xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lũ lớn: Trách nhiệm của ai?

THU SƯƠNG

Nguyên nhân khiến 47 người thiệt mạng sau đợt mưa lũ giữa tháng 11 vừa qua được các cơ quan chức năng lý giải bằng việc xả lũ đúng quy trình và biến đổi khí hậu

Gần 2 tuần trôi qua, hậu quả và dư chấn của trận lũ kinh hoàng vẫn ám ảnh người dân miền Trung và dư luận cả nước bởi những thiệt hại kinh hoàng về mạng người và của cải. Thế nhưng, vẫn chưa có đơn vị hay cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm, bồi thường và thậm chí là một lời xin lỗi.

Tại trời!

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì một cuộc họp về quy trình xả lũ thủy điện. Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Năng lượng khẳng định các thủy điện lớn ở miền Trung đã vận hành đúng quy trình, không gây thêm lũ cho hạ du mà còn góp phần cắt giảm đỉnh lũ dù các hồ này không có chức năng chống lũ. Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cũng khẳng định các nhà máy thủy điện xả lũ đúng theo quy trình. Lũ lụt miền Trung do hậu quả của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão số 15 khiến tổng lượng mưa lớn từ 300- 500 mm làm cho việc chống lũ ở khu vực này bị động.
 
img
Nhà ông Nguyễn Văn Minh ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam sạt lở nặng sau đợt lũ lớn Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Những nhận xét này khiến ông Nguyễn Hoài Pháp, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - khu vực được xem là “rốn lũ” - rất bức xúc. “Khi chúng tôi nghe thông báo thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ thì nước đã về tới rồi, lúc đó khoảng 3 giờ chiều. Cho đến tối thì nhà của tôi đã ngập đến 1,5 m. Cơn mưa hôm đó không lớn, chúng tôi từng chứng kiến những cơn mưa lớn hơn nhiều nhưng nước cũng ngập sông, ngập lạch chứ không ngập đến nóc nhà như trận này. Trừ năm 2009 cũng có một trận ngập tương tự do thủy điện A Vương xả lũ mà thôi. Thủy điện Đắk Mi 4 xả đến 3.900 m3/giây thì làng mạc nào chịu nổi mà bảo là xả đúng quy trình?” - ông Pháp dẫn chứng.

Mưa nhỏ sinh lũ lớn: Vô lý!

Đỉnh lũ lịch sử tại miền Trung - Tây Nguyên năm 1999 do những cơn mưa từ 800 mm trở lên, thậm chí có lúc lên đến 1.700 mm, kéo dài đến 4-5 ngày. Cơn “đại hồng thủy” vừa qua khiến mực nước các sông cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 rất nhiều, do đó lý giải bằng cơn mưa 300-500 mm sinh lũ lớn là không hợp lý.

Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, có 2 trường hợp xảy ra khi lũ về. Nếu dự đoán đúng, các đơn vị vận hành sẽ xả nước trước đó, chừa một phần dung tích hồ để chứa lũ, cắt lũ cho hạ du. Nếu sợ không đủ nước phát điện mà cứ tích nước thì khi lũ về bắt buộc phải xả không chỉ nước lũ mà còn cả lượng nước tích trong hồ, đây chính là nguyên nhân gây lũ nhân tạo.

“Quá nhiều hồ chứa trên sông cũng tác động lớn đến dòng chảy, lũ mạnh hơn là điều đương nhiên. Lũ nhân tạo nước dâng rất nhanh, còn lũ tự nhiên thì nước lên chậm. Người dân phân biệt rõ điều này hơn ai hết chứ không phải vô cớ họ đổ cho thủy điện. Tôi cho rằng 3 bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi Trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có trách nhiệm trong trận lũ vừa qua, cần tổ chức kiểm tra lại số liệu tại các hồ chứa để xác định mức độ ảnh hưởng đến đâu” - TS Tứ phân tích.

Bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), cũng khẳng định thủy điện không thể vô can trong trận lũ tàn khốc vừa qua. “Cứ cho rằng thủy điện xả đúng quy trình thì liệu cái quy trình đó đã đúng chưa, đã phù hợp với thực tế chưa. Nhiều đơn vị vận hành thủy điện cho biết đôi khi gọi về xã thông báo xả lũ nhưng chẳng ai nghe máy. Thủy điện nào cũng bảo đúng quy trình rồi mạnh ai nấy xả, thế là bao nhiêu nước bên dưới dân gánh hết” - bà Sửu bức xúc.

Theo bà Sửu, cần có đơn vị chỉ huy tại chỗ để chỉ đạo các hồ chứa xả lũ hợp lý cũng như phối hợp chặt chẽ thông tin với địa phương. “Chứ năm nào cũng “đúng quy trình” rồi dân chết mặc dân như thế này thì đau xót lắm!” - bà Sửu nói. Chưa kể việc xây dựng thủy điện đã phá diện tích rừng rất lớn, không có rừng giữ nước và cản nước, nước lũ về nhanh và nhiều hơn là điều tất yếu.

Vừa qua, VRN đã có công văn kiến nghị Quốc hội về việc quy hoạch và quản lý các dự án thủy điện Việt Nam. Theo đó, tạm thời đình chỉ các dự án đã được cấp phép nhưng đang có những vấn đề tác động chưa được làm rõ, đặc biệt là các dự án ở vùng miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, nên xem xét trì hoãn việc xây dựng các dự án trong quy hoạch chưa có đánh giá đầy đủ về chi phí môi trường - xã hội.
 
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão trung ương, mưa, lũ tại miền Trung vừa qua đã khiến 47 người chết và 66 người bị thương; gần 1.700 căn nhà hư hỏng và 425.573 căn bị ngập; 5.851 ha lúa, hoa màu, hồ nuôi trồng thủy sản hư hại; sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông, đê, kè...

Gánh 272,19 triệu m3 nước trong 1 ngày

Theo báo cáo xả lũ của 3 hồ chứa thủy điện nằm trên đầu nguồn sông Vu Gia, chỉ trong ngày 15-11, 3 thủy điện Đắk Mi 4, Sông Côn 2 và A Vương đua nhau xả lũ xuống hạ du. Lưu lượng xả lũ lớn nhất là thủy điện Đắk Mi 4, với 3.900 m3/giây. Kế đến là thủy điện A Vương với lưu lượng 898 m3/giây và Sông Côn 2 với 578 m3/giây. Theo tính toán, chỉ trong hơn 1 ngày, tổng lượng nước xả của 3 hồ chứa thủy điện này đổ xuống vùng hạ du lên đến 272,19 triệu m3.

Trong khi đó, hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nằm đầu nguồn sông Thu Bồn, lúc 11 giờ ngày 15-11, đã xả với lưu lượng 3.622 m3/giây và xả liên tục trong 38 giờ với tổng lưu lượng lên đến 362,24 triệu m3 nước.

Tr.Thường


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo