Năm 2023, quỹ đất và quỹ nhà xưởng cho thuê giảm so với năm 2022. Cụ thể, quỹ đất cho thuê được giảm 68%, quỹ nhà xưởng cho thuê giảm 8,5% nhưng thu hút đầu tư tăng 84%. Ngoại trừ các dự án đột biến của Viettel, việc lựa chọn ngành nghề, suất đầu tư trung bình đối với các khu chế xuất và công nghiệp có sự lựa chọn hơn về lĩnh vực, ngành nghề.
Hơn 1 tỉ USD vốn đầu tư
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza), cho biết năm 2023, tổng vốn đầu tư thu hút vào các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM kể cả cấp mới và điều chỉnh vượt mức 1 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2022 (84%). Suất đầu tư (tính trên các dự án mới, tăng vốn có sử dụng đất) là 8,1 triệu USD/ha.
Đóng góp đáng kể vào kết quả thu hút đầu tư năm 2023 của các khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM (KCX-KCN) là dự án của Viettel đầu tư lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin có tổng vốn 624 triệu USD. Đặc biệt, dự án này chỉ sử dụng diện tích rất nhỏ, khoảng 40 ha. Đây là năm đầu tiên các KCX-KCN TP HCM thu hút đầu tư tăng vọt so với con số 480 - 800 triệu USD mỗi năm trong những năm trước. Suất đầu tư cũng tăng vọt từ mức khoảng 5,5 triệu USD/ha trong giai đoạn trước và mức 7,2 triệu USD/ha trong năm 2022 lên 8,1 triệu USD/ha năm 2023.
Nói thêm về con số này, ông Hưng cho biết hiệu quả thu hút đầu tư tăng cao trong điều kiện quỹ đất cho thuê lẫn quỹ nhà xưởng xây sẵn giảm mạnh so với năm 2022 cho thấy sự chắt chiu của ban quản lý trong việc thu hút đầu tư. Bắt đầu có những ngành nghề về Data center, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chế tạo công nghệ cao… vào các KCX-KCN.
Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý Hepza, cho biết tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút trong năm 2023 đạt hơn 222 triệu USD, tăng 13,38% so với năm 2022. Trong đó, cấp mới 16 dự án với vốn đầu tư đăng ký 63,20 triệu USD, giảm 12,89% so với năm 2022. Có 34 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 159,71 triệu USD, tăng 28,75% so với năm 2022.
Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 18.500 tỉ đồng (tương đương 789,35 triệu USD), tăng 123,94% so với năm 2022. Trong đó, cấp mới 46 dự án với vốn đầu tư đăng ký 16.715 tỉ đồng (tương đương 711,58 triệu USD), tăng 150,24% so với năm 2022 (284,35 triệu USD); 20 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 1.815 tỉ đồng (tương đương 77,77 triệu USD), tăng 14,16% so với năm 2022 (68,12 triệu USD). Kế hoạch năm 2024, Hepza đặt chỉ tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư, suất đầu tư bình quân 8,5 triệu USD/ha.
Đẩy mạnh hiệu quả thu hút vốn
Mới đây, Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) đã kiến nghị TP HCM có giải pháp đón nhận dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sớm thực hiện chuyển đổi các KCN, KCN đến hạn và ban hành giá đất KCN, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý, ổn định sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, HUBA kiến nghị thành phố chỉ đạo hỗ trợ vốn, pháp lý, công nghệ cho DN đăng ký chuyển đổi xanh. Cụ thể là giúp DN có nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu giảm phát thải nhà kính, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với hoạt động của các KCX-KCN, TP HCM hiện có 17 trong tổng số 19 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy gần 80%. Theo định hướng, các khu chưa cho thuê đất sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư theo định hướng mới. Với những khu hiện hữu, thành phố sẽ có phương án tài chính hỗ trợ DN đổi mới công nghệ hoặc di dời để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
Trong năm nay, Hepza sẽ hoàn thành Đề án chuyển đổi thí điểm 5 KCX, KCN (Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu) và đôn đốc xây dựng 25.000 m2 nhà xưởng cao tầng. "Theo kế hoạch, thành phố sẽ giữ lại tất cả quỹ đất công nghiệp, chỉ chuyển đổi ngành nghề, không xóa bỏ hay chuyển đổi làm khu dân cư, nhà ở, thương mại" - đại diện Hepza khẳng định.
Theo Ban Quản lý Hepza, năm nay đơn vị sẽ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM tham mưu UBND TP HCM trình HĐND thành phố phê duyệt tiêu chí thu hút đầu tư vào các KCX-KCN, triển khai thực hiện Đề án Định hướng phát triển các KCX, KCN TP HCM giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Song song đó, phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM và một số cơ quan xây dựng các tiêu chí và chính sách hỗ trợ của thành phố để DN đổi mới. Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì giúp DN di dời; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách đào tạo lại lao động…
Về quỹ đất, Thủ tướng chấp thuận bổ sung KCN Phạm Văn Hai I và II quy mô 668 ha vào quy hoạch phát triển các KCN TP HCM. UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai KCN Phạm Văn Hai I và II; Hepza cũng tăng cường tạo quỹ đất thu hút đầu tư thông qua triển khai xây dựng Khu Công nghiệp Phạm Văn Hai 1 và 2, tháo gỡ vướng mắc KCN Lê Minh Xuân 2 để triển khai xây dựng KCN chuyên ngành y - dược, đồng thời phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất…
Gần 22.200 lao động mất việc
Dù kết quả thu hút đầu tư vượt trội nhưng năm 2023, các KCX-KCN TP HCM cũng chứng kiến gần 22.200 người lao động mất việc. Theo giải thích của ban lãnh đạo Hepza, nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, thiếu đơn hàng sản xuất dẫn đến nhiều DN thâm dụng lao động cắt giảm nhân sự. Ngoài ra còn có nguyên nhân tích cực là một số DN đã chủ động thực hiện việc đầu tư cải tiến máy móc, dây chuyền và tối ưu hóa công nghệ nên giảm lượng lao động.
"Hepza đã kịp thời hướng dẫn DN giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động đúng quy định; phối hợp giải quyết các vướng mắc trong quá trình giảm lao động và giới thiệu việc làm cho người lao động" - ông Hưng cho biết.
Bình luận (0)