xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mãi lộ trên đất Long An

Hải Nguyên-Minh Sơn

Họ không phải “cò”, cũng chưa phải cướp, nhưng giới xe tải ở các tỉnh khi muốn đi qua địa phận tỉnh Long An, đoạn trên Quốc lộ 1A, đều phải nộp tiền cho họ. Dân xe tải gọi đó là bọn “phe đường”

Trong vai chủ xe tìm người canh đường, chúng tôi đến gần khu vực nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An thuộc địa bàn phường 5, thị xã Tân An để gặp một thanh niên tên Trung (khoảng 30 tuổi).

Canh đường thuê

Theo giới thiệu của giới xe tải ở Tiền Giang, Trung là thủ lĩnh của một băng “phe đường” có máu mặt ở Long An. Theo thỏa thuận qua điện thoại, chúng tôi gặp Trung trong một quán nước mía ven đường. Không cần thăm dò, Trung vào chuyện ngay: “Đội xe các anh có mấy chiếc?”. “Ít thôi, chỉ có ba con”- chúng tôi đáp. “Ba con thì mỗi tháng đóng 700.000 đồng, nhưng mỗi chiếc khi qua địa phận này phải nộp thêm 50.000 đồng phí giao dịch viễn thông”. Dừng lại giây lát, Trung nói tiếp: “Tụi tui làm ăn lớn nên giá rẻ hơn mấy thằng bên kia cầu. Xe ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long giá thấp hơn xe ở Cần Thơ và các tỉnh phía dưới. Xe ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương thì “đồng banh” 1 triệu đồng, tháng nào không đi qua đây cũng phải chung đủ”.

Theo cách tính của giới “phe đường”, một chủ có 3 xe gọi là một “rúp”, trên con số này phải đóng thêm 20%, nếu một chủ có đến 6 xe thì phải đóng tiền hai “rúp” mỗi tháng, 9 chiếc thì đóng 3 “rúp”. Đối với xe ở miền Trung và các tỉnh phía Bắc, giới “phe đường” ở Long An không thu tiền tháng mà sòng phẳng thu mỗi chiếc, mỗi lần qua là 200.000 đồng tiền canh đường từ Bình Chánh-TPHCM đến Tân Hương-Tiền Giang.

Trong lúc trao đổi với chúng tôi, chuông điện thoại của Trung reo vang, anh ta nói to vào máy: “Không có con ma nào, nhanh đi!”. Vài phút sau, chiếc xe tải mang biển số 78K-098... trờ tới, ném xuống đường tờ giấy bạc 50.000 đồng, rồi nặng nề chạy về hướng TPHCM. Với mắt thường, chúng tôi cũng biết chiếc xe đó chở gấp đôi tải trọng cho phép. Trong vòng 45 phút tại quán nước mía, chúng tôi thấy có 10 xe tải ném tiền xuống đường, Trung ra nhặt bỏ vào túi rồi hò hét đàn em qua điện thoại: “Coi chừng tụi nó núp lùm đấy!”.

Chúng tôi giả vờ hỏi: “Lỡ xe lên Bến Lức bị CSGT bắt lại thì sao?”. Trung đáp gọn: “Mặc kệ nó. Tiền đã lấy rồi, lo gì!”. Chợt nhớ chúng tôi là khách mới, Trung cười xòa: “Nói vậy chớ đàn em tui rải đều từ đây đến Bình Chánh. Tài xế nào cũng biết rõ số điện thoại của bọn này mà”.

Ăn không được... phá

Anh Thành, một chủ xe tải ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Với 4 chiếc xe tải, mỗi tháng anh phải nộp cho một nhóm “phe đường” 5 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi lần xe chạy qua địa phận tỉnh Long An, tài xế phải ném xuống đường cho chúng 50.000 đồng/chiếc gọi là chi phí giao dịch điện thoại. Đứng đầu nhóm này là một thanh niên tên H., hoạt động ở đoạn đường tránh thuộc địa bàn hai phường 4 và 6, thị xã Tân An.

