Chiều 19-11, chạy xe máy vào nhiều con hẻm trên đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức), phóng viên đi chậm nhưng đôi lúc vẫn phải dừng do đường quanh co hoặc phải tránh phương tiện hướng ngược lại bởi lối đi hẹp.
Rủi ro
Bà Nguyễn Thị Minh (64 tuổi), chủ một nhà trọ với 12 căn phòng trong hẻm chỉ rộng hơn 2 m, cho hay không gian di chuyển đã thiếu còn thường xuyên bị một số hộ dân đặt chậu cây, xe máy. "Nếu xảy ra sự cố, đặc biệt là rủi ro cháy nổ thì rất nguy hiểm vì không biết chạy đi đâu và lực lượng bên ngoài cũng khó tiếp cận để xử lý" - bà Minh nhận xét.
Cũng theo bà Minh, nếu đối chiếu với Quyết định 101/2024 của TP HCM, trong đó có điều kiện cấp phép xây dựng căn hộ cho thuê thì nơi kinh doanh của bà không đáp ứng được.
Theo tìm hiểu, nội dung bà Minh đề cập là quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân trên địa bàn TP HCM - nhằm triển khai cụ thể nội dung về điều kiện đường giao thông khi xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên và quy mô dưới 20 căn hộ theo điều 57 Luật Nhà ở 2023.
Theo đó, xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để cho thuê (chung cư mini) thì đường giao thông sử dụng để phương tiện chữa cháy tiếp cận thực hiện nhiệm vụ chữa cháy phải có chiều rộng mặt đường thông thủy tối thiểu 3,5 m. Chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 4,5 m, đồng thời, bảo đảm thông thoáng tại mọi thời điểm
Kết cấu mặt đường phải chịu được tải trọng của chủng loại phương tiện chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ... Các tiêu chuẩn nhằm bảo đảm đường giao thông phục vụ chữa cháy lưu thông thông suốt, an toàn và phải tiếp cận được vị trí nhà ở.
Cần linh hoạt
Nói về Quyết định 101/2024, KTS Trương Nam Thuận (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh) cho rằng TP HCM có nhiều khu vực nhà ở lâu đời với hẻm nhỏ hẹp, đặc biệt tại những quận trung tâm như 1, 3, 4 hay quận 5, quận 8...
Tại Quyết định 101/2024, UBND TP HCM giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra theo định kỳ, xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức, cơ quan về thực hiện quy định.
UBND quận, huyện và TP Thủ Đức được yêu cầu thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm quy định tại quyết định này.
Những con hẻm này thường chỉ rộng khoảng 2-3 m, không đạt được chiều rộng mặt đường thông thủy tối thiểu 3,5 m theo quy định. Điều này khiến xe chữa cháy khó tiếp cận trực tiếp, gây trở ngại công tác triển khai cứu hộ.
Quy định về đường giao thông phục vụ chữa cháy đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn PCCC, nhất là địa bàn như TP HCM. Quy định hiện tại mang lại nhiều lợi ích nhưng khi áp dụng vào thực tế ở TP HCM, đặc biệt ở các khu vực hạ tầng chật hẹp và không đồng bộ thì dường như chưa hẳn phù hợp.
Để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, các cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh linh hoạt, kết hợp giữa việc nâng cấp hạ tầng với các giải pháp công nghệ và quản lý sáng tạo. Đồng thời, sự tham gia của cộng đồng và các nhà đầu tư là yếu tố quyết định để cải thiện hệ thống PCCC tại đô thị lớn như TP HCM.
Thay vì áp dụng một tiêu chuẩn chung cho mọi khu vực, cần xây dựng các tiêu chuẩn linh hoạt dựa trên đặc điểm thực tế của từng loại hình đô thị. Ví dụ