Nếu so sánh với Singapore nhìn từ trên cao, TP HCM cũng có nhiều nét tương đồng là những tòa nhà cao tầng và đường tấp nập phương tiện giao thông.
Singapore là hòn đảo nhỏ với mật độ dân số cực kỳ cao, tỉ lệ đô thị hóa gần 100% nhưng cảnh quan luôn xanh tươi. TP HCM nếu không có vùng ven chưa đô thị hóa, có lẽ chỉ là các hình thù kiến trúc bức bối. Hiện thành phố có 369 công viên với khoảng 500 ha (công viên công cộng và công viên trong khu dân cư). Tính diện tích đất công viên trên số dân thường trực rất thấp, chỉ bình quân 0,55 m2/người.
Tại sao các quận nội đô, ông cha ta ngày trước làm được nhiều công viên với hàng dãy cổ thụ đẹp. Nay tại Củ Chi, Nhà Bè hay TP Thủ Đức, chúng ta không làm được? Điều này phải nhìn nhận từ góc độ tư duy và sự cương quyết của các nhà thiết kế chính sách. Đề án tốt nhưng để biến đề án thành những công trình cây xanh thực thụ, phải có sự quyết tâm và kỷ luật "sắt" của chính quyền thành phố.
Từ năm 1995 trở đi, các công trình xây dựng mọc lên, các con đường mới mở ra, đồng nghĩa với nhiều cây xanh bị chặt hạ. Dẫu xây dựng mới phải chấp nhận phá bỏ như một sự đánh đổi nhưng rõ ràng trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư đã làm quá mức cần thiết.
Điều đáng buồn nữa là hầu hết công viên lớn bị cắt xén mảng xanh nhường chỗ cho thuê mặt bằng, buôn bán, mở quán cà phê. Không biết bao dự án bất động sản hình thành khu dân cư vắng bóng cây xanh bởi chủ đầu tư "bỏ quên" khi làm công trình để kinh doanh.
Cần rà soát trên các tuyến đường hiện hữu thiếu mảng xanh. Vỉa hè ngoài phạm vi dành cho người đi bộ, có thể khoét các rãnh trồng cây, hoa cảnh vừa tạo cảnh quan vừa giúp thấm nước tự nhiên. Tạo điều kiện, khuyến khích người dân trồng cây trong khuôn viên của mình. Mời các nhà quản lý, người có chuyên môn đang làm việc liên quan mảng xanh đến địa phương chia sẻ, hướng dẫn người dân nên trồng loại cây gì, cách thức chăm sóc...
Khi có một dự án xây dựng hay bất động sản mới, buộc chủ đầu tư ưu tiên thực hiện mảng xanh. Trong cấp phép xây dựng nhà ở, xem đáp ứng mảng xanh là điều kiện bắt buộc...
Với các khu đất trống, cần ưu tiên phát triển mảng xanh, nhất là khu vực có mật độ xây dựng cao. Dải đất dọc hai bên bờ sông Sài Gòn khá lý tưởng để phát triển mảng xanh, tạo bóng mát, thanh lọc không khí, phục vụ cộng đồng.
Có thể muộn nhưng không để trễ thêm trong việc tăng cường mảng xanh cho thành phố.
Bình luận (0)