Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cá nuôi thường chết hàng loạt ở nhiều vùng Ảnh: Quang Tám
Hiện tượng cực đoan
Riêng năm 2013, đã có 14 cơn bão và 5 ATNĐ, đạt lịch sử về số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông. Số cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta cũng nhiều hơn. Riêng khu vực Trung Trung Bộ, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão và 1 ATNĐ. Trong vòng 35 năm (từ 1964 đến 1999) trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) chỉ có 2 trận lũ đặc biệt lớn nhưng từ năm 1999 đến nay, tần suất xuất hiện lũ đặc biệt lớn đã tăng rõ rệt, các năm lũ đặc biệt lớn xuất hiện nhiều là 2007, 2009.
Các con sông thuộc tỉnh Quảng Ngãi cũng liên tiếp xuất hiện đỉnh lũ vượt mức lũ lịch sử trong hơn 30 năm qua. Lũ năm 1999 đã đạt đỉnh lịch sử trong vòng 35 năm nhưng đến năm 2009, lũ sông Trà Bồng đã phá vỡ kỷ lục của năm 1999. Tiếp đó, đỉnh lũ năm 2013 trên sông Trà Khúc, sông Vệ lại lập kỷ lục mới về mức độ lớn.
Ông Trần Quang Chủ, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, nói biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết diễn biến bất thường, những hiện tượng cực đoan của khí hậu và thời tiết xảy ra nhiều hơn. Bão lũ vì thế cũng thay đổi theo chiều hướng bất lợi: bão nhiều, lũ nhiều và mạnh hơn trước. Đó là chưa nói đến mặt đệm lưu vực suy giảm, hành lang thoát lũ bị thu hẹp, cản trở bởi các công trình kinh tế dân sinh.
PGS-TS Lê Văn Thăng - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và công nghệ sinh học của ĐH Huế, người chủ trì đề tài nghiên cứu “Mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu cấp cộng đồng tại vùng thấp trũng ở Thừa Thiên - Huế” của viện này - cho biết nhiệt độ trong những tháng mùa hè của tỉnh Thừa Thiên - Huế có xu hướng giảm rõ rệt với tốc độ mỗi thập kỷ giảm 0,1 độ C, ngược với tình hình chung cả nước. Nhiệt độ trung bình của thập kỷ 90 thế kỷ XX cao hơn các thập kỷ trước đó từ 0,1-0,4 độ C. Mùa đông rét đậm xuất hiện tương đối nhiều trong những năm qua.
Do biến đổi khí hậu cộng với tác động từ con người, sự tương tác và vận động giữa các quá trình của biển và lục địa diễn ra phức tạp hơn, ảnh hưởng lớn đến địa hình, địa mạo và hình dạng của các đầm phá ven biển miền Trung.
Ông Thăng cũng cho biết lượng mưa trung bình/năm có sự biến động mạnh mẽ. Những dị thường đã gây ra lũ lụt xen kẽ nhau và ngày càng nhiều hơn. Tổng lượng mưa/năm vượt trên trung bình nhiều năm trước từ 114%-119%. Từ tháng 10 của năm nay đến tháng 3 năm sau và tháng 7 đến tháng 8 trong năm đều có lượng mưa tăng.
Trước đây, lũ thường xảy ra ở Thừa Thiên - Huế từ tháng 9 đến 11 nhưng hiện xảy ra sớm hơn (vào tháng 8 và kết thúc vào tháng 12). Lũ xảy ra với cường suất ngày càng cao, đỉnh lũ cao hơn và dòng chảy mạnh hơn.
Hệ đầm phá Tam Giang - cầu Hai (thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng có sự biến đổi rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái tự nhiên. Ban đầu, phá Tam Giang - cầu Hai chỉ duy nhất có cửa Tư Hiền (huyện Phú Lộc) đổ ra biển nhưng lũ lụt đã mở thêm cửa Hòa Duân. Tiếp đó, cửa biển này dịch chuyển về phía Bắc để có vị trí là cửa Thuận An (huyện Phú Vang) hiện nay.
Rất nhiều trận lũ, mưa và bão lớn bất thường do hậu quả biến đổi khí hậu đã thúc đẩy quá trình hình thành và bồi lấp các cửa của hệ đầm phá Tam Giang - cầu Hai; có những lúc hình thành nhiều cửa biển (như sau trận lũ lịch sử năm 1999). Đây được gọi là trạng thái tai biến của đầm phá.
Sa bồi, nông hóa
Sự bồi lấp cửa, chuyển cửa đầm phá đột ngột do các hiện tượng thời tiết bất thường như vậy thường gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường, sinh thái. Hậu quả của việc cửa biển Tư Hiền bị bồi lấp đột ngột đã làm tăng mức độ ngập lụt, gây thiệt hại cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp của 38 xã và thị trấn, ách tắc giao thông thủy, gây ngọt hóa nước, tăng khả năng sa bồi, nông hóa mực nước và tăng nhanh khả năng suy tàn của đầm phá...
Đầm cầu Hai (thuộc hệ đầm phá Tam Giang - cầu Hai) chịu lượng mưa lớn nên thường xuyên xảy ra lũ lớn làm ngọt hóa hệ đầm phá, ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn lợi sinh vật. Mùa khô, với tần suất xuất hiện các đợt nắng nóng bất thường và nhiều hơn như thời gian qua đã gây lượng bốc hơi nước cao khiến mực nước trong đầm thấp hơn mực nước biển khi triều cao tại phá Tam Giang, làm nước biển tràn vào dẫn đến tăng độ mặn và tạo ra sự phân tầng độ muối.
Lũ lụt xuất hiện thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn cũng làm nông hóa các vực nước của hệ đầm phá Tam Giang - cầu Hai. Ước tính hàng năm có khoảng 1,1 triệu tấn bồi tích từ các vùng xung quanh đưa vào đầm phá (khoảng 30% được tống ra biển, 70% còn lại tương ứng với 774.000 tấn tích tụ trong phá), làm cho tốc độ lắng đọng đạt 2,4 mm/năm, góp phần đẩy nhanh tốc độ suy tàn của đầm phá trong tương lai.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-11
Nhiễm mặn nghiêm trọng TP Đà Nẵng chủ yếu chỉ được cung cấp nước từ một con sông duy nhất nằm ở phía Nam TP là sông Cầu Đỏ. Tuy nhiên, khác với trước đây, hiện điểm lấy nước trên sông này thường xuyên nhiễm mặn vào mùa khô, có năm lên đến hơn 1.000 mg/l. Xí nghiệp sản xuất nước Cầu Đỏ cho biết hiện tượng nhiễm mặn kéo dài từ giữa năm 2012 đến nay là một hiện tượng rất bất thường. Có khi độ mặn gấp hơn 10 lần mức cho phép. Hiện tượng này ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân TP, đặc biệt là hàng ngàn ha ruộng trồng lúa phải bỏ hoang trong mùa khô vì thiếu nước. B.Vân |
Bình luận (0)