Ở một số “ngành nghề” như xin ăn, diễn xiếc..., số tiền các em nhọc nhằn kiếm được hằng ngày, hằng đêm đều rơi vào túi những kẻ sống cuộc đời tầm gửi trên thân xác trẻ thơ.
Một cậu bé biểu diễn pha phun lửa để xin tiền trước một quán nhậu trên đường Sương Nguyệt Anh
Gã “bang chủ” tàn bạo
Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Hải và một bé gái người Thanh Hóa khi hai em được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM mới đây. Vén tay áo, ống quần lên, Hải chỉ cho chúng tôi xem những vết thẹo chi chít - dấu tích của những trận đòn tàn bạo của tay chăn dắt trẻ xin ăn vì “tội” xin được ít tiền.
Hải chùi nước mắt, giọng không nén được nỗi tủi hờn: “Ông ta bắt cháu phải xin được ít nhất 70.000 đồng mỗi buổi sáng và 150.000 đồng từ chiều đến tối. Nếu không đủ, ông ta lấy cây dao cùn băm vào ống chân, cổ tay cháu”.
Theo điều tra của chúng tôi, “ông ta” mà Hải nhắc đến là gã đàn ông có biệt danh Quế thẹo, một kẻ chuyên chăn dắt người già và trẻ em ăn xin khu vực quận Gò Vấp – TPHCM.
Hải quê ở Hoằng Hóa - Thanh Hóa. Cách đây 9 tháng, Quế thẹo tìm về Thanh Hóa đưa cho mẹ Hải 200.000 đồng và xin cho em “vào TP làm thuê”. Nhà nghèo khó lại đông con, mẹ Hải đồng ý cho con theo Quế thẹo.
Đến TPHCM, Hải được đưa tới khu “cái bang” nằm trong một con hẻm trên đường Cây Trâm, quận Gò Vấp. Hằng ngày, Quế thẹo sai người chở Hải cùng nhiều em nhỏ khác và hai cụ già mù thả xuống nhiều nơi để ăn xin.
Cứ 6 giờ và 14 giờ, Hải lại bắt đầu lặn lội khắp các nẻo đường để ăn xin với quyết tâm đau đáu là làm sao kiếm được đủ tiền để tránh bị những trận đòn man rợ của “bang chủ” Quế thẹo.
Hải kể một lần, Quế thẹo còn dùng dao phang thẳng vào cánh tay em, để lại vết cắt dài đến 3 cm. Hết dùng dao, “bang chủ” lại đổi qua dùng cây gỗ nhọn chọc vào bắp chân, đầu gối của Hải đến chảy máu.
Có hôm không đạt “chỉ tiêu”, Hải sợ quá bỏ trốn, đi tìm chỗ điện thoại về cầu cứu cha mẹ nhưng không được.
Không còn cách nào khác, em đành thất thểu tìm về khu nhà trọ của Quế thẹo, chấp nhận đưa tấm thân nhỏ nhắn ra hứng chịu những trận đòn hiểm ác và lại tiếp tục lê chân đi kiếm tiền về cho gã sống nhởn nhơ.
Hải cho biết không chỉ mình em, những đứa trẻ xin ăn khác cũng bị “bang chủ” hành hạ như vậy. Hải còn có một anh trai cũng bị bắt đi ăn xin ở khu vực quận 4 - TPHCM nhưng anh em chưa bao giờ được gặp nhau.
Theo một cán bộ Cục CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an, tình trạng đưa trẻ em từ các vùng quê lên TP để bóc lột sức lao động là một trong những hình thức buôn người nội địa phổ biến hiện nay song việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng vẫn còn rất hạn chế.
