Vùng nông nghiệp trọng điểm, vựa lúa - cá ĐBSCL của Việt Nam đang gánh chịu tác động nặng nề do hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH).
10°C “đốt” 10% sản lượng lúa
Theo nghiên cứu của Viện Lúa quốc tế, nếu nhiệt độ tăng 10°C thì năng suất lúa sẽ giảm 10%”. Trong 30 năm qua, lưu lượng nước sông Mê Kông không tăng, vào khoảng 22.000 m³/giây nhưng lưu lượng từ biển vào gia tăng rất lớn, từ 13.000 m³/giây đã lên 15.500 m³/giây”.
Ông Vinh cảnh báo trong tương lai, lưu lượng nước sông Mê Kông có khả năng cân bằng với nước biển nên có thể nước biển sẽ tấn công đến vùng Châu Đốc, tỉnh An Giang hoặc xa hơn.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập, phản ánh: “Nông dân một số tỉnh ven biển cho biết những năm gần đây, mưa ngắn hơn làm thiếu nước, đặc biệt là nguồn nước ngầm suy giảm trầm trọng. Mùa khô dài hơn làm xì phèn trong đất, khó nuôi thủy sản hoặc trồng trọt. Nắng nóng kéo dài làm nghêu, heo chết. Vùng ven biển, nước biển tấn công khiến nước ngọt yếu đi gây khó cho sản xuất”.
Vào mùa khô, thiếu nước ngọt, người dân ở những huyện ven biển của tỉnh Bến Tre phải mua nước ngọt với giá 120.000 đồng/m³ để sinh hoạt và tưới tiêu.
Biểu hiện rõ nhất của BĐKH trong những năm gần đây, theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH của Trường ĐH Cần Thơ, là vào năm 2010, ĐBSCL khô hạn và nắng nóng tăng bất thường, không khí ngoài trời từ 39-40°C.
Nhiều vùng ven biển khô hạn kéo dài hơn 6 tháng, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, chỉ còn cách TP Cần Thơ từ 20-30 km. Năm 2011, lũ cao bất ngờ và chảy xiết hơn làm nhiều nơi sạt lở nặng. Năm 2012-2013, xuất hiện mưa đá ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Nhiều trận mưa lớn vào cuối mùa gây thiệt hại rau màu…
Nước dâng, đất lún
Theo một nghiên cứu của TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, ĐBSCL hình thành trên nền đất yếu.
“Năm nay, không chỉ riêng TP Cần Thơ mà nhiều đô thị ở ĐBSCL như Long Xuyên (An Giang), Vĩnh Long… đều ngập nặng hơn trước dù cao độ mực nước hiện thời chỉ hơn mức trung bình nhiều năm trước. Sự khác biệt về cao độ (so với mực nước biển) không lớn nhưng độ sâu ngập nặng hơn. Một số quan trắc của các nhà khoa học trong và ngoài nước gần đây ghi nhận nền đất đô thị vùng này đang có dấu hiệu chìm xuống” - PGS-TS Lê Anh Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, đồng thời với sự dâng lên của mực nước biển, vùng đô thị ở ĐBSCL đang có dấu hiệu lún, nguyên nhân được nhiều nhà khoa học nghĩ đến có thể là do áp lực công trình đè xuống nền địa chất đồng bằng vốn rất yếu. Song song, tình trạng khai thác nước ngầm đang gia tăng cũng khiến mực thủy cấp dưới đất tụt giảm.
TS Dương Văn Ni đề cập đến vấn đề đã cũ nhưng ảnh hưởng rất lớn tới ĐBSCL là gần như các sông, kênh đang phát triển hệ thống kè, đê ngăn lũ. Việc này làm diện tích tràn của sông vào mùa lũ thu hẹp lại và khiến lũ dâng cao hơn. “Trong dự án quy hoạch tổng thể ĐBSCL do Hà Lan thực hiện có nói đến việc xây đê bao lớn quanh vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau, trở thành một hệ thống kiểm soát nước để tăng sản xuất nông nghiệp. Việc này sẽ tạo ra bất cập” - TS Ni nhận định.
Tần suất mưa lớn ngày càng rõ rệt TS Y.Ghi Niê, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình của Việt Nam đã tăng 0,5°C; mực nước biển đã dâng 20 cm. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ và hạn hán ngày càng khắc nghiệt. Các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng tăng về số lượng và tần số ở các vùng miền trên cả nước khiến con người không lường trước được. Theo thống kê gần nhất của Chi cục Bảo vệ tài nguyên và môi trường TP Đà Nẵng, trong giai đoạn 1976-2009, nhiệt độ thường ở mức 25-26°C. Trong đó, nhiệt độ của những năm sau cao hơn các năm trước khoảng 0,5°C và có dấu hiệu tiếp tục tăng. Lượng mưa trung bình tại TP Đà Nẵng từ năm 2005-2010 lớn hơn rất nhiều so với lượng mưa trung bình của các năm trước.
Xu hướng về tần suất xuất hiện các năm mưa lớn ngày càng rõ rệt. Giai đoạn 19 năm (1976-1994), chỉ 3 năm có lượng mưa trung bình năm đạt trên 2.500 mm nhưng 15 năm sau (1995-2009) đã có 6 năm lượng mưa đạt trên 2.500 mm. Trong đó, năm có lượng mưa lớn nhất là 1999 với 3.895 mm, tiếp theo là năm 2009 với 3.018 mm. B.Vân |
Bình luận (0)