Trong báo cáo đầu tiên kể từ khi xảy ra thảm kịch hôm 28-12-2014, các nhà điều tra Indonesia không chỉ ra nguyên nhân chính giải thích sự biến mất của QZ8501 khỏi màn hình radar khi đang trên đường từ TP Surabaya - Indonesia đến Singapore.
Thay vào đó, báo cáo đề cập hàng loạt yếu tố góp phần dẫn đến vụ việc, gồm hệ thống trục trặc, bảo trì kém và cách ứng phó của phi hành đoàn.
Đài BBC dẫn nội dung báo cáo cho biết phần hàn của một bộ phận điện tử nhỏ trong hệ thống điều khiển bánh lái đã bị nứt, dẫn đến việc 4 tín hiệu cảnh báo được gửi tới các phi công trong chuyến bay. Phi hành đoàn đã tìm cách sửa chữa lỗi này bằng cách khởi động lại hệ thống máy tính nhưng hành động này đã làm vô hiệu hóa chế độ bay tự động và khiến các phi công bị mất kiểm soát máy bay.
Chiếc QZ8501 sau đó đi vào “tình trạng ngừng hoạt động kéo dài và vượt ngoài khả năng khôi phục của phi hành đoàn” - báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia cho biết.
Điều đáng nói là đội bảo trì biết về trục trặc nói trên bởi nó đã xảy ra 23 lần trong năm 2014 và khởi động lại hệ thống là một trong những cách thức đã được sử dụng trước đây để sửa chữa.
Báo cáo trên không nhằm quy trách nhiệm cho ai mà chỉ muốn giúp ngành công nghiệp hàng không tránh được những tai nạn tương tự trong tương lai. Ông Tony Fernandes, Giám đốc điều hành hãng AirAsia (Malaysia), lập tức thừa nhận có nhiều bài học dành cho AirAsia, nhà sản xuất máy bay và ngành công nghiệp hàng không sau vụ tai nạn. Trong khi đó, phát ngôn viên hãng Airbus cho biết đang xem xét kỹ nội dung báo cáo.
Bình luận (0)