Ngày 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội (QH) khóa XV, các đại biểu (ĐB) QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phát triển đồng bộ đô thị, hạ tầng giao thông
Theo ĐB Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng), quy hoạch đô thị và nông thôn phải được lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng dân cư có liên quan; tuy nhiên, khi lập quy hoạch chung đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thẩm định, trình phê duyệt. Vì vậy, theo ĐB Tân, đối với nội dung các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần quy định theo hướng giảm bớt thủ tục lấy ý kiến rộng rãi, không làm kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch, chậm đưa các dự án vào triển khai thực hiện.
Về vấn đề phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD), ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng nếu phát triển giao thông đi trước sẽ giải quyết được tình trạng phát triển đô thị tràn lan nhưng không có hạ tầng giao thông, dẫn đến không có người ở. "Việc phát triển giao thông đi trước theo mô hình TOD thì khi đô thị phát triển, người dân đến ở ngay, không còn xảy ra tình trạng bỏ hoang; giá trị đất đai tăng lên, khi đó tập trung được nguồn lực cho ngân sách" - ĐB Cường nói. Ông đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở điều 50 dự thảo luât, cần phải chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, phải thực hiện các quy hoạch về hạ tầng đi trước, sau đó mới quy hoạch về đô thị. Việc này, theo ĐB Cường, sẽ tránh được tình trạng đi xin đất để làm đô thị nhưng không có hạ tầng.
Đánh giá cao khi dự thảo luật đã quy định về quy hoạch không gian ngầm tại điều 34, song ĐB Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng chưa có quy định chi tiết về quy trình quản lý, khai thác và quyền lợi, nghĩa vụ các bên đối với không gian ngầm. Vì vậy, ĐB đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định cụ thể về quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm; trong đó lưu ý các vấn đề về cấp phép xây dựng công trình ngầm, cách thức quản lý và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. "Đô thị phát triển mạnh thì không gian ngầm trở thành tài nguyên quý giá. Do vậy, cần quy định cụ thể quyền sở hữu và trách nhiệm của các bên liên quan" - ông Yên nhấn mạnh. ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) kiến nghị ban soạn thảo xem xét đưa khái niệm "siêu đô thị" vào dự thảo luật.
Theo ĐB Huân, hiện nay một số địa phương có thành phố thuộc thành phố, như TP Thủ Đức thuộc TP HCM, sắp tới có thể là TP Thủy Nguyên thuộc TP Hải Phòng. Do đó, cần thiết xem xét đưa khái niệm "siêu đô thị" vào dự thảo luật để bảo đảm về sau, khi các thành phố lớn có thành phố con trực thuộc thì bản thân các thành phố lớn đó sẽ là "siêu đô thị".
Cũng theo vị ĐB đoàn Bình Dương, cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn để ngăn chặn xung đột lợi ích khi tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn từ các doanh nghiệp (DN) tư nhân; tiếp nhận tài trợ lập quy hoạch của các nhà đầu tư tư nhân mà không bị các nhà đầu tư chi phối nội dung quy hoạch.
Công bằng trong hành nghề công chứng
Chiều cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), ĐB Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) thống nhất chọn phương án cho phép văn phòng công chứng (VPCC) được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và DN tư nhân ở những địa bàn khó khăn, nơi cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
Theo ĐB Gia, phương án này giúp mở rộng lựa chọn cho các công chứng viên (CCV) khi thành lập tổ chức hành nghề, tạo điều kiện phát triển dịch vụ công chứng ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc mở VPCC theo mô hình công ty hợp danh gặp nhiều khó khăn.
Quan tâm đến quy định CCV VPCC chỉ được tham gia thành lập VPCC sau 2 năm kể từ ngày không còn là CCV của VPCC, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP HCM) cho rằng cần xem xét thêm, bởi lẽ, các CCV hợp danh của VPCC là chủ DN, doanh thu sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế thì họ được toàn quyền định đoạt. Khi chuyển nhượng phần vốn hoặc bán VPCC, họ đều thu được khoản lợi nhất định, nên có quy định này để hạn chế tình trạng liên tục đầu tư thành lập mới và chuyển nhượng VPCC thu lời như trong thời gian qua.
Còn CCV VPCC là viên chức nhà nước, hưởng lương và thu nhập theo đúng quy định, nguồn thu của các VPCC sử dụng chi cho con người chỉ chiếm 15% - 20%. Khi ra khỏi khu vực công, họ cũng chỉ được hưởng các chế độ theo quy định, không có được khoản lợi như khi các CCV VPCC chuyển nhượng phần vốn hoặc bán VPCC. Do đó, ĐB Hạnh kiến nghị các CCV này cần được bảo đảm quyền được thành lập hoặc tham gia hợp danh mà không giới hạn thời gian 2 năm. "Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, để bảo đảm công bằng chung và sự ổn định của hoạt động công chứng" - ĐB Hạnh nhấn mạnh.
Ngày 26-10, QH thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Miễn nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Quốc hội đối với ông Bùi Văn Cường
Tại kỳ họp thứ 8, QH họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Theo đó, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết số 157/2024/QH15 ngày 25-10 về việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Thư ký QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH và cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV đối với ông Bùi Văn Cường. Ông Bùi Văn Cường thôi giữ các chức vụ Tổng Thư ký QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH; thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV; nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định.
Bình luận (0)