Ngoài hàng tồn, hàng hết size được các nhãn hàng, cửa hàng thời trang chạy đua khuyến mãi thì vẫn có không ít hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng bị lỗi của các cơ sở nhỏ lẻ được “thổi giá” lên cao rồi giảm khủng qua mặt người tiêu dùng. Không ít trong đó còn lẫn lộn với hàng kém chất lượng.
Sale lớn, doanh số không cao
Thấy có nhiều cửa hàng trên một đoạn đường ngắn gắn những tấm biển giảm giá lên tới 50%, chị Tuyết Nhung (đường Trần Cao Vân, Q.1, TP.HCM) tò mò liền tấp vào tìm hiểu. Các cửa hàng như Việt Thy, Nem hay Blues cùng nhau ưu đãi lên tới 50% các mặt hàng cho người tiêu dùng.
Không phải hàng nào cũng khuyến mãi
Theo giới kinh doanh, không phải mặt hàng nào cũng có thể giảm giá. Bà Nguyễn Hồng Mai - chủ một cơ sở may ở Q.Bình Tân - cho biết thường các đợt giảm giá bà phải tính toán rất kỹ số lượng, mức giảm để đảm bảo chương trình kết hợp với nhà bán lẻ không bị ế và lỗ. “Nhưng không phải cứ đông khách là thắng lớn! Vì khách đông nên sẽ có tâm lý xem nhiều hơn mua, chưa kể khó kiểm soát được cửa hàng, dễ mất cắp” - chị Thanh Thanh, chủ cửa hàng thời trang trẻ em trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) - nói.
Cũng theo chị Thanh, các chương trình khuyến mãi những năm gần đây kém sôi động hơn bởi người mua hàng thận trọng hơn trước các “chiêu” của người bán. Chưa kể một bộ phận người chuyển qua mua hàng online, họ không đến cửa hàng nữa. Vì vậy, hiện nay hầu hết cửa hàng thời trang sống được là nhờ nguồn khách này chứ không phải nhờ các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Mới hơn 10g sáng, tại cửa hàng Việt Thy đã có hơn 10 khách hàng tấp vào mua sắm. “Ngày nghỉ tranh thủ đưa hai đứa nhỏ đi chơi, thấy giảm giá lớn nên muốn vô coi có món gì mua được không” - chị Nhung cho biết.
Quần áo ở đây có giá dao động từ 200.000-400.000 đồng/sản phẩm, sau khi giảm 50% tất cả mặt hàng thì mức giá là tương đối rẻ so với thị trường. Với mức 200.000 đồng cho một quần jean nam khá hấp dẫn.
Ngay liền kề cửa hàng thời trang Việt Thy, cửa hàng Nem và Blues cũng đồng loạt giảm giá cho rất nhiều mặt hàng với mức 50%. Đến đầu giờ chiều, lượng người đi mua sắm đông đúc hơn nhiều lần so với ngày thường, chủ yếu do người đi mua sắm “săn” hàng rẻ.
Tương tự, cửa hàng thời trang Couple TX (đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7) cũng tranh thủ mùa Noel và năm mới tung ra khuyến mãi lên tới 50%. “Bình thường mở cửa từ sáng đến tầm 11g mới có khách, nhưng chạy khuyến mãi thì khách đến vô chừng, có lúc đông bất ngờ không đoán được” - anh Minh Tân, cửa hàng trưởng, cho biết.
Theo anh Tân, từ khoảng giữa tháng 12, cửa hàng của anh đã liên tục tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người tiêu dùng với mức giảm giá từ 30-50%: “Mục tiêu của các chương trình khuyến mãi lớn chủ yếu là nhằm kéo khách đến mua chứ không phải kéo doanh số”.
Trong tình hình sức mua khá buồn tẻ, các đơn vị thời trang phải nghĩ ra nhiều “chiêu” để dụ khách hơn, dù có thể phải chấp nhận lỗ hoặc lời ít. Anh Tân cho hay nếu như trước khi chạy khuyến mãi, lượng hàng bán ra khoảng 15-20 sản phẩm/ngày thì vào đợt cao điểm khuyến mãi bán được khoảng 50-60 sản phẩm/ngày, tuy nhiên với mức giá giảm mạnh thì lợi nhuận lại không được bao nhiêu.
Phía sau các đợt giảm giá
Chị Thủy Ngọc, chủ cửa hàng thời trang T&N, đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), cho hay mặt hàng giảm giá thường gặp nhất là quần áo và các phụ kiện thời trang. Những món hàng được giảm giá thường là tồn kho từ những đợt nhập hàng trước. Tuy nhiên, nếu biết chọn và có chút kiên nhẫn, người mua vẫn có thể tìm được những món hời trong đợt giảm giá này.
Điều dễ thấy nhất là các chương trình giảm giá này chỉ nhằm đẩy được hàng lẻ size (hàng size quá cỡ, quá lớn hoặc quá nhỏ) và hàng tồn kho ra được thị trường. Với mức khuyến mãi bình quân 30-50%, tại cửa hàng của chị mỗi ngày bán được khoảng 40-60 sản phẩm, 1/3 trong số này là bán hàng khuyến mãi.
“Trước bán được tầm 5-7 triệu đồng/ngày, chạy khuyến mãi có nhỉnh hơn chút ít nhưng coi như không lời, chủ yếu là đẩy được hàng tồn, còn nhập hàng mới về bán tết tới” - chị Ngọc nói.
Nhân viên cửa hàng thời trang Couple TX trên đường Hai Bà Trưng (Q.3), nơi đang treo khuyến mãi giảm giá 50% một loạt mặt hàng, cho biết cuối năm phía công ty tung ra một loạt dòng sản phẩm mới nên từ giờ đến cuối năm các hệ thống cửa hàng liên tục thực hiện khuyến mãi, giảm giá.
Theo nhân viên này, việc một dòng sản phẩm không đủ size là khó tránh khỏi vì hết hàng. Đặc biệt với những dòng sản phẩm có mức giá trên dưới 200.000 đồng/cặp. Do đó, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhân viên phải thường xuyên liên lạc với các cửa hàng trong hệ thống để bổ sung khi cần.
Nhiều bộ áo thun giảm giá khá mạnh còn khoảng 145.000-202.000 đồng/cặp, tuy nhiên không phải khách nào cũng có thể chọn được sản phẩm ưng ý vì hết size.
Theo “bật mí” của anh Thành Văn - một tiểu thương thường xuyên lấy hàng chợ Bình Tây (Q.6) với nhóm hàng thời trang, cửa hàng giảm giá thấp nhất 20% hay tới 80% vẫn có lời. Trong các nhóm hàng, các loại áo quần, thời trang phụ kiện dễ thu hồi vốn, dễ lời vì khó định giá nhất.
“Tôi hay lấy hàng ở chợ này, phần lớn là hàng Trung Quốc, lấy nguyên dây (sỉ) nên giá rất tốt. Sau đó chọn hàng tuyển, đưa về shop có thể bán lời gấp 3-4 lần so với giá gốc, hàng thường thì chỉ cần lời gấp đôi là được.
Chẳng hạn một chiếc đầm nữ giá gốc 120.000 đồng, nhưng khi vào shop có thể lên đến 250.000-350.000 đồng tùy màu, kiểu. Nếu đúng lúc mốt được ưa thích, giá 500.000 đồng vẫn có người mua. Trong cùng một kiểu áo, những màu bán chạy cũng sẽ có giá cao hơn màu khác từ vài chục ngàn đồng” - anh Văn nói.
Tại “khu phố thời trang” đường Hai Bà Trưng, hầu hết cửa hàng từ quần áo, khăn len, giày dép... đều tưng bừng treo biển giảm giá mạnh từ 50-70%. Theo khảo sát, với mức giảm giá này, đa số sản phẩm có số lượng cũng như mẫu mã hạn chế.
Với các dòng sản phẩm mới, mức giảm chủ yếu dao động 10-20%. Hầu hết chủ cửa hàng cho biết chương trình khuyến mãi, giảm giá được thực hiện theo quy luật “đến hẹn lại lên” vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, sức mua chưa tăng đột biến do người tiêu dùng vẫn còn tâm lý chờ đợi những đợt giảm giá tiếp theo.
Bà Nguyễn Hồng Mai, chủ một cơ sở may ở Q.Bình Tân, cho biết những đợt giảm giá cuối năm đã quá quen thuộc với các nhà kinh doanh thời trang. Là nhà cung cấp cho nhiều hệ thống siêu thị, cứ đến hẹn siêu thị bắt buộc nhà cung cấp phải thực hiện khuyến mãi vì đây là nhóm hàng có phần trăm lợi nhuận cao hơn những ngành hàng khác.
“Hàng thời trang có đặc thù chỉ cần bán nửa số lượng sản xuất là đã có thể yên tâm, nên phần còn lại có giảm giá sâu cơ sở vẫn chịu đựng được” - bà Mai nói. Có lẽ vì vậy, tại các siêu thị bên cạnh hàng thiết yếu như bột giặt, sữa tắm... thì mặt hàng thời trang luôn có mặt trong các catalogue của các siêu thị.
Mặc dù không treo biển giảm giá nhưng sạp hàng túi xách thời trang của anh Lân khá nhộn nhịp khách tham quan mua hàng. Chỉ là gian hàng “xe đẩy” với bốn kệ hàng bày ngay vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, nhưng anh Lân khẳng định có đủ loại dòng sản phẩm, mẫu mã cập nhật mới nhất.
“Tôi bán hàng tại đây hơn năm năm rồi nên không cần treo biển giảm giá để câu khách làm gì. Khách hàng nhìn sản phẩm, so giá là biết ngay thôi. Mấy năm nay, kinh tế khó khăn, khách cũng kén lắm. Mình giảm giá “ảo” chỉ làm mất thời gian, tạo tâm lý khó chịu cho họ, lâu dần mất khách” - anh Lân thẳng thắn chia sẻ.
Hà Nội: thị trường thời trang ế ẩm
Chỉ còn vài ngày nữa là đón năm mới 2015, các cửa hàng thời trang quần áo, giày dép, túi xách ở thủ đô... ra sức thanh lý giảm giá nhưng vẫn rất vắng khách mua. Hơn 11g sáng thứ bảy 27-12, dạo quanh nhiều cửa hàng quần áo trên phố Đội Cấn, Trần Hưng Đạo, Kim Mã, Chùa Bộc... chỉ thấy lác đác khách đến xem.
Trên phố Thái Hà, nhiều cửa hàng thời trang xuất khẩu treo biển thanh lý, xả hàng một loạt áo khoác siêu nhẹ, áo phao, váy dạ... gắn mác hàng VN xuất khẩu có giá chỉ 180.000 - 250.000 đồng/chiếc.
Còn trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào - nơi được xem là chuyên bán quần áo ở Hà Nội - thì có nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng ở đây cho biết phần lớn hàng được bán buôn cho đầu mối các tỉnh phía Bắc, còn bán lẻ thì rất ít.
Tại một số trung tâm thương mại, hầu hết gian hàng đều treo bảng giảm giá từ 10-30%, thậm chí có sản phẩm còn giảm 50% nhưng vẫn vắng khách mua. Chị Huệ, chủ cửa hàng quần áo đầu phố Thái Hà, cho biết dù đã giảm giá mạnh để giải phóng hàng tồn nhưng vẫn rất ế ẩm.
“Doanh thu bán hàng còn thấp hơn cả tiền thuê mặt bằng. Có lẽ đến năm sau tôi sẽ chuyển sang kinh doanh hàng ăn uống, chứ bám theo hàng thời trang này chẳng kiếm sống nổi” - chị Huệ nói.
L.THANH
Cần Thơ: sức mua kém
Ghi nhận vào ngày 27-12 cho thấy rất nhiều tiểu thương mua bán tại các chợ trung tâm TP Cần Thơ vẫn chưa chuẩn bị hàng dự trữ tết vì đến thời điểm này sức mua vẫn còn rất èo uột.
Bà Trần Thị Mai Thu, một chủ cửa hàng chuyên bán đường, đậu lâu năm trên đường Võ Văn Tần (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết mỗi ngày bán không được 200 kg đường, trong khi thời điểm này năm ngoái bán hơn gấp đôi.
Chị Lê Thị Thủy Tiên, chủ cửa hàng bán quần áo trẻ em trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cho biết hiện nay các sản phẩm đều tăng từ 10-15%, giá khá cao nên nhiều bà mẹ vẫn đắn đo khi chọn mua.
“Thời điểm này năm vừa rồi không đủ hàng để bán nên năm nay tui nhập về rất nhiều nhưng giờ chưa bán được bao nhiêu” - chị Tiên than.
Trong khi đó bà La Ngọc Trương, phó giám đốc siêu thị Co.op Mart Cần Thơ, cho biết mặc dù đã có chương trình giảm giá nhiều mặt hàng dịp Tết dương lịch nhưng sức mua không nhiều. Hiện nay siêu thị đã bắt đầu dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ dùng trang trí... đồng thời cam kết bình ổn giá để phục vụ người mua.
“Sức mua hiện nay tại TP Cần Thơ vẫn chưa nóng, dự báo thị trường năm nay sẽ không sôi động như mọi năm”.
T.TRANG
Bình luận (0)