Do chi phí nặng nên anh Thành đã bán bớt hai xe và quyết định không nộp tiền canh đường cho H. và yêu cầu tài xế chở đủ tải, chạy đúng luật. Kể từ khi cắt mối với H., mỗi lần xe qua địa phận của H. cai quản là xe của anh Thành luôn bị... bể kính do đá, gạch, vật cứng từ dưới đường phang lên. Chịu không thấu, anh Thành buộc quay lại tìm H. để thuê canh đường với giá 1 triệu đồng/tháng.

Tại quán nước mía gần khu vực nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An, chúng tôi còn tiếp cận nhiều người trong giới “phe đường” ở khu vực này như Âu, Tuấn, Hà, Kiệt, Châu... mỗi người “hùng cứ” một đoạn. Khu vực gần nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An là “tổng hành dinh” của trùm Trung, ngã tư Quốc lộ 62 đường tránh thuộc lãnh địa của trùm Hà, đoạn thuộc địa bàn phường 5 và Khánh Hậu thuộc quyền kiểm soát của trùm Châu, khu vực cầu Tân Hương là của Kiệt...

Mỗi trùm có khoảng 5 đàn em, trà trộn trong giới xe ôm. Khi có tài xế xe tải gọi hỏi đường, trùm gọi đàn em đang rảo trên Quốc lộ 1A với mật khẩu “im không?”. Nếu được trả lời “im”, trùm gọi cho tài xế với mật khẩu “đường không có ổ gà”. Khi trời mưa to hoặc nắng gắt, các trùm hỏi “có đứa nào núp lùm không?”, ý nhắc đàn em rảo quanh các quán giải khát, các tán cây rộng xem lực lượng CSGT có ở đó hay không. Nếu có thì đàn em cho biết “kẹt rồi, chờ chút”. Ngay lập tức, trùm gọi lại cho tài xế bảo “biến”, tức là tìm chỗ nào thích hợp để đậu, chờ tin mới.

Tiền thu được từ tài xế, đàn em đều đem về nộp hết cho trùm và nhận lương hằng tháng. Lương khởi điểm cho một đàn em là 800.000 đồng/tháng, nếu làm được việc thì nâng lên 1,2 triệu đồng/tháng, sau 6 tháng, tăng lên đến 1,5 triệu đồng. Lương cao nhất của một đàn em canh đường được các trùm trả 2,5 triệu đồng/tháng. Những đàn em lĩnh lương ở mức này được phép giao dịch trực tiếp với tài xế, chủ xe. Đặc biệt là được trùm cho phép đi khai thác nguồn, tức bắt mối với những chủ xe mới ở các tỉnh. Chi phí xăng, nhớt hoạt động trong ngày cũng được các trùm hỗ trợ 100%.

Trích băng ghi âm

. Phóng viên: Làm sao biết được ông canh thế nào?

- Trung: Hôm qua, tao canh ca của Bảo Hùng (thiếu tá CSGT Bảo Hùng-PV) còn qua hết. Ca Bảo Hùng khó gấp trăm lần mà giao cho tao là xong hết.

. Bảo Hùng khó quá sao canh được?

- Được, được, nó khó kệ nó nhưng mình có cách. Tao đã lên kế hoạch nếu nó khó quá, tao khủng bố vợ con nó. (Đang nói chuyện, chuông điện thoại reo lên, Trung chỉ đạo: Không có con ma nào, lên đi, tới cầu điện thoại cho tao).

. Xe ai vậy?

- Xe của thằng nào đó ở Bình Định, kệ nó, nó không có lương tháng. Có tiền ăn cơm trưa thôi.

Nói xong, Trung tiếp tục điện thoại: Nhanh lên, qua bùng binh quăng tiền xuống chạy luôn đi....

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo