xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tản mạn trăm năm "chớp bóng" Hà thành

HY TRANG

(NLĐO)- Vào thập niên 30 của thế kỷ trước, trong một truyện ngắn có cái tên ngồ ngộ “Người đầm” của cố nhà văn Thạch Lam có nhắc đến rạp chớp bóng Pathé. Pathé là nơi nhân vật “tôi” trong truyện gặp gỡ “người đầm” - một thiếu phụ trẻ người Pháp đi cùng với cô con gái nhỏ.

Pathé Freres – rạp chớp bóng đầu tiên
 
Rạp chớp bóng Pathé mà Thạch Lam nhắc đến có tên đầy đủ là Pathé Freres (Anh em nhà Pathé) - rạp chớp bóng cổ xưa nhất của Hà thành nói riêng và Đông Dương nói chung - được khai trương vào ngày 8-1-1920.
 
Chủ của Pathé Freres là một người Pháp tên là Aste, rạp nằm trên khu đất bên trái đền Bà Kiệu, nhìn chếch ra đền Ngọc Sơn. Trong ký ức của những bậc cao niên thì quanh rạp Pathé Freres có bãi cỏ rộng với nhiều bóng cây.
 
Sự xuất hiện của Pathé Freres lúc ấy có thể nói là một sự kiện lớn của Hà thành, tờ Thực Nghiệp Dân Báo cùng ngày đăng một mẩu quảng cáo khá hoành tráng với nội dung:
 
“Rạp chớp ảnh Pathé (bên cạnh đền Bà Kiệu)
Tối nào cũng chớp từ 9 giờ đến 11 giờ
Thứ năm, chủ nhật chớp từ 5 giờ đến 7 giờ
Nên cho trẻ con xem
Hạng nào cũng có quạt máy”

img

Rạp Pathé Freres nhìn chếch ra đền Ngọc Sơn (Ảnh: Internet)

 
Cũng như các rạp chớp bóng được xây dựng trước những năm 1930, rạp chỉ lắp đặt một máy chiếu phim. Phim được chia thành nhiều cuốn, đựng trong hộp kim loại hình tròn, khi chiếu hết một cuộn phim thì đèn trong rạp bật sáng, người thợ máy chiếu sẽ thay cuốn phim mới vào và chiếu tiếp.
 
Bên trong rạp, người xem ngồi cả hai phía màn ảnh, trên các ghế tựa bằng gỗ (hạng sang) và ghế băng gỗ có vải đen (hạng thường). Màn ảnh làm bằng những đoạn vải trắng may nối liền nhau, xung quanh viền vải xanh thẫm hoặc vải đen.
 
Sàn của phòng chiếu lúc đó bằng phẳng, không có độ dốc tiêu chuẩn như rạp hiện nay. Để hạn chế việc người ngồi sau bị vướng đầu người ngồi đằng trước, chủ rạp có sáng kiến treo màn ảnh lên khá cao, khiến mọi người khi xem đều phải ngửa cổ lên nhìn.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc trong một cuốn sách của mình từng đề cập khá chi tiết tới Pathé Freres: “Hồi đó, nơi này được gọi là Rạp Chùa Bút. Dần dà, các rạp hát được xây dựng, ngay gần đấy có một tòa nhà khá đẹp của Hội khuyến nhạc (Philarmonique), rồi tại đầu đường Paul Bert là Nhà Hát Lớn hoành tráng... Không gian ấy được chuyển thành một rạp chiếu bóng cạnh tranh với Cinéma Palace (cũng là một trong những rạp chớp bóng đầu tiên của Hà Nội, chuyên chiếu các bộ phim do hãng Gaumont sản xuất, nằm trên đường Paul Bert, nay là Tràng Tiền – NV) bằng cách chiếu phim của đối thủ Gaumont là hãng Pathé. Và người ta đã kẻ tên biển của hãng phim ấy là tên rạp. Một thời gian sau, không chỉ có phim Pháp mà còn có phim của nhiều nước khác nhập về nên rạp không còn chuyên chiếu cho Pathé nữa. Rạp đổi tên là Les Variétés (tạm dịch là Vạn Hoa hay Biến Hóa)”.
 
Khoảng năm 1933, sau 13 năm hoạt động, rạp Pathé Freres chính thức đóng cửa. Tại đây, vào năm 1943, chính quyền Pháp và Hội Truyền bá Quốc ngữ đã dựng một nhà bia, trong đó đặt bài văn bia “tam ngữ” (Hán-Quốc ngữ, Pháp) tôn vinh ông cố đạo Alexandre De Rodhes là “ông tổ chữ quốc ngữ”.
 
Sau năm 1954, tấm bia và nhà bia đều bị phá, một thời gian sau đặt tượng “Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh” cho đến nay.
 
Dẫu vậy, những hoài niệm về rạp Pathé vẫn im đậm trong niềm nhớ của những người con Hà thành, mà một trong số đó là nhạc sĩ Phạm Duy, khi ấy chỉ là một cậu bé con ở phố Hàng Dầu chuyên môn coi “cọp” tại rạp trong suốt tuổi thơ.
 
Gần trăm năm “chớp bóng”
 
Tính đến năm 1927, tại Việt Nam có 33 rạp chớp bóng, trong đó Hà Nội chiếm 4/10 rạp chớp Bắc kỳ. Năm 1939, số lượng rạp chớp bóng cả nước vào khoảng trên 60 rạp, Hà Nội có 7 rạp, tính ra cứ 35.700 người dân nội thành có 1 rạp.
 
Ngoại trừ những rạp do người Pháp xây dựng thì giới tư sản người Việt lúc ấy cũng để mắt tới lĩnh vực này, một trong số đó là nhà tư sản Vạn Xuân – ông chủ rạp Olympic.
Mặc dù Pathé Freres năm 1920 mới khánh thành nhưng trước đó 5-6 năm, chớp bóng đã không còn xa lạ với Việt Nam. Từ năm 1898, trên báo chí Việt Nam đã đăng quảng cáo những buổi chiếu phim bán vé tại một số địa điểm công cộng.
 
Theo tờ Trung Bắc Tân Văn, ngay từ đầu thế kỷ XX đã bắt đầu có những buổi chớp bóng đầu tiên tại Hotel Grand Café ở khách sạn Métropole (nay là khách sạn 5 sao Métropole Sofitel, 15 Ngô Quyền) - khách sạn được xây dựng sớm nhất (1901) và sang trọng nhất của Hà thành.
 
Bình dân hơn, hàng chục đầu máy chiếu phim được mang từ Pháp qua mỗi đêm chiếu ở những địa điểm khác nhau, thu hút sự chú ý của khá đông giới trí thức và tầng lớp trung lưu sinh sống ở các đô thị lớn.
 
Riêng ở Hà Nội, vào ngày 12-6-1921 có thêm rạp Le Tonkinois (Người Bắc Kỳ) nằm ở một nhánh của phố Hàng Quạt cũ (nay là đại bản doanh của Nhà hát Ca múa Thăng Long, 31 Lương Văn Can), có cùng một chủ với Pathé Freres.
 
img
Những buổi chớp bóng đầu tiên diễn ra tại Hotel Grand Café ở khách sạn Métropole
 
Sau đó là rạp Family ở Rue des Voiles (nay là phố Hàng Buồm, nhưng rạp không còn); rạp Majestic nằm ở Boulevard Đồng Khánh (nay là rạp Tháng Tám, 45 Hàng Bài); rạp Olympia (hoặc Olympic, nay là rạp Hồng Hà, 51 Đường Thành)...
 
Căn cứ vào trang bị của phòng chiếu, các rạp này được chia thành 2 loại: rạp hạng sang và rạp bình dân. Ví dụ ở Majestic, khu trên gác dành cho người Pháp và viên chức cao cấp, quan lại người Việt, tầng trệt gác dành cho khán giả thuộc tầng lớp thượng lưu.
 
Còn các rạp Le Tonkinois, Olympia, Phiharmonique…dành cho khán giả bình dân, chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên. Phần lớn các rạp bình dân có xếp 5-10 ghế băng ở phía sau màn ảnh dành cho trẻ con với giá rẻ, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 giá vé hạng nhất. Nhiều rạp còn mở suất chiếu vào các buổi sáng (matiné) cho học sinh, sinh viên với giá vé chỉ bằng 1/2 giá vé hạng nhất chiếu vào buổi tối.
 
Nói về chớp bóng Hà thành thời thuộc địa, không thể không nhắc tới cái tên Cinéma Palace ở phố  Paul Bert (nay là rạp Công nhân, đại bản doanh của Đoàn kịch Hà Nội, 42 Tràng Tiền).
 
img
img
Cinéma Palace - rạp chiếu bóng sang trọng nhất Hà Nội xưa
 
Bộ phim đầu tiên được chiếu ở Cinéma Palace có tên là Thần Cọp vào tháng 8-1920. Thần Cọp là một bộ phim câm, nhưng chủ rạp rất chịu chơi đã mời một gánh bát âm lồng nhạc theo đúng kiểu chính quốc. Nội dung phim được đăng trước trên báo thành từng phần và mỗi người đến xem nhận được một tờ chương trình (programe) tóm tắt nội dung.
 
Khác với các rạp bình dân, mà điển hình là rạp Family ở Rue des Voiles, có hình ống với bề ngang rất hẹp và sâu hun hút vào phía trong, Palace nằm trên đường Paul Bert – một trong những con đường phồn hoa đô hội bậc nhất Hà thành thời thuộc địa (và cả bây giờ), nơi trú ngụ của rất nhiều người nước ngoài và tư bản Việt Nam giàu có – nên chẳng lâu sau khi khai trương, Cinéma Palace trở thành rạp chiếu phim sang trọng nhất Hà Nội. Vào khoảng năm 1947, Cinéma Palace đổi tên là Eden (Thiên đường).
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo