Tôi đến thị trấn Sa Rài, huyện biên giới Tân Hồng- Đồng Tháp, nơi được mệnh danh là “tiền đồn chống lũ” của ĐBSCL, trong cơn mưa chiều tầm tã. Trên đường Nguyễn Huệ, một trong hai con đường được trải nhựa khang trang giữa trung tâm thị trấn, ễnh ương, cóc nhái đồng ca vang trời. Mới hơn 20 giờ mà đường sá vắng ngắt, tối om, hàng quán đóng cửa. Thị trấn ngủ sớm giữa cơn mưa rả rích. Phía ngoài đê bao, nước lụt đang dâng lên từng giờ.
Sống chung với ô nhiễm
Năm 1996, Chính phủ chuẩn y cho các bộ, ngành xây dựng một con đê bao dài 10 km bao bọc toàn bộ nội ô thị trấn Sa Rài. Con đê có bề mặt 5 m, chân rộng hơn 10 m, cao 7 m so với mặt nước biển, kinh phí xây dựng lên đến 22 tỉ đồng. Sau khi đê xây xong, suốt chục năm qua 10.000 dân thị trấn ăn ngon ngủ yên giữa mùa nước nổi, cảnh chạy lụt chấm dứt. Ngay cả mùa lụt lịch sử năm 2000, “bà Thủy” cũng phải chào thua con đê.
![]() |
Với hệ thống đê bao khép kín, nhà nông có thể thu hoạch lúa ngay trong mùa nước nổi. Trong ảnh: Nông dân Hồng Ngự - Đồng Tháp thu hoạch lúa hè thu 2006 |
Nhưng được này thì mất kia, cái giá mà 10.000 dân Sa Rài phải trả để được sinh sống, làm ăn yên ổn giữa mênh mông biển nước là tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường đến mức báo động đỏ. Buổi sáng chạy xe một vòng suốt tuyến đê bao, cảnh tượng ô nhiễm khiến tôi kinh hoàng. Khắp nơi tràn ngập nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi bốc mùi nồng nặc. Những dòng nước thải đen ngòm, hôi hám lờ đờ chảy vào một con rạch đặc sệt, đầy bọt bèo từ từ hướng về trạm bơm nằm ở một góc khu đê bao.
Từ đó dòng nước độc hại được dàn máy bơm trút thẳng vào kênh Sa Rài, chảy vào ruột Đồng Tháp Mười. Ông Út Dũng, người vận hành máy bơm, kể rằng hễ trời mưa là máy bơm phải chạy, trễ chừng một giờ là cả 3 ấp, 32 con đường và hơn 2.000 căn nhà ở thị trấn sẽ chìm trong biển nước hôi thối. Ông Dũng cho biết: “Tui sợ nhất là máy bơm bị kẹt rác, phải nhảy xuống nước gỡ. Mỗi lần vậy là tui muốn phát bệnh, da thịt ngứa ngáy, lở lói”. Tôi tự hỏi, khi bơm dòng nước hôi thối, độc hại kia vào kênh Sa Rài suốt 10 năm qua, không hiểu ông có bận tâm chút nào không?
Chuyện ô nhiễm ở Sa Rài xuất phát từ những người làm dự án xây đê bao nhưng lại quên thiết kế hệ thống thoát nước. “ Trời nắng mùi hôi thối càng gắt. Trời mưa thì đỡ hơn nhưng nước bẩn tràn ngập khắp nơi” - ông Huỳnh Văn Hòa, cư dân ở ấp 1, nói. Ông Hoàng Văn Huân và Nguyễn Văn Thức (chủ tịch và phó chủ tịch UBND thị trấn) than vắn thở dài: “Mỗi lần vác hồ sơ lên huyện xin kinh phí làm hệ thống thoát nước để xử lý ô nhiễm thì tụi tôi đều nghe bài ca muôn thuở: Không có tiền!”. Hai ông bộc bạch, mỗi khi trời mưa lớn là cả hai đều tìm nơi kín đáo... lánh nạn, vì người dân sẽ kéo đến thi nhau mắng chửi không tiếc lời, do nước bẩn tràn vào nhà họ!
