Tôi dẫn một số người bạn Thái Lan đi thăm khu phố cổ Hà Nội. Sau một buổi, họ kết luận: “Phố Hà Nội ban ngày thì giống khu mua sắm Chatuchak (chợ cuối tuần ở Bangkok), buổi tối thì giống chợ đêm ở nhiều thành phố của Thái Lan”.
Phố cổ Hà Nội trước kia đều gắn với chữ Hàng, vì chuyên mua bán một mặt hàng nào đó nên có rất nhiều điểm tương đồng với chợ. Tôi giải thích như vậy với những vị khách lần đầu dạo phố Hà Nội.
Phố cổ Hà Nội nhìn từ trên cao
Chợ trong phố, phố trong chợ
Không phải ngẫu nhiên mà mấy năm trở lại đây vào hai ngày cuối tuần các tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Đường đến tận chợ Đồng Xuân được biến thành phố đi bộ kết hợp với chợ đêm. Người Hà Nội vẫn giữ thú đi chợ trong phố, vẫn yêu những cái chợ trong phố lắm, vì thế chợ đêm trong phố thật sự là một ý tưởng có sức sống.
Từ mé phía Tây Bờ Hồ có ba ngả rẽ: Hàng Bông, Hàng Ngang và Cầu Gỗ. Trong ba phố này, Hàng Ngang là tuyến phố chính trong trục phố cổ và vẫn còn giữ được rất nhiều ngôi nhà cổ, trong đó có cả nhà số 48 - nơi Bác Hồ ngồi viết bản Tuyên ngôn Độc lập.
Hàng Ngang giờ trở thành chợ quần áo. Mùa hè, quần ngố, áo phông bày bạt ngàn; mùa đông người ta bán găng tay, mũ len và áo gió. Con phố trở nên giống hệt người Hà Nội qua cách ăn mặc theo mùa. Trước Hàng Ngang là phố Hàng Đào, có một ngõ tên Gia Ngư, chuyên bán đồ lót.
Phố Hàng Ngang - Hàng Đào chuyên bán quần áo
Quần áo bày bán ở Hàng Ngang và Hàng Đào chủ yếu là hàng nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc), giá rẻ và mẫu mã đa dạng. Nhiều cửa hàng ở hai phố này bán buôn là chính.
Buổi sáng là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất ở đây khi hàng mới về được nhập kho và hàng trong kho được xuất đi khắp nơi.
Nói đến phố cổ, không thể không nhắc tới chợ Đồng Xuân. Chợ này may mắn không bị biến thành “trung tâm thương mại” như chợ Hàng Da hay chợ Cửa Nam.
Chợ Đồng Xuân bây giờ vẫn nhộn nhịp lắm nhưng theo cư dân sống ở đây, sự tấp nập, rộn rã thì không bằng vài chục năm trước. Đồng Xuân từng là chợ đầu mối duy nhất cung cấp hầu hết các mặt hàng cho dân Hà Nội. Sau vụ cháy năm 1996, nhiều nhà buôn đã giải nghệ hoặc tìm đến các khu chợ khác.
Chợ Đồng Xuân - hạt nhân của phố cổ
Muốn hiểu về văn hóa Hà Nội mà không tìm đến chợ thì quả thực là thiếu sót. Chợ Hàng Bè lớn lên từ chợ cóc, nay trở thành một chợ lớn, chỉ họp buổi chiều.
Họp sớm nhất có lẽ là chợ Long Biên, dù nằm ngoài rìa phố cổ nhưng là một phần không thể tách rời của chợ Hà Nội xưa và nay. Từ 0 giờ cho đến 1 - 2 giờ sáng là giờ mua bán cao điểm ở chợ trái cây, nông sản này.
Ở Hà Nội, người ta không phân biệt chợ trong phố hay phố nằm trong chợ. Phố và chợ - hai thực thể tưởng như tách biệt ấy - lại hòa quyện, gắn bó mật thiết với nhau. Có lẽ vì thế mà người Hà Nội từng được gọi là dân Kẻ Chợ!
