Chúng tôi đến chợ sỉ thuốc tây trên đường Đặng Tất, quận 1- TPHCM. Nhìn đâu cũng thấy thuốc, hàng hàng lớp lớp như trong một siêu thị. Thuốc được đựng trong các thùng giấy lớn, chất cao tới trần nhà. Trong vai người mua hàng, chỉ hơn một giờ lùng sục, chúng tôi hết sức kinh ngạc khi biết rằng ai mua thuốc cũng được, số lượng bao nhiêu cũng có, không cần phải trình ra bất kỳ giấy tờ gì.
Coi chừng thuốc cảm!
Mặt hàng thuốc cảm bị nhái nhiều nhất. Thuốc viên Panadol trị cảm, nhức đầu được Công ty SmithKline Beechamp.l.c (Anh) nhượng quyền sản xuất cho Công ty Liên doanh Dược phẩm Sanofi Synthelabo VN (Thủ Đức- TPHCM), đã bị làm nhái dưới tên Pancidol do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trà Vinh (39 Phạm Thái Bường, thị xã Trà Vinh) sản xuất. Cầm hộp thuốc 100 viên nén, vỉ 10 viên, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn từ màu sắc đến kiểu dáng. Một mặt hàng khác cũng bị làm nhái nhiều là viên Decolgen trị cảm, sổ mũi, màu vàng mỡ gà, được trình bày trong vỉ 20 viên của United Pharma VN, bị làm nhái thành Dehanogen, có cùng công thức bào chế, cũng trình bày vỉ 20 viên do Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Nội sản xuất.
Cũng của United Pharma VN, viên Alaxan nén 2 màu trắng- nâu đặc trưng trị cảm, đau nhức, ép trong vỉ 20 viên, có hàng nhái tên Protamol do Công ty Cổ phần Hóa Dược phẩm Mekophar sản xuất.
Rẻ hơn thuốc thật hàng chục lần
Thuốc bổ cũng bị làm nhái rất nhiều. Mặt hàng thuốc bổ Homtamin, hộp hai màu vàng- nâu chứa 60 viên nang mềm gồm 12 vỉ , mỗi vỉ 5 viên, ngoài bao bì ghi Công ty TNHH Korea United Pharm. Int’l. Inc (Thuận An, Bình Dương). Trên thị trường cũng có viên nang mềm Liptamin giống Homtamin như hai giọt nước. Cách trình bày hộp đựng thuốc cũng giống hệt, ghi nơi sản xuất là Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà (Nam Định), được nhượng quyền của Công ty Korea Arlico Pharm Co. Ltd. Không biết ai nhái ai?
Các thuốc đặc trị cũng bị làm nhái. Về mặt hàng thuốc ho có viên Terpin Gonon bọc đường của Pháp bị nhiều nơi nhái. Điều đáng nói, trong đó có Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 25 (Uphace) dưới tên gọi Terpin. Các nhóm mặt hàng tiêu hóa, kháng sinh, dầu xức các loại... cũng cùng chung số phận.
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy giá cả hàng nhái rẻ hơn hàng chính hãng đến hàng chục lần.
Lập lờ đánh lận con đen
Nghiên cứu các kiểu làm nhái, chúng tôi thấy vi phạm nhiều nhất là thuốc nội giả thuốc ngoại bằng cách nhái mẫu mã và tên thuốc. Thế nhưng, điều ngạc nhiên là đa số các trường hợp vi phạm đều có số đăng ký do Bộ Y tế cấp được in trên bao bì hẳn hoi và có tên trong danh mục thuốc lưu hành toàn quốc !?
Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi một số giảng viên có uy tín tại Khoa Dược- Trường ĐH Y Dược TPHCM thì được giải thích: Do sự không nghiêm túc của các đơn vị sản xuất. Họ đã đưa ra thị trường các thuốc có mẫu mã bao bì khác với khi đăng ký ở Bộ Y tế, nên thuốc nhái vẫn lưu hành trên thị trường với số đăng ký hoàn toàn hợp pháp. Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế có biết sự lập lờ này không? Cũng theo các giảng viên này, với hàng ngàn chủng loại thuốc khác nhau, Cục Quản lý Dược không thể quản lý xuể. Và nếu có phát hiện, họ cũng không đủ người... xử lý!
Bình luận (0)