xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lá thư và nấm mồ tập thể

Bài và ảnh: LINH AN

Cuộc khai quật nấm mồ 53 liệt sĩ hy sinh năm 1965 tại xã Ba Lòng, huyện Đắk Rông - Quảng Trị đang thực hiện có sự giúp sức rất lớn từ những người một thời ở phía bên kia chiến tuyến. Đặc biệt, bức thư của viên hạ sĩ chế độ cũ đã mở đường cho cuộc tìm kiếm

Tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Công Tam ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong - Quảng Trị vào giữa trưa hè nắng gắt. Ông Tam đang sinh sống cùng vợ và người con trai đầu hiện làm phó chủ tịch UBND xã Triệu Đại. Ông chính là người đã viết bức thư đầy trách nhiệm giúp tìm được nấm mồ tập thể chôn 53 liệt sĩ hy sinh năm 1965 tại xã Ba Lòng, huyện Đắk Rông - Quảng Trị. Ở tuổi 71, song trông ông còn rất khỏe mạnh.

img

Ông Nguyễn Công Tam chỉ vị trí nấm mồ 53 liệt sĩ trên bản đồ


Ám ảnh, day dứt, bồn chồn


Trận công đồn Ba Lòng của các chiến sĩ Trung đoàn 6 - Quân khu Trị Thiên diễn ra đêm 19 và kết thúc lúc vào rạng sáng 20-10-1965. Kết cuộc, phía ta có 53 chiến sĩ hy sinh. Sau ngày đất nước thống nhất, biết bao cuộc tìm kiếm hài cốt những liệt sĩ này đã tiến hành nhưng vẫn chưa có kết quả. Khi tôi nhắc lại chuyện này, ông Tam trầm ngâm hồi lâu rồi cất giọng buồn buồn kể lại.


Năm 1962, ông Tam bị chính quyền chế độ cũ bắt đi quân dịch, phiên vào một tiểu đoàn pháo binh. Khi xảy ra cuộc chiến ở Ba Lòng, đơn vị của ông Tam được điều đến yểm trợ. Trận đối đầu hôm đó có ông Tam tham gia, vì thế ông đã tận mắt chứng kiến những mất mát lớn từ cả hai phía.


“Những người lính chế độ cũ như tôi có thể biết được nhiều nơi yên nghỉ của các chiến sĩ giải phóng quân. Tôi mong rằng cũng như tôi, họ hãy làm điều gì đó ý nghĩa để khi nhắm mắt xuôi tay khỏi ân hận”.

Nguyễn Công Tam

Ông Tam nhớ lại: “Hôm đó, các chiến sĩ đặc công quân giải phóng đã vào được đồn Ba Lòng, dùng thuốc nổ đánh tan một ổ pháo. Sau đó, có thể vì không tương quan lực lượng nên rất nhiều chiến sĩ giải phóng đã hy sinh. Khoảng 7 giờ sáng hôm sau, lực lượng "lao công đào binh" đã vào đưa thi hài các chiến sĩ ra tập trung trước đồn để chôn lấp. Phần lớn các anh chỉ mặc quần cộc, ở trần, đi chân đất, dép cao su buộc ngang hông. Chứng kiến việc chôn lấp này khoảng 2 giờ thì tôi rút đi cùng đơn vị”.


Cho đến ngày đất nước hòa bình, ông vẫn giữ trong mình bí mật về nấm mồ tập thể chôn 53 liệt sĩ. Ông bộc bạch: “Tôi luôn nghĩ sự hy sinh cho chính nghĩa của các anh không ai có thể quên, kể cả những người lính bên kia chiến tuyến như tôi. Nhiều lúc tôi muốn báo cáo mọi chuyện với chính quyền nhưng vì mặc cảm nên đành im lặng. Mỗi lần mở tivi hay nghe đài thấy mục Nhắn tìm đồng đội, tôi cứ bị ám ảnh, day dứt, bồn chồn”.


