Đang lưu thông trên địa phận xã Núi Tượng, huyện Tân Phú -Đồng Nai, xe chúng tôi va vào xe một người đàn ông chở hai khúc gỗ đỏ từ Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên ra. Dù bị té ngã nhưng ông ta không phàn nàn một lời nào mà vội vã dựng xe lên rồi phóng như bay. Tò mò, chúng tôi chạy theo và phát hiện ông ta đưa hai khúc gỗ vào một cơ sở chế biến gần đó.
Lâm tặc hạ cây, cưa xẻ ngay trong VQG Cát Tiên. Ảnh: C.T.V
Lâm tặc ngày càng táo tợn, manh động
Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên cho biết chỉ tính riêng địa phận giáp ranh vườn với huyện Tân Phú, đã có khoảng 10 cơ sở chế biến gỗ không giấy phép. Đây chính là điểm tập kết chính của những cây cổ thụ bị đốn hạ trong VQG.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên, lâm tặc ngày càng táo tợn, manh động.
Chúng không đốn từng cây rồi đưa khỏi rừng mà dùng cưa máy hạ hàng loạt, sau đó xẻ cây thành từng hộp hoặc phách nhỏ tại chỗ để dễ dàng vận chuyển. Lâm tặc không đi riêng lẻ mà lập nhóm 5-20 người, với sự phân công chặt chẽ.
Chỉ trong vòng 2-3 giờ, một nhóm lâm tặc có thể đốn hạ, “xẻ thịt” một cây gõ đỏ hàng chục mét khối. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2009, hạt đã lập hồ sơ xử lý 57 vụ vi phạm với lượng gỗ thất thoát hơn 153 m3. Trong đó, có trên 16 ha rừng gỗ cẩm bị chặt trắng.
Ông Minh lo ngại: “Lâm tặc phải chặt hạ cây và lấy đi ít nhất 5 m3 gỗ quý thuộc nhóm I mới bị khởi tố. Lợi dụng điều này, nhiều lâm tặc đốn hạ hàng loạt gỗ quý nhưng ít khi phải chịu tội”. Điển hình là vụ L.V.S và đồng bọn ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú chặt hạ, cưa xẻ gõ đỏ giữa rừng Cát Tiên.
Bị kiểm lâm bắt quả tang, S. thừa nhận đã “xẻ thịt” 7,392 m3 gỗ, song tại cơ quan điều tra sau đó, y phản cung, chỉ khai cưa xẻ để lấy 1,33 m3 và không thừa nhận việc chặt hạ cây. Cơ quan điều tra không đủ chứng cứ buộc tội S. nên vụ việc chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.
Tương tự, ngày 12-8-2008, nhân viên Trạm Kiểm lâm Núi Tượng bắt quả tang 7 lâm tặc đang cưa xẻ 7,838 m3 gõ đỏ. Tuy nhiên, 5 người này chỉ thừa nhận cưa xẻ nhưng không tham gia đốn hạ cây, do vậy cũng chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án.
Không đốt rừng thì ăn cái gì?!
Đi sâu vào VQG Cát Tiên thuộc huyện Cát Tiên - Lâm Đồng, chúng tôi bần thần khi phải liên tục chứng kiến cảnh những khoảnh rừng bị thiêu rụi để chuẩn bị trồng hoa màu. Sau những cánh rừng già, cứ một đoạn lại hiện lên nhiều ngôi nhà của đồng bào dân tộc ít người.
Ghé vào một ngôi nhà tranh xập xệ giả vờ xin nước uống, chúng tôi hỏi chủ nhân - một cô gái còn khá trẻ: “Vì sao nhiều khoảnh rừng gần nhà chị bị thiêu rụi?”. Cô gái thản nhiên: “Không đốt rừng thì ăn cái gì?”! Đến thôn 3, thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, nhiều người dân còn khoe với chúng tôi: “Hồi năm 2005-2006, đồng bào ở đây phá được mấy chục ha rừng để mở đường, làm rẫy đấy. Bây giờ chính quyền và kiểm lâm làm nghiêm quá nên ít phá rồi”...
VQG Cát Tiên là rừng cấm nhưng trong vùng lõi lại có khoảng 2.000 người dân sinh sống. Trong đó, toàn xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên với hơn 300 hộ - 1.400 người lọt giữa vùng lõi của VQG. Chưa kể, nhiều người dân ở khu vực giáp ranh VQG còn có hàng trăm hecta đất canh tác nằm trong địa phận vườn.
Chỉ tính riêng ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú - Đồng Nai đã có 67 hộ canh tác trên diện tích hơn 63 ha thuộc địa phận VQG Cát Tiên. Sau nhiều lần bàn tính về việc hoán đất canh tác nằm ngoài VQG Cát Tiên cho số hộ dân này, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản đến VQG thông báo... chấp thuận cho người dân xã Tà Lài tiếp tục canh tác trong địa phận vườn!
Phá rừng vì dự án treo
Từ đầu năm 2009 đến nay, Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên đã lập hồ sơ xử phạt hành chính 45 trường hợp vi phạm quy định về phá rừng để làm nương rẫy với tổng diện tích hơn 8,2 ha. Trong đó, khu vực Tây Cát Tiên nằm trên phần địa giới hành chính huyện Tân Phú - Đồng Nai có 10 trường hợp với diện tích thiệt hại hơn 2,7 ha; khu vực Cát Lộc nằm trên phần địa giới hành chính huyện Cát Tiên - Lâm Đồng có 34 trường hợp với diện tích thiệt hại hơn 5,5 ha.
Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên cho biết từ năm 1999, Bộ NN-PTNN đã có chủ trương thực hiện dự án tái định cư, chuyển nhà cửa và đất canh tác của các hộ dân ra khỏi địa phận VQG. Tuy nhiên, mãi đến năm 2006, mới chỉ có 2 buôn với khoảng vài chục hộ dân được chuyển đi nơi khác.
Sau đó, dự án cứ giậm chân tại chỗ đến nay do thiếu tiền. Trong khi dự án này bị treo thì nhiều địa phương lại có chủ trương không đầu tư vào những thôn, xã nằm trong kế hoạch di dời. Vì vậy, điều kiện sống của những người dân trong vùng lõi VQG vốn đã khó khăn lại càng khốn khổ. Một cán bộ VQG Cát Tiên bức xúc: “Chúng tôi đã hứa với dân sẽ chuyển họ đi nơi khác sống tốt hơn và yêu cầu họ đừng phá rừng làm rẫy nữa, song hứa hoài mà không thực hiện được nên họ ấm ức, cứ tiếp tục phá rừng”.
Phối hợp không nhịp nhàng “Hạt của chúng tôi có 125 kiểm lâm viên với 16 trạm gác. Đây là hạt kiểm lâm lớn nhất nước nhưng vẫn không giữ được rừng khỏi chảy máu”, ông Nguyễn Văn Minh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên, thổ lộ. Theo ông Minh, một trong những nguyên nhân chính khiến nạn phá rừng ở VQG ngày càng nghiêm trọng là do sự phối hợp không nhịp nhàng giữa kiểm lâm với chính quyền địa phương trong việc xử lý vi phạm nên mức độ răn đe không cao. |
Bình luận (0)