Năm 2024, số vốn đầu tư công mà TP HCM được Thủ tướng Chính phủ giao là 79.263 tỉ đồng, cao hơn 10.000 tỉ đồng so với năm 2023.
Mục tiêu đạt từ 95% trở lên
Ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND TP HCM liên tục có những chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân vốn đầu tư công. Mới nhất, ngày 1-3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ký Quyết định 641, ban hành chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 với mục tiêu đạt từ 95% trở lên.
Nhiệm vụ cụ thể được UBND TP HCM phân công, chỉ đạo đến từng sở, ban, ngành, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện với những khen - phạt rõ ràng.
Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tham mưu xử lý cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định. Cơ quan, đơn vị 2 kỳ liền không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo cáo bị khiển trách; 3 kỳ liền không có báo cáo hoặc 4 kỳ không báo cáo bị cảnh cáo.
Tại nhiều cuộc họp, hội nghị, lãnh đạo TP HCM nhiều lần nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải thực hiện quyết liệt và có hiệu quả ngay đầu năm.
Sở Nội vụ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước thành phố hằng tháng tham mưu, đề xuất về phê bình, khiển trách, kỷ luật đối với tập thể và cá nhân là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc thành phố có tỉ lệ giải ngân thấp. Đồng thời, chủ trì tham mưu đánh giá thi đua theo thang điểm đánh giá, bình xét thi đua năm 2024 trên cơ sở kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Qua đó, đề xuất hình thức khen thưởng đối với tập thể và lãnh đạo có thành tích xuất sắc, trừ điểm thi đua những tập thể có tỉ lệ giải ngân không đạt so với kế hoạch được giao.
Theo tìm hiểu, tại các địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công được tập trung thực hiện quyết liệt những ngày đầu năm - từ lên kế hoạch đến đeo bám, theo dõi đến đôn đốc. Trong đó, tại quận 1, Chánh Văn phòng UBND quận 1 Lê Tiến Sĩ cho biết nhu cầu về vốn để thực hiện 29 dự án trên địa bàn trong năm 2024 hơn 290 tỉ đồng. Hiện tại, quận được giao vốn đầu tư công khoảng 26 tỉ đồng cho 24 dự án. Từ đầu năm, quận đã lên kế hoạch chi tiết việc giải ngân, trong quý I đạt 26%, quý II đạt 83%, quý II - IV đạt 100%.
Đối với dự kiến kế hoạch vốn cả năm được giao hơn 290 tỉ đồng thì quận phấn đấu quý I đạt 10% trở lên, quý II đạt từ 30%, quý III đạt từ 70% trở lên, quý IV đạt từ 95% trở lên. Đơn cử như dự án chỉnh trang vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Trần Hưng Đạo), dự kiến được bố trí 15 tỉ đồng. Quận lên kế hoạch giải ngân quý I là 223 triệu đồng, lũy kế hết quý II là 386 triệu đồng, lũy kế hết quý III là 3,896 tỉ đồng, đến cuối quý IV đạt 15 tỉ đồng.
Kế hoạch cho mỗi tuần
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) là chủ đầu tư của nhiều dự án trọng điểm đang triển khai với tổng số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết nguồn vốn được giao năm 2024 cho Ban Giao thông trên 12.800 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 2.000 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, còn lại là xây lắp.
Mục tiêu đến cuối năm 2024, Ban Giao thông giải ngân 95% tổng số vốn. Để bảo đảm kế hoạch giải ngân từ nay đến cuối năm, Ban Giao thông phân tích tỉ mỉ tổng nguồn vốn như vốn ngân sách, vốn ODA, vốn chi giải phóng mặt bằng, xây lắp… để từ đó cân đối, phân kỳ và sử dụng hiệu quả.
"Đơn cử, nguồn vốn xây lắp năm 2024 chiếm đến 90% với 10.800 tỉ đồng, tập trung vào quý IV/2024 khi khởi công xây dựng nhiều công trình lớn như đường Vành đai 2 đoạn 1 và 2, cầu đường Nguyễn Khoái… Nên ngay từ bây giờ, kế hoạch cho từng quý, từng tháng, từng tuần đã được đưa ra để đôn đốc các đầu việc, đẩy nhanh thủ tục đầu tư, bảo đảm đưa các công trình khởi công đúng tiến độ" - ông Lương Minh Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, phần việc quan trọng nhằm bảo đảm tiến độ khởi công các dự án là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban Giao thông tiếp tục phối hợp các sở ngành, địa phương và TP Thủ Đức giải quyết những vướng mắc trong công tác này cũng như phát huy vai trò của các tổ công tác, ban chỉ đạo các dự án giao thông trọng điểm như đã làm trong thời gian qua.
Giám đốc Ban Giao thông thông tin thêm bên cạnh 2 dự án lớn là xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, đường Vành đai 2 đoạn 1 và 2, năm 2024, Ban Giao thông sẽ khởi công 27 gói thầu, dự án. Song song đó, thi công hoàn thành 38 dự án, gói thầu như xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình); hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); xây dựng cầu Nam Lý (TP Thủ Đức); xây dựng cầu Rạch Đỉa (quận 7 - huyện Nhà Bè); mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân); mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến nút giao thông Mỹ Thuận). Đơn vị đồng thời trình phê duyệt và điều chỉnh với 24 dự án.
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục
Chương trình hành động của UBND TP HCM nhấn mạnh các sở, ban, ngành thành phố nâng cao năng lực, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Từ đó, rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Tránh xảy ra tình trạng phải thực hiện trình, thẩm định nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thực hiện, giải ngân của dự án.
Bình luận (0)