Suốt mấy chục năm sau khi sự việc xảy ra, ông Tam nhiều đêm không ngon giấc. Hình ảnh những thi hài chiến sĩ quân giải phóng mình trần bị đẩy xuống chôn chung một hố bom đầy nước cứ hiện về trong tâm trí ông. Nhiều lúc cảm thấy bất an như người có lỗi, ông kể chuyện cho vợ. Bà động viên ông phải làm một điều gì đó ý nghĩa. Thế là ông Tam quyết định viết thư...


Bắt đầu cuộc tìm kiếm


Cầm lá thư, trong đó kể lại toàn bộ những gì ông Tam chứng kiến cho các cơ quan chức năng, tôi như thấy được nỗi trăn trở, ưu tư của ông hiện lên trên từng con chữ:


“... Cuối năm 1965, căn cứ Ba Lòng đã bị bộ đội cách mạng về đánh. Trong trận đánh ấy có một số chiến sĩ đã hy sinh. Sáng hôm sau, bên bộ binh cho trung đội "lao công đào binh" đưa các anh ra đặt xuống hố bom, rồi cho xe ủi lấp lên... Từ đó đến nay, tôi rất hoang mang, day dứt. Tôi sẵn sàng góp sức đi tìm các anh về để tâm được thanh thản...”.


Sau khi gửi bức thư kèm theo sơ đồ, ông Tam đã hơn mười lần cùng đơn vị tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trở lại Ba Lòng xác định vị trí mồ chôn tập thể. Chiến trường xưa nay trở thành nơi sinh sống, làm ăn của nhiều người dân nhưng vị trí đồn Ba Lòng vẫn còn nguyên đó. Từ cổng đồn ra chỗ chôn 53 chiến sĩ khoảng vài trăm mét. 


Từ manh mối nơi ông Nguyễn Công Tam, đại tá Nguyễn Đức Hòa,  Chính ủy Sư đoàn 963, đã tìm được một số người trong đơn vị "lao công đào binh" ngày xưa đã chôn lấp các liệt sĩ. Trong đó có ông Hoàng Thảo, người ở xã Đức Bình, huyện Tánh Linh - Bình Thuận, chỉ huy đơn vị "lao công đào binh" thuở nào. Ông Thảo vui vẻ nhận lời ra Ba Lòng giúp lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Khi ra đến nơi, ông Thảo cũng kể lại câu chuyện có nội dung giống như diễn biến trong bức thư của ông Nguyễn Công Tam viết. Vị trí nấm mồ chung mà ông Hoàng Thảo chỉ trên sơ đồ cũng nằm ngay vị trí mà ông Tam đã cung cấp.


Tiếp đó, Hội Cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh tại VN (VVA) lại cung cấp bản đồ vị trí 53 liệt sĩ hy sinh năm 1965 chôn chung một nấm mồ tại Ba Lòng. Đại tá Nguyễn Đức Hòa kể: “Đối chiếu các nguồn tin từ các ông Tam, Thảo và VVA cung cấp về hố chôn 53 liệt sĩ, chúng tôi thấy hoàn toàn khớp nhau ”.


Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng và Sư đoàn 968 nhất trí phương án dùng máy ủi múc hai lớp đất tại vị trí này với độ sâu 3 m mỗi lớp. Ngày 16-7 vừa qua, việc tìm kiếm đã bắt đầu được tiến hành. Sau khi bốc lớp đất đầu tiên, đến lớp tiếp theo, lực lượng tìm kiếm tiến hành tìm xương cốt đồng đội tỉ mẩn trong từng nắm đất. Hiện việc tìm kiếm hài cốt 53 chiến sĩ Trung đoàn 6 - Quân khu Trị Thiên vẫn đang tiến hành khẩn trương và dự kiến diễn ra trong vài tháng.

Kỳ tới: Rừng sâu, núi thẳm tìm anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo