Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1991, trú xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng và hoàn thành chương trình thạc sĩ kế toán, chị thi đỗ và được tuyển dụng làm kế toán tại UBND xã Phú Trạch (nay là xã Hải Phú) từ tháng 3-2015 theo Đề án 500 tại Quảng Bình. Hơn 5 năm tận tụy với công việc, đến tháng 3-2020, khi đề án kết thúc, chị Linh bất ngờ rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Sau đó, Chính phủ có văn bản cho phép các địa phương gia hạn hợp đồng cho đội viên Đề án 500 đến ngày 31-12-2025 và UBND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị các huyện tiếp tục bố trí công tác. Đến tháng 5-2021, chị Linh mới được phân công công tác tại UBND xã Phúc Trạch. Nhưng sau từng ấy năm cống hiến, chị vẫn chưa có một tương lai ổn định.

Những đội viên Đề án 500 tại Quảng Bình trước nguy cơ thất nghiệp
"Chúng tôi đã cống hiến hơn 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng đi rõ ràng. Tuổi ngày càng cao, muốn xin việc mới rất khó. Trong bối cảnh sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, nỗi lo mất việc càng lớn hơn. Không ai muốn bị đặt vào thế bị động. Rất mong Nhà nước có chính sách sắp xếp công việc hoặc có chính sách hỗ trợ chúng tôi trong quá trình chuyển đổi công tác" - chị Linh bày tỏ.
Không riêng chị Linh, nhiều đội viên khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị Như Trang (SN 1987), phụ trách Văn hóa - Xã hội tại UBND xã Ngư Thủy, có 2 bằng cử nhân (sư phạm và kế toán) từng thi đỗ và trúng tuyển vào Đề án 500 với nhiều kỳ vọng nhưng giờ đây cảm thấy bị "bỏ quên".
Theo chị Trang, khi tìm hiểu ở các tỉnh khác thì các đội viên Đề án 500 đã được ưu tiên xét tuyển vào biên chế công chức hoặc viên chức tại các đơn vị sự nghiệp. Trong khi đó, tại Quảng Bình, các đội viên vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Họ thực sự mong muốn có một chính sách hỗ trợ phù hợp.
Theo tìm hiểu, Đề án 500 được Chính phủ phê duyệt nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi trên cả nước. Tại Quảng Bình, chỉ có 15 đội viên Đề án 500 được tuyển dụng. Tất cả đều phải trải qua kỳ thi gắt gao do Sở Nội vụ tổ chức dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Nội vụ.
Sau khi trúng tuyển và được cử đi đào tạo, các đội viên được phân công về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, đảm nhiệm các vị trí quan trọng như kế toán, văn hóa - xã hội, địa chính, tư pháp... Trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, họ đã không ngừng nỗ lực đóng góp, giúp các xã miền núi và vùng sâu, vùng xa từng bước phát triển. Nhưng đến khi đề án kết thúc, nhiều người vẫn chưa được tuyển dụng chính thức, không biết tương lai sẽ về đâu.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thế Vương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình, cho biết sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về việc tuyển dụng đội viên vào công chức, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp. Hằng năm, sở cũng có văn bản gửi về các địa phương, đề nghị nếu có nhu cầu tuyển dụng thì ưu tiên các đội viên. Nhưng những năm qua, do thực hiện tinh giản biên chế 10%, chỉ tiêu tuyển dụng không còn, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận đội viên vào hệ thống công chức, viên chức.
Theo ông Vương, UBND tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm và dành chính sách ưu tiên cho đội viên trí thức trẻ. Song, trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng thực sự gặp khó khăn. Sắp tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để xem xét các trường hợp này.
Bình luận (0)