Tuổi thơ sóng gió
Ngửa cổ dốc chai dầu hỏa đầy miệng, dùng bó đuốc đang cháy kê sát vào mặt rồi phun ra luồng lửa đỏ rực. Nhét đầu con rắn lục cho bò sâu vào cuống họng, chui từ lỗ mũi bên này sang lỗ bên kia. Dùng chiếc mâm kim loại đập mạnh vào trán cho đến móp... Phía sau các pha biểu diễn nguy hiểm, ghê rợn đó, luôn có những tay chăn dắt bặm trợn chực chờ từng đồng tiền từ các đứa trẻ xin được.
Một đêm đầu tháng 5-2010, như thường lệ, cậu bé Ngô Thanh Văn được một phụ nữ chở ra một quán nhậu trên đường Sương Nguyệt Anh, quận 1 - TPHCM. Thả Văn cùng túi đồ nghề xuống, bà ta chạy xe lên lề đường đối diện, nấp sau gốc cây cổ thụ giám sát và chờ lấy tiền.
Sau khi làm đủ trò và gây sự chú ý bằng những tiếng thét, Văn ôm bình bát trước bụng đi một vòng. Qua vài bàn nhậu, chiếc bình cũng có được vài tờ giấy bạc, chủ yếu loại 2.000 đồng. “Con rắn của con lăn ra chết trước giờ đi làm” - Văn rầu rĩ phân trần với chúng tôi về ngày “làm ăn” thất bát của mình.
Nhận được tin báo của chúng tôi, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM liền cử một nhóm cán bộ đến đưa Văn về cơ quan.
Khi được trấn an, Văn bắt đầu kể về tuổi thơ sóng gió, cơ cực của mình. Văn ngụ tại đường Lê Văn Lương, quận 7 - TPHCM. Năm Văn lên 5 tuổi, cả cha mẹ em đều vào tù do buôn bán ma túy. Một người xưng là “dì Mén” nhận Văn và em trai tên Võ về ở.
Một hôm, có một người đàn ông đến thuyết phục Văn theo nhóm xiếc do ông ta thiết lập. Chỉ sau một tuần luyện tập, Văn đã bị đẩy ra đường biểu diễn để xin tiền nộp cho “sư phụ”.
Ròng rã 3 năm, khi lên 9 tuổi, nhận ra sự bất công, Văn bàn với “dì Mén” tìm cách “ra riêng”. Bỏ ra chưa đầy 100.000 đồng, “dì Mén” sắm đồ nghề cho Văn và đêm đêm chở em đi kiếm tiền ở khu nhà thờ Đức Bà, đường Phạm Ngũ Lão, Sương Nguyệt Anh...
Thấy trẻ thơ dễ kiếm được tiền, Mén buộc cả em trai Văn đi theo biểu diễn. Dù chỉ mới 7 tuổi nhưng Võ cũng phải làm đủ các trò nguy hiểm để xin tiền cung phụng cho “dì Mén”.
“Đêm Tết Dương lịch năm rồi, anh em cháu đi làm ở khu quán nhậu dọc kênh Nhiêu Lộc. Võ lấy đồ chơi ra chơi để khỏi buồn ngủ và rơi xuống một hố công trình, đầu đập vào khối bê tông ngất xỉu mà không ai biết. Chiều hôm sau, em đã tìm ra thi thể Võ nằm dưới hố đầy nước” - gương mặt non nớt của Văn chợt thảng thốt.
Lăn xả kiếm tiền Hằng đêm, phố thịt cầy Cống Quỳnh, quận 1 – TPHCM cũng thường xuyên xuất hiện các gánh xiếc trẻ con. Lúc các diễn viên nhí cật lực kiếm tiền với những trò nguy hiểm thì cách đó vài chục mét, những kẻ chăn dắt các em chễm chệ trên xe máy đợi gom tiền. Cậu bé tên Sinh đến bàn chúng tôi. Có lẽ do tiếp xúc với quá nhiều chất độc hại khi thực hiện các màn phun lửa, nhai than, nuốt rắn... nên cơ thể em chỉ còn da bọc xương. Sinh tỏ ý đói bụng, nài nỉ xin đồ ăn. |
Bình luận (0)