Các vụ tai nạn thương tâm liên tiếp trong hoạt động du lịch mạo hiểm tại tỉnh Bình Thuận, tỉnh Ninh Thuận, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), tỉnh Lâm Đồng … đã phơi bày thực trạng đáng báo động về an toàn, xuất phát từ sự buông lỏng quản lý, phương tiện không bảo đảm và hoạt động tự phát.
Nguyên nhân "được báo trước"
Mới đây, ngày 25-5, một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Cơ sở kinh doanh Triều Trang đã đưa 8 khách từ TP HCM tham quan đồi cát bằng ô tô. Trong quá trình di chuyển, ô tô không may gặp sự cố, lao xuống hồ nước tại khu vực này. Hậu quả, 1 du khách bị kẹt lại trong xe và tử vong do đuối nước, 7 người còn lại may mắn thoát nạn. Ngay sau khi sự việc xảy ra, thi thể nạn nhân đã được đưa lên bờ. Cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục liên quan để làm rõ vụ việc và trục vớt ô tô.
Đây không phải là vụ tai nạn hi hữu, trước đó, ngày 26-2-2025, tại đồi cát Mũi Dinh (tỉnh Ninh Thuận), một xe Jeep chở 5 du khách Hàn Quốc cũng bị lật khi đang xuống dốc, khiến 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân được xác định là do tài xế điều khiển xe với tốc độ cao khi xuống dốc.
Ngày 1-5, tại khu vực Hòn Khô, một điểm du lịch nổi tiếng thuộc xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), chiếc mô tô nước do ông La Văn Lơ (37 tuổi, ngụ tại địa phương) điều khiển bất ngờ mất lái, lao thẳng lên bãi biển và đâm vào nhóm du khách. Hậu quả khiến em Đ.P.M.K (8 tuổi, đến từ TP Hà Nội) tử vong tại chỗ, 3 người khác bị thương.
Một vụ tai nạn khác, ngày 24-10-2023, 4 du khách Hàn Quốc trong lúc đi xe Jeep vượt suối cạn ở khu du lịch Làng Cù Lần (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thì bất ngờ xuất hiện lũ khiến cả 4 người thiệt mạng; tài xế xe Jeep vướng vào cây nên may mắn thoát nạn. Sau đó, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người"; khởi tố bị can đối với 3 cán bộ, nhân viên khu du lịch Làng Cù Lần.
Từ tháng 7-2024, một đoàn kiểm tra liên ngành do Công an huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) chủ trì đã tiến hành rà soát hoạt động vận tải khách du lịch tại Thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng. Kết quả, trong tổng số 85 ô tô đang hoạt động, chỉ có 19 ô tô còn hạn kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường. 66 ô tô còn lại - chiếm gần 80% - đều đã hết hạn kiểm định. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều tài xế không có bằng lái hay chứng chỉ hành nghề hợp pháp. Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện 84 ô tô - loại phương tiện đặc thù dành cho các tour vượt đồi - có đến 44 ô tô không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
Ông Phạm Văn Trọng, chủ cơ sở kinh doanh U&Me tại Thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng, cho biết cơ sở của ông hiện có hơn 50 ô tô và xe địa hình phục vụ du khách. Nhu cầu của du khách để trải nghiệm đồi cát Bàu Trắng là rất lớn nhưng việc hướng dẫn an toàn kỹ thuật chưa được cơ quan chức năng hỗ trợ. "Sau các lần kiểm tra phương tiện, người lái, các hộ kinh doanh đều có kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn giải pháp cũng như cơ chế riêng cho các xe địa hình được hoạt động an toàn trên đồi cát. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn chung" - ông Trọng nói.
Theo Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng, hiện tại, cả 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ ở khu vực này đều chưa có giấy phép hoạt động với loại hình dịch vụ xe địa hình chở khách. Ông Ngô Trường Thọ, Trưởng Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng, bày tỏ quan ngại: "Loại hình du lịch xe địa hình chở khách hiện chưa được cấp phép hoạt động trên đồi cát, việc chở khách du lịch của các cơ sở vẫn là tự phát. Hầu hết các xe địa hình trong các cơ sở kinh doanh du lịch không có giấy tờ và đều được "độ" lên vận tốc cao để có thể chạy trên đồi cát".

Xe địa hình chạy trên đồi cát Thắng cảnh quốc gia Bàu TrắngẢnh: CHÂU TỈNH
Không rõ trách nhiệm thuộc về ai?
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, do các loại xe này chỉ hoạt động trong khu vực nội bộ thắng cảnh và không điều khiển ra ngoài đường công cộng, nên đơn vị không quản lý. Đơn vị này cũng cho biết không thể áp dụng xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vì các trường hợp này không thuộc phạm vi điều chỉnh của ngành.
Còn theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, các xe địa hình, ô tô hoạt động trong phạm vi Bàu Trắng được quản lý, giám sát bởi Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng, trực thuộc UBND huyện Bắc Bình. Qua vụ việc xe rơi xuống hồ Bàu Trắng, đơn vị này đang phối hợp UBND huyện Bắc Bình và các cơ quan liên quan để tìm kiếm phương án đưa hoạt động kinh doanh này đi vào quy củ, đúng quy định pháp luật.
Đối với vụ tai nạn ở TP Quy Nhơn, ngay sau vụ việc xảy ra, UBND TP Quy Nhơn đã ban hành văn bản chỉ đạo tạm dừng toàn bộ hoạt động mô tô nước, ca nô không bảo đảm điều kiện kỹ thuật và pháp lý. Cùng với đó, TP Quy Nhơn cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt trong các ngày cao điểm lễ hội, du lịch.
Ông Võ Văn Trịnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, cho biết khu vực Hòn Khô từ lâu đã không đủ điều kiện cho mô tô nước hoạt động do đặc điểm địa hình, mật độ khách du lịch cao và thiếu hệ thống quản lý chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, việc giám sát vẫn chưa đủ hiệu lực, dẫn đến hậu quả thương tâm.
Ở Lâm Đồng, theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh này, toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp, đơn vị lữ hành đủ điều kiện tổ chức và kinh doanh du lịch thể thao mạo hiểm; 115 hướng dẫn viên được đào tạo, cấp chứng nhận nghiệp vụ du lịch thể thao mạo hiểm.
Sở xác định du lịch mạo hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của du khách nên nhiều năm qua luôn tập trung quản lý, chỉ đạo chặt chẽ các hoạt động này. Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp hoạt động du lịch mạo hiểm thì hàng năm sở cũng tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên, nhân viên các khu, điểm du lịch được cấp phép trong lĩnh vực này.
Trong các dịp cao điểm, sở thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách du lịch. Tuyệt đối không cho các công ty lữ hành tổ chức các chương trình du lịch tự phát (cắm trại dã ngoại, sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch …) trong khu vực được giao quản lý khi chưa có văn bản thống nhất của sở.
Bên cạnh đó, sở yêu cầu các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm thường xuyên chủ động rà soát tổng thể, đánh giá nguy cơ, cảnh báo các tình huống có thể xảy ra đối với hoạt động du lịch mạo hiểm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất thường; xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn tại các khu, điểm du lịch, các khu vực có cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch có tính chất mạo hiểm; nâng cao chất lượng dịch vụ và mức độ an toàn trong khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm.
Căn cứ kết quả điều tra
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Nghị định 168/2017 định nghĩa các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe du khách bao gồm các hoạt động như đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác.
Để kinh doanh các sản phẩm này, điều 9 yêu cầu phải có biện pháp bảo đảm an toàn như: cảnh báo về khí hậu, sức khỏe; có phương án và lực lượng cứu hộ, duy trì liên lạc với khách; bố trí huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn; phổ biến quy định an toàn, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp, giám sát việc sử dụng trang thiết bị đạt chuẩn.
Theo quy định khi xảy ra vụ việc trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tiếp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch; doanh nghiệp lữ hành. Việc xác định trách nhiệm của các bên cần dựa vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Bình luận (0)