Đất bị nhiễm độc
Từ khi tứ giác Long Xuyên được khai phá, tiếp đó là những tuyến kênh T4, T5, T6... được xẻ ra biển Tây để thoát lũ thì bộ mặt vùng đất rộng gần 500.000 ha này dần thay đổi. Đến khi phong trào đê bao ngăn lũ rộ lên, đất đai vùng này bị khai thác không kịp thở, một năm 3 vụ lúa với năng suất 17- 18 tấn/ha/năm.
Theo tuyến đường bê tông dài hàng chục cây số chạy dọc kênh Mướp Văn nối từ đường tỉnh 941 Lộ Tẻ- Tri Tôn sang đường tỉnh 943 Thoại Sơn- Tri Tôn, tôi ghé xã Tây Phú. Đây là xã vùng sâu của huyện Thoại Sơn- An Giang, nằm giữa ruột tứ giác Long Xuyên. Nước trên kênh Mướp Văn ngày một đầy nhưng đồng ruộng Tây Phú vẫn khô ráo. Ông Đỗ Văn Mừng, 45 tuổi là dân cố cựu tại đây. Ông bảo: “Trước đây lúa trồng mỗi năm một vụ, con người phải giành giật với chim chóc, chuột bọ mới có đủ gạo ăn. Nhưng bù lại, mùa nước nổi thì sản vật thiên nhiên nhiều vô kể”. Từ năm 2003, xã xây dựng 5 tiểu vùng đê bao khép kín toàn bộ 2.789 ha đất ruộng để sản xuất 3 vụ lúa/năm, đời sống nông dân Tây Phú đã khá lên thấy rõ. Tôi còn nhớ, khi đến đây vào mùa nước nổi năm 2001, tìm đỏ mắt mới thấy vài căn nhà tường, nhà ngói. Vậy mà nay dân vùng này nhà cửa khang trang, xài đồ xịn không thua gì nơi thị tứ. Trong khi đó kề bên xã Tây Phú, xã Tân Tuyến của huyện Tri Tôn vẫn còn bị nhiễm phèn, canh tác mỗi năm 2 vụ lúa được chăng hay chớ nên dân tình vẫn còn khốn khó.
Tuy nhiên, cái giá mà Tây Phú phải trả cho tình trạng bao kín đồng ruộng để làm lúa cũng rất nặng nề: Bệnh dịch hoành hành trên các trà lúa do đất đai nhiễm độc; rau cỏ, cá đồng không còn... Ông Năm Cò, một lão nông tri điền ở Tây Phú, nói rằng 3 năm nay muốn ăn con cá đồng, lọn bông súng ma, chùm bông điên điển hoặc mớ rau dừa giữa mùa nước nổi thì nhiều người phải gởi xe Honda ôm mua tận ngoài Vĩnh Bình, Tà Đảnh, bởi đồng ruộng bây giờ đâu còn nước cho rau mọc.
Ở tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười, đê bao tạo nên những “pháo đài chống lũ trồng lúa” nhiều vô kể. Chọn lựa “giã biệt mùa nước nổi” của các địa phương đã làm thay đổi hệ sinh thái toàn vùng. Rõ rệt nhất là việc đào nhiều kênh ngang dọc để tháo chua, rửa phèn đã vô tình rút hết nước vào mùa khô, khiến đất đai khô hạn nứt nẻ. Nạn cháy rừng, cháy đồng đe dọa khắp nơi. Mấy năm gần đây, vào mùa khô hạn nước mặn theo các tuyến kênh thoát lũ ra biển Tây tràn vào đến tận xã Lương Phi của huyện Tri Tôn-An Giang, điều trước nay chưa từng xảy ra. |
Bình luận (0)