Quan Chưởng, cửa ô cổ duy nhất còn giữ được nguyên vẹn trong số 5 cửa ô Hà Nội cũ
“Tây” và trẻ
Phố cổ Hà Nội chính là khu vực thu hút khách du lịch nước ngoài nhất. Nằm lọt thỏm trong khu phố cổ, hai con phố Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến từ lâu đã được gọi là phố Tây.
Ở đây, Tây balô nhiều nên các khách sạn mini, các nhà nghỉ bình dân cũng mọc lên như nấm; quán bar, cửa hàng mang phong cách Âu - Mỹ cũng đua nhau ra đời.
Đoạn Hàng Hành có cà phê Giảng nổi tiếng với đặc sản cà phê Trứng, có một góc được gọi là French Corner bởi mang đậm chất Pháp.
Một góc phố Tây Lương Ngọc Quyến- Tạ Hiện
Phố Tây thức khuya nhất ở một thành phố có thói quen đi ngủ sớm này. Phải đến 1 - 2 giờ sáng, hàng quán mới dọn hết, riêng hàng ăn vẫn phục vụ đến tận 3 giờ.
Riêng khu vực xung quanh Bờ Hồ thì có nhiều quán “trà đá 0 giờ”, luôn đắt khách. Mùa hè thì tách trà đá với đĩa dưa chuột, củ đậu hay xoài chua; mùa đông trà đá và kẹo lạc ngắm sương sớm trên Hồ Gươm, không gì thú vị bằng!
Nước mía vỉa hè trên phố Hàng Vải được giới trẻ Hà Nội mến mộ
Cuối phố Tây Tạ Hiện có một người đàn ông bán quạt cổ rất nổi tiếng. Ông tên Phúc, ngoài 60 tuổi, trong đó 30 năm làm quạt cổ. Khách của ông chủ yếu là người nước ngoài. Những chiếc quạt cũ kỹ tưởng như đã vứt đi dưới bàn tay ông bỗng chốc biến thành một cổ vật có hồn.
Phố cổ Hà Nội thời đại mới đang “Tây hóa” khá nhiều, song cũng có những con phố vốn mang trong mình “chất Tây” từ rất lâu rồi, có lẽ từ thuở văn hóa Pháp ùa vào Hà Nội hồi đầu thế kỷ XX.
Đoạn phố Nhà Thờ thẳng sang Hàng Trống là một trong những chỗ “Tây” nhất. Giới trẻ Hà Nội vẫn thường tụ tập ở đây để chụp hình, để nói chuyện với người nước ngoài nhằm rèn ngoại ngữ; du khách cũng thích như vậy vì được hiểu thêm về Hà Nội.
Nhà Thờ Lớn Hà Nội là một không gian văn hóa được người Hà Nội va du khách nước ngoài yêu thích
Phố Tràng Tiền cũng mang chất châu Âu điển hình. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp chọn con phố có tên thời Pháp thuộc là Paul Bert này để đặt Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace. Học tiếng Pháp ở đây vừa chuẩn vừa “rẻ” vì được Chính phủ Pháp hỗ trợ học phí.
Và không thể không nhắc tới Nhà hát lớn Hà Nội - biểu tượng văn hóa Pháp ở đây - một công trình kiến trúc không bao giờ lỗi mốt dù đã tròm trèm 100 tuổi.
Hà Nội tròn 1000 tuổi, nhà hát Lớn cũng bước sang tuổi 100
Vậy là, ban ngày ở Hà Nội nên dạo chơi các phố “Hàng” sầm uất, còn đêm xuống để sống với cái không khí của Hà Nội tươi trẻ thì nên đến với phố Tây và những nơi giới trẻ Hà Nội tụ tập.
Phố Hà Nội đang trẻ ra nhiều và để bắt được cái nhịp sống trẻ của phố, không phương tiện nào có thể sánh với... đi bộ!
Bình luận (0)