xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người hùng thầm lặng

Dương Ngọc

Cái chết của một sản phụ ở huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế đến nay vẫn hằn sâu trong lòng bà Phan Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam, thúc giục bà làm việc không mệt mỏi ở tuổi ngoài 60

Bà Phan Thị Hạnh (SN 1953 tại Huế) vừa trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng Midwives4all - một phần của chiến dịch nâng cao nhận thức được triển khai trên toàn cầu, do Bộ Ngoại giao Thụy Điển khởi xướng năm 2015 với mục tiêu khuyến khích sự gia tăng số lượng nữ hộ sinh (NHS) trên toàn thế giới.

Hai chuyện nhớ đời

Sinh ra và lớn lên ở Huế, sau khi tốt nghiệp thủ khoa Trường NHS Quốc gia Huế, cô nữ sinh Phan Thị Hạnh được trường giữ lại làm giảng viên. Sau năm 1975, bà Hạnh được Sở Y tế Huế điều lên công tác ở một bệnh viện (BV) của huyện miền núi Nam Đông. Gần 2 năm sau, bà chuyển về làm công tác truyền thông giáo dục y tế.

Năm 1979-1989, bà Hạnh được điều sang giảng dạy tại Trường Trung học Y tế Huế. Sau đó, bà được điều về Sở Y tế làm công tác đối ngoại kiêm truyền thông giáo dục y tế. Năm 1995, khi được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Hội NHS Việt Nam, bà được Sở Y tế biệt phái qua làm chuyên trách cho hội. Đến nay, sau 4 kỳ đại hội, bà vẫn được chị em NHS tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội.

Bà Hạnh cho biết thời gian ở BV Nam Đông đã giúp bà thấu hiểu những nhọc nhằn của NHS công tác tại vùng khó khăn và những thiếu thốn về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Do đó, bà luôn quan tâm đến phụ nữ và chị em hộ sinh công tác ở vùng sâu, vùng xa.

Bà Phan Thị Hạnh (bìa trái) tham gia khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Phan Thị Hạnh (bìa trái) tham gia khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ở BV tuyến tỉnh, thành phố, NHS còn có các bác sĩ sản khoa, nhi khoa, có thầy cô bên cạnh nhưng khi về vùng sâu, vùng xa, họ tự quyết định một cuộc sinh. Chỉ một chẩn đoán sai lầm hay một quyết định chuyển lên tuyến trên chậm trễ - dù 5 hay 10 phút - cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng 2 con người. Do đó, theo bà Hạnh, cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực đào tạo lại cho NHS công tác ở vùng sâu, vùng xa để họ thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn nhằm phục vụ tốt hơn cho cộng đồng.

Có một chuyện mà suốt đời bà Hạnh không thể quên, xảy ra khi bà đang công tác ở Khoa Sản BV Nam Đông. Gọi là khoa sản nhưng thực ra chỉ có một mình bà và một cô hộ sinh sơ cấp. Đêm nọ, một sản phụ đến Khoa Sản lúc 2 giờ. Khi thăm khám, bà Hạnh thấy những dấu hiệu của vỡ tử cung nên quyết định chuyển sản phụ về BV Huế để mổ lấy thai. Con đường từ Nam Đông về Huế bị đất đá từ trên núi đổ xuống, không chiếc ô tô nào qua được. Cuối cùng, bà Hạnh quyết định lấy một chiếc võng khiêng sản phụ ra đường lớn để đón xe về BV Huế. Bà cùng cô bạn đồng nghiệp và chồng của sản phụ thay nhau khiêng chị này vượt qua 25 km đường rừng để ra đường lớn.

“Đón được xe, chúng tôi mừng rơi nước mắt. Song, chỉ đến khi ca mổ thành công, sản phụ và bé trai kháu khỉnh được cứu sống, niềm vui mới thực sự vỡ òa” - bà tâm sự.

Cũng trong thời gian ở BV Nam Đông, có một chuyện buồn đã ám ảnh bà Hạnh đến tận giờ. Hôm ấy, người nhà một sản phụ đi bộ

7 km băng rừng lội suối để mời bà đến nhà đỡ giùm một ca đẻ. Trời chạng vạng tối, bà Hạnh và cô bạn đồng nghiệp khẩn trương đến nhà sản phụ. Thế nhưng, khi họ đến nơi thì đã nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra.

“Sản phụ đã chết trước khi chúng tôi đến. Câu chuyện đau lòng này luôn nhắc tôi rằng ở những vùng xa xôi, nơi các phương tiện đi lại khó khăn, thì nguy cơ của sản phụ càng cao với trường hợp cần phải chuyển tuyến gấp. Trang bị kiến thức làm mẹ an toàn cũng là điều hết sức quan trọng. Nếu hôm đó, người nhà đưa sản phụ đến BV ngay thì có thể sự việc đau lòng đã không xảy ra. Việc chuyển lên tuyến trên kịp thời là vô cùng quan trọng” - bà Hạnh đúc kết.

Nỗ lực ngày đêm

Phát biểu khi trao Giải thưởng Midwives4all cho bà Phan Thị Hạnh ngày 19-5 vừa qua, Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander nhấn mạnh: “Các NHS không chỉ cứu sống nhiều bệnh nhân mà còn là những nhân tố tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội. Chúng ta cùng nhau tôn vinh hàng ngàn NHS trên thế giới và ở Việt Nam, những người đã và đang nỗ lực ngày đêm để cứu sống nhiều phụ nữ và trẻ sơ sinh. Họ là những người hùng thầm lặng. Bà Phan Thị Hạnh là một trong những hình mẫu như vậy”.

Theo bà Hạnh, sự ghi nhận này nhắc nhở bà nhớ đến công sức của NHS cũng như những người ủng hộ công việc của bà và đồng nghiệp bằng nhiều nỗ lực và đóng góp âm thầm, ít được biết đến. Là công việc được lựa chọn và đam mê theo đuổi suốt cuộc đời, từ những trải nghiệm cá nhân, trong quá trình làm công tác truyền thông giáo dục y tế sau này, bà đã xây dựng nhiều chương trình, dự án hướng tới phụ nữ nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Trong đó, nhiều dự án nhằm đào tạo lại cho NHS công tác ở các vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội cập nhật kiến thức, kỹ năng về hộ sinh.

Là NHS duy nhất được Bộ Y tế cử tham gia Đại hội Đại biểu NHS toàn thế giới tại Kobe - Nhật Bản năm 1990, trăn trở với hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ Việt Nam, bà Hạnh đã quyết tâm xây dựng hội NHS tại Việt Nam với sự ủng hộ của đồng nghiệp quốc tế và trong nước. Trong đó, bà Chieki Nohno, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản, đã giúp đỡ rất nhiệt thành.

Hội NHS Việt Nam thành lập tháng 12-1995 và chính thức là thành viên Liên đoàn NHS thế giới vào năm 1996. Từ đó đến nay, hội có rất nhiều dự án phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, sức khỏe cộng đồng. Hội đã tổ chức nhiều lớp đào tạo lại cho hàng trăm NHS vùng sâu, vùng xa; đặc biệt là xây dựng nên mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện cho phụ nữ, người vị thành niên, thanh niên ở các khu vực nghèo.

Bà Hạnh tiết lộ Hội NHS Việt Nam đang thực hiện dự án “Thiết lập mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ và nâng cao năng lực cho hộ sinh tuyến cơ sở”. Thông qua dự án này, hội được Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ để xây dựng Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ sức khỏe sinh sản (đã khánh thành hôm 3-3). Từ trung tâm này, nhiều phụ nữ nghèo ở thành phố và các vùng nông thôn lân cận đã nhận được nhiều dịch vụ sức khỏe sinh sản miễn phí với chất lượng cao.

“Chúng tôi xem bệnh nhân là khách hàng. Đến đây, khách hàng - dù giàu hay nghèo - luôn được tôn trọng. Họ luôn cảm thấy như mình đang ở nhà với những người cung cấp dịch vụ (bác sĩ, NHS, điều dưỡng) như người trong gia đình. Chúng tôi có chế độ miễn phí hoặc giảm phí cho người nghèo và gia đình chính sách, người có công” - bà Hạnh cho biết.

Dự án này còn tổ chức các lớp đào tạo cho NHS đang công tác ở vùng sâu, vùng xa để họ được nâng cao, cập nhật kiến thức nhằm phục vụ tốt hơn cho cộng đồng. Năm 2015, dự án đã đào tạo gần 100 NHS trạm y tế của các xã miền núi của 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đội khám lưu động gồm 3 bác sĩ và 12 NHS cũng đã được thành lập. Đội này mỗi tháng 1-2 lần về các vùng khó khăn cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, siêu âm và phát thuốc miễn phí...

“Năm 2015, chúng tôi đã cung cấp dịch vụ cho hơn 2.000 người ở các vùng khó khăn” - bà Hạnh tự hào.

Năm 2002, bà Phan Thị Hạnh được Liên đoàn NHS quốc tế và Trường ĐH Colombo (Mỹ) tặng giải thưởng “Vì sức khỏe phụ nữ và trẻ em”. Năm 2004, bà được Tổng hội Y học Việt Nam trao tặng bằng khen vì những đóng góp cho sức khỏe phụ nữ, trẻ em.

Gia đình bác sĩ

Có thể nói, gia đình bà Phan Thị Hạnh là “gia đình bác sĩ” của TP Huế. Chồng bà là bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh, hiện là Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh BV Trung ương Huế. Con trai bà đi theo chuyên ngành của bố, hiện là bác sĩ chuyên ngành ung thư. Con gái bà theo ngành của mẹ, là bác sĩ sản khoa.

Bà Hạnh trong một lớp đào tạo cho các nữ hộ sinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bà Hạnh trong một lớp đào tạo cho các nữ hộ sinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Điều trăn trở của bà Hạnh là còn 517 trạm y tế xã (5%) ở vùng sâu, vùng xa chưa có hộ sinh (theo số liệu năm 2014 của Bộ Y tế). Với phụ nữ vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế còn khá xa và không thuận tiện, một số nơi tập tục về sinh đẻ còn lạc hậu. Tỉ lệ tử vong bà mẹ, tử vong sơ sinh ở 62 huyện nghèo, khu vực miền núi, vùng khó khăn cao gấp 3-4 lần so với số liệu chung của quốc gia.

Tình trạng sinh đẻ tại nhà không được NHS hỗ trợ còn khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Nhiều xã miền núi dân số ít, sống rải rác, cần dịch vụ ngoại tuyến tại thôn bản nhiều nhưng vẫn chỉ được phân bố 1 hộ sinh. Do chỉ có 1 hộ sinh làm việc ở các vùng khó khăn nên khi người này đi tham gia các lớp đào tạo lại để cập nhật kiến thức thì không có người phục vụ tại trạm y tế của mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo