icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rác thải - thực trạng và giải pháp bền vững (*): Tín hiệu tích cực ban đầu

QUỐC ANH - THU HỒNG

Với quy định mới, TP HCM đang có bước tiến đáng kể trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt

"Các xã viên rất mong chờ vì giá thu gom tăng hơn trước" - ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường Thống Nhất (quận Bình Thạnh), nói về Quyết định 67/2025 mà UBND TP HCM ban hành mới đây.

Hết thời mỗi nơi mỗi kiểu

Quyết định mà ông Sáng nói có nội dung về giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) trên địa bàn TP HCM từ ngày 1-6 nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Trước đó, căn cứ Quyết định 38/2018 và Quyết định 20/2021 của UBND TP HCM, các địa phương của thành phố ban hành và thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất rác thải. Chính vì thế, mỗi nơi ban hành mức giá khác nhau dẫn đến "loạn giá". 

Điều này ít nhiều vấp phải sự so bì của người dân. Ngoài ra, cách thu tiền vận chuyển cũng chưa đồng bộ, có nơi địa phương thu, có nơi người thu gom thu luôn tiền vận chuyển, có nơi lại thu tiền vận chuyển qua app.

Còn theo Quyết định 67/2025, mức giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố chia làm 2 nhóm. 

Nhóm 1 là nhóm đối tượng trả giá dịch vụ theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương. Nhóm này gồm hộ gia đình, cá nhân và các chủ nguồn thải nhỏ; số tiền thu tùy khu vực mà xê dịch từ 76.000 đồng đến 84.000 đồng (cho lượng rác từ 126 kg trở xuống).

Nhóm 2 là nhóm đối tượng phải trả giá dịch vụ trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt. 

Trong đó, khu vực TP Thủ Đức và các quận thì giá dịch vụ thu gom là 486 đồng/kg, giá vận chuyển 180 đồng/kg, giá xử lý 420 đồng/kg. Khu vực huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ có giá lần lượt là 452 đồng/kg, 180 đồng/kg và 420 đồng/kg. Khu vực huyện Củ Chi và Bình Chánh là 452 đồng/kg, 147 đồng/kg và 420 đồng/kg.

Quyết định 67/2025 được đánh giá như bước tiến mới trong công tác ứng xử với rác tại TP HCM khi khắc phục nhiều bất cập trước đó. Theo ông Nguyễn Văn Sáng, so với những quyết định trước đây thì đơn giá rác, tiền thu gom rác tăng hơn nhưng đồng nhất giữa các địa phương.

Linh hoạt

Theo Quyết định 67/2025, trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại rác thải theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND cấp huyện triển khai thống kê khối lượng rác phát sinh sau phân loại trong một khoảng thời gian do các bên tự thỏa thuận làm cơ sở xác định khối lượng rác thu giá dịch vụ.

Khối lượng rác phát sinh sau phân loại được xác định theo một trong nhiều cách thức được quy định. Thứ nhất, cân xác định khối lượng. Thứ hai, thống kê số lượng, loại thể tích thiết bị chứa đựng rác sinh hoạt; áp dụng hệ số quy đổi dung tích thiết bị lưu chứa rác (1 m3 ~ 420 kg) hoặc theo quy định pháp luật hiện hành khác nếu có. Thứ ba, cách thức khác do UBND cấp huyện chủ động áp dụng phù hợp với địa phương.

Việc thu tiền cũng linh hoạt, trong đó đối với hộ gia đình, cá nhân và các chủ nguồn thải nhỏ chọn hình thức quản lý như hộ gia đình, cá nhân thì UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tế lựa chọn triển khai một trong nhiều phương thức thu giá dịch vụ. Cụ thể như thu qua hóa đơn tiền điện, nước, qua phần mềm ứng dụng hoặc các hình thức khác do UBND cấp huyện đề xuất UBND TP HCM xem xét, chỉ đạo.

Rác thải - thực trạng và giải pháp bền vững (*): Tín hiệu tích cực ban đầu- Ảnh 1.

Quy định mới của UBND TP HCM giúp mang lại công bằng, minh bạch hơn trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Ảnh: THU HỒNG

Quyết định 67/2025 cũng quy định phương thức thu giá đối với trường hợp thu gom rác thải trên địa bàn này đến điểm tập kết hoặc trung chuyển trên địa bàn cấp huyện khác.

Toàn bộ giá cụ thể dịch vụ vận chuyển, xử lý rác thải thu từ chủ nguồn thải, hộ gia đình, cá nhân được thu và nộp về ngân sách của UBND cấp huyện và sử dụng để bù đắp một phần cho ngân sách nhà nước chi cho công tác cung ứng dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. 

Ngân sách nhà nước chi trả cho chủ vận chuyển, chủ xử lý rác thải theo hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chủ vận chuyển, chủ xử lý rác thải.

Bà Lê Ngọc Hương (TP Thủ Đức) cho rằng mức giá tăng hơn trước một chút cũng chấp nhận được. Điều quan trọng là các khâu tổ chức thu gom đúng giờ giấc, không có tình trạng thỉnh thoảng lại "quên" lấy rác gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

Không để gián đoạn

Ở khía cạnh địa phương, đại diện Phòng Giao thông Công chánh TP Thủ Đức thông tin đang nghiên cứu, hướng dẫn triển khai Quyết định 67/2025 đến người dân, đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải. 

Vị đại diện cho hay 34 phường, các đơn vị thu gom và người dân cũng mong ngóng sự điều chỉnh, hướng dẫn của TP Thủ Đức sau khi có Quyết định 67/2025. Trên cơ sở nghiên cứu, TP Thủ Đức sẽ có đề xuất phương án phù hợp trong trường hợp phải xin ý kiến của UBND TP HCM.

Tại quận Gò Vấp, ông Ngô Toại Chương, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, xác nhận địa phương đang triển khai Quyết định 67/2025. Theo ông, hiện nay người dân chưa phân loại rác tại nguồn nên giá thu gom sẽ áp dụng theo mức trung bình hộ phát sinh hằng tháng, không cân rác tính tiền. 

Khi nào việc phân loại rác tại nguồn thực hiện, việc cân rác sẽ chính xác và công bằng hơn. "Hộ dân hoặc nhóm phát thải lớn nếu muốn cân ký tính tiền, người thu gom sẽ thực hiện nhằm bảo đảm tính minh bạch…" - ông Chương nói.

Liên quan tới các gói thầu thu gom, vận chuyển và vận hành các trạm trung chuyển rác thải hết thời hạn từ tháng 4-2024 trở về sau, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận chủ trương gia hạn. 

Sở này cũng kiến nghị giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát quy định pháp luật và điều kiện thực tế tại địa phương để gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu trên địa bàn và chưa thực hiện điều chỉnh khối lượng gói thầu cho đến khi UBND cấp xã sau khi sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương (theo mô hình 2 cấp) tiếp nhận, quản lý công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn.

Việc này nhằm bảo đảm công tác thu gom chất thải vệ sinh môi trường không bị gián đoạn trong quá trình chuyển giao, sắp xếp lại chức năng các cơ quan ở cấp huyện và cấp cơ sở.

Coi rác như nguồn tài nguyên

Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình khoảng 13.000 tấn/ngày.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho hay dự kiến đến năm 2030, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh đến 16.000 tấn/ngày và năm 2040 là hơn 19.000 tấn/ngày. Theo ông, rác sinh hoạt phát sinh ở thành phố càng ngày càng tăng không chỉ phản ánh quy mô phát triển kinh tế - xã hội mà còn đặt ra đòi hỏi cấp bách về chuyển đổi mô hình quản lý, từ xử lý rác truyền thống sang khai thác rác thải như một nguồn tài nguyên quý giá.

Đến nay, TP HCM khởi công 2 dự án nhà máy đốt rác phát điện với tổng công suất hơn 4.000 tấn rác/ngày.

Đôi bên cùng vui

Nói về việc có cân rác tính tiền hộ dân hay không, ông Nguyễn Văn Sáng cho rằng các quyết định trước đây ban hành đơn giá rác vẫn tính rác theo khối lượng (mức 364 đồng/kg) nhưng khi triển khai thì người thu gom thỏa thuận với các hộ dân, áp mức trung bình dưới 126 kg/hộ/tháng và nhân với 364 đồng/kg. Người dân không ai phàn nàn, chỉ khi nào nhà họ có đám tiệc, rác phát sinh nhiều thì hai bên thỏa thuận trả thêm chút đỉnh tiền cho số rác đó.

Rác thải - thực trạng và giải pháp bền vững (*): Tín hiệu tích cực ban đầu- Ảnh 2.

Dự án đốt rác phát điện Vietstar tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc được khởi công hồi tháng 3-2025. Ảnh: QUỐC ANH

Với các nhà hàng, quán ăn, nhà xưởng... có số lượng rác thải sinh hoạt lớn, theo ông Sáng, cũng dựa trên số rác trung bình nhân với số giá dịch vụ, hai bên thỏa thuận giá rác hằng tháng, không phải cân mỗi ngày.

"Tinh thần Quyết định 67 vẫn vậy, chỉ có mức giá thu gom sẽ tăng. Trường hợp hộ nào không đồng ý mức trung bình, người thu gom sẽ cân rác tính tiền. Việc cân rác không khó với người thu gom vì chỉ cần cân vài ba ngày, xác định mức trung bình rồi tính tiền. Hai bên đều vui vẻ" - ông Sáng nói.

Tương tự, các HTX Môi trường Bình Tân, HTX Môi trường quận 6 đều cho biết tiền rác của các hộ dân sẽ được thỏa thuận dựa trên mức trung bình rác hằng tháng, trường hợp nào phát sinh nhiều rác do buôn bán hoặc muốn cân tính tiền thì người thu gom sẽ cân.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo