Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp và nhà phân phối đang tăng cường "lá chắn" kiểm soát đầu vào để giữ vững chất lượng và lòng tin người tiêu dùng.
Tuy nhiên, những đối tượng làm hàng giả đang ngày càng tinh vi và len lỏi vào cả những lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, có giá trị thương hiệu lớn. Không ít doanh nghiệp chân chính đang phải gồng mình chống chọi với những chiêu thức làm giả, làm nhái tinh vi – thậm chí có tính pháp lý và hệ thống.
Hàng giả tấn công từ nhiều phía
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Hãng luật TAT, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh, nêu thực trạng: Hàng giả hiện nay không chỉ là sản phẩm nhái về hình thức, mà còn là sự giả mạo tinh vi từ quyền sở hữu trí tuệ, thông tin doanh nghiệp và cả chiến thuật pháp lý. Có những trường hợp doanh nghiệp thật bị kiện ngược vì đối tượng làm giả đã đăng ký nhãn hiệu trước đó.

Người tiêu dùng đang tìm hiểu thông tin sản phẩm
"Sự tổn hại không chỉ dừng ở pháp lý. Với các chiêu thức tung tin giả, cắt ghép video, lập tài khoản mạo danh trên mạng xã hội… các đối tượng có thể "đánh úp" uy tín của doanh nghiệp trong thời gian rất ngắn" – ông Tú nói thêm.
Thực tế tại Công ty TNHH Niterra Việt Nam cũng cho thấy mức độ thiệt hại nặng nề của nạn hàng giả. Sản phẩm bugi NGK do công ty phân phối bị làm giả đến mức người tiêu dùng khó phân biệt bằng mắt thường. "Điều nguy hiểm là nếu người tiêu dùng sử dụng bugi giả trong ôtô hay xe máy di chuyển đường dài, nguy cơ hư hỏng hoặc tai nạn là rất lớn" – ông Trần Thanh Kha, Giám đốc Niterra Việt Nam, cảnh báo.
Có thể nói, nạn hàng giả đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều doanh nghiệp khi gây thiệt hại nghiêm trọng cả về doanh thu lẫn uy tín thương hiệu. Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Colgate từng ghi nhận hơn 30% sản phẩm kem đánh răng bị làm nhái tinh vi, ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng. Tương tự, Công ty mỹ phẩm Sài Gòn từng phản ánh hàng nhái không chỉ xuất hiện ở chợ mà còn len lỏi vào cả siêu thị cao cấp, khiến doanh nghiệp mất khách hàng và giảm doanh số. Các sản phẩm cà phê nguyên chất, phân bón, thời trang cao cấp cũng liên tục bị nhái, khiến doanh nghiệp phải đầu tư lớn để kiểm soát, truy quét và bảo vệ thị phần. Những thiệt hại này cho thấy hàng giả không chỉ đánh vào túi tiền người tiêu dùng mà còn làm lung lay nền tảng phát triển của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Siết đầu vào để bảo vệ người tiêu dùng
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái len lỏi từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, nhiều hệ thống phân phối và doanh nghiệp sản xuất đã chủ động tăng cường biện pháp kiểm soát nội bộ, ngăn chặn rủi ro từ gốc.
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (SATRA) là một trong những đơn vị bán lẻ có hệ thống kiểm tra chất lượng đầu vào chặt chẽ bậc nhất hiện nay. Ông Vũ Dương Quân, Trưởng ban quản lý hệ thống bán lẻ SATRA, cho hay tất cả hàng hóa muốn vào hệ thống SATRA đều phải cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý, chứng nhận chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các tiêu chí đánh giá đối tác được xây dựng thành hệ thống gồm 5 nhóm: tài chính, chất lượng, quản lý, dịch vụ và truyền thông, chỉ chọn các nhà cung cấp đạt từ 60% trở lên.

An tâm mua sắm tại hệ thống siêu thị SATRA
SATRA cũng thường xuyên lấy mẫu định kỳ và kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm đang bán tại hệ thống siêu thị. Đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống hoặc có nguy cơ cao như thịt, trứng, rau củ, sản phẩm chế biến… việc kiểm nghiệm theo quý là yêu cầu bắt buộc. Đồng thời, SATRA áp dụng công nghệ số để quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc và lưu trữ hồ sơ nhằm bảo đảm minh bạch, kiểm soát chặt từng khâu.
Không chỉ ở khâu phân phối, ngay từ sản xuất, các doanh nghiệp như Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) cũng đã chủ động xây dựng mô hình kiểm soát khép kín "từ trang trại đến bàn ăn" nhằm bảo đảm sản phẩm an toàn và giữ vững niềm tin người tiêu dùng.

Thịt heo VISSAN cung cấp cho thị trường đều được chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP
Toàn bộ heo VISSAN cung cấp cho thị trường đều được chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc và quản lý thông tin bằng công nghệ TE-FOOD. Quy trình giết mổ được thực hiện trên dây chuyền công nghiệp hiện đại. Sau giết mổ, thịt được pha lóc, đóng khay, dán tem truy xuất và bảo quản lạnh tại điểm bán. Vissan hiện đang áp dụng các tiêu chuẩn quản lý quốc tế như ISO 9001:2015, HACCP, ISO 22000 và ESCAS, kết hợp với hệ thống kiểm tra chất lượng định kỳ để phát hiện sớm rủi ro và nâng cao hiệu quả quản trị… Do được kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu đầu vào, Vissan từng bước loại trừ hàng kém chất lượng, góp phần giữ vững uy tín thương hiệu và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, mỗi năm Vissan đang cung ứng gần 10.000 tấn thịt với chất lượng ổn định và giá cả hợp lý ra thị trường.
Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, thông tin giả có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và bất cứ đâu, việc kiểm soát nghiêm ngặt từ đầu vào đến đầu ra là một trong những chiến lược sống còn. Bài học từ SATRA và Vissan cho thấy, chỉ khi doanh nghiệp chủ động thiết lập quy trình nội bộ vững chắc, lựa chọn đối tác uy tín và thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm thì mới có thể bảo vệ được thương hiệu, người tiêu dùng và sự phát triển bền vững trên thị trường.
Bình luận (0)