú ý, tốc độ gió 3 mét/giây, độ cao, thời cơ vòng 4 vào hạ cánh, thu ga về 80%, kiểm tra hướng, đỡ nhẹ cần lái”. Máy bay gần chạm đất, cả sân bay như nín thở theo dõi học viên thực hiện động tác hạ cánh. Khi cả 3 càng đã tiếp đất nhẹ nhàng, máy bay lăn chậm trên đường băng, mọi người mới reo lên vui mừng và vỗ tay tán thưởng.
Học viên bay đơn
Ngơi chiếc điện đàm, Trung tá Phạm Văn Tiệp chia sẻ, sau khi vượt qua các vòng khám về sức khỏe, thể hình, thí sinh sẽ thi như một kỳ thi đại học. Những học sinh đủ điểm đậu sẽ được đào tạo lý thuyết 2 năm tại Trường Sĩ quan Không quân trước khi chuyển qua Trung đoàn Không quân 920. Tại trung đoàn, các học viên lại được kiểm tra sức khỏe lần nữa với quy trình nghiêm ngặt. Một tháng là thời gian chuẩn bị mặt đất của các học viên trước khi chính thức điều khiển máy bay làm chủ bầu trời. Trong thời gian này, các học viên được đào tạo thêm về cấu tạo máy bay, xử lý bất trắc khi bay, thông tin ra đa, khí tượng, quản lý điều lệnh bay... Bên cạnh đó còn có 72 giờ bay trong buồng tập và bay trong cabin, mô phỏng y như máy bay thật. Lần đầu bay, mỗi học viên sẽ có một thầy bay kèm, gọi là “bay kèm”. Sau đó, học viên sẽ được tự lái, gọi là “bay đơn”. Khoảnh khắc tự mình làm chủ máy bay, làm chủ bầu trời có lẽ là ý nghĩa nhất đối với mỗi học viên phi công.
Chuyển Trung đoàn Không quân 920 đến Cam Ranh
Trung tá Trịnh Quang Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 920 cho biết, sắp tới trung đoàn chuyển tới vị trí đóng quân mới tại Cam Ranh sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng cán bộ, giảng viên, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, công nhân viên trong toàn trung đoàn đã xác định tốt tư tưởng, phát huy truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng thành, quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ đào tạo phi công cho Tổ quốc.
Với 18 năm kinh nghiệm bay, Trung tá Phạm Văn Tiệp cho rằng, tố chất quan trọng nhất của một phi công là phải xử lý tốt những bất trắc gặp phải khi đang bay. Nếu xử lý tốt, phi công sẽ tăng thêm bản lĩnh, thêm tự tin làm chủ bầu trời. Bài học “giáo viên làm sai để học viên sửa” rất quan trọng đối với việc đào tạo phi công. Mới năm ngoái, Thiếu tá Nguyễn Hàm Kiên và Trung úy Nguyễn Văn Thảo dẫn học viên cất cánh được 2 phút thì máy bay đột ngột hỏng 1/9 động cơ. Được chỉ huy bay giúp đỡ, máy bay đã hạ cánh an toàn. Với thành tích này, Thiếu tá Kiên đã được Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân tặng bằng khen, Trung úy Thảo được Trường Sĩ quan Không quân tặng giấy khen.
Cũng như những phi công khác, Trung tá Trịnh Quang Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Không quân 920 cũng không ít lần gặp bất trắc khi bay và xử lý thành công, nhiều lần được khen thưởng.
Nối gót cha anh
Đời lính bay nhiều gian nan vất vả, đối mặt với hiểm nguy và có thể hy sinh cả tính mạng. Thế nhưng ở Trường Sĩ quan Không quân đã có nhiều gia đình 2 thế hệ đều là lính phi công.
Gắn bó cả cuộc đời với lính bay, Đại tá Dương Hồng Trường là một trong những thế hệ phi công kỳ cựu của Trường Sĩ quan Không quân. Giờ đây khi đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910, ông vẫn luôn tự hào về cậu con trai Dương Hồng Quỳnh, người nối nghiệp bay của bố. Đại tá Trường nói: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được chứng kiến con mình trưởng thành từng ngày trên những chuyến bay”.
Sau 4 năm theo học, năm 2014, Trung úy Dương Hoàng Quỳnh tốt nghiệp và được phân công công tác tại Trung đoàn 910. “Hồi nhỏ, tôi thường được bố đưa vào đơn vị chơi và nhìn thấy bố cùng các chú, các bác bay trên bầu trời. Từ đó tôi đã mơ ước trở thành lính phi công. Cũng thật tình cờ, khi tôi thực hành bài bay đầu tiên, người tiếp thu máy bay, hướng dẫn chính là bố. Với tôi, bố còn là người thầy, người đồng chí luôn dìu đắt, chỉ bảo tôi những bước đi đầu tiên trong nghiệp lính bay”, Trung úy Quỳnh chia sẻ.
Với Đại úy Dương Lê Minh - giảng viên bay của Trung tâm Huấn luyện bay (Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam), có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ quên ngày 29-4-2005. Đó là ngày bố anh, Thượng tá Dương Văn Thanh, nguyên Phó Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 910, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mãi mãi ra đi khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện bay. Đại úy Minh nhớ lại: “Ngày ấy, tôi cũng đang là học viên phi công tại Trường Sĩ quan Không quân. Nghe tin bố hy sinh khi làm nhiệm vụ, cả nhà đều suy sụp. Lúc ấy, mẹ tôi không muốn tôi theo nghiệp bay của bố. Thế nhưng, hình ảnh bố tôi, một người lính bay đã sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình để bảo vệ bình yên của Tổ quốc đã trở thành động lực, là niềm kiêu hãnh để tôi vươn lên, nỗ lực trở thành phi công”.
Chia tay các anh, thời tiết về trưa mỗi lúc một nắng gắt hơn, nhưng trên đường băng, những “cánh hải âu” vẫn đều đặn lên xuống nhịp nhàng thực hiện các bài bay nhào lộn, thắt vòng đứng... Họ, những phi công, học viên vẫn đang miệt mài luyện tập để bảo vệ vùng trời bình yên của Tổ quốc!
Bình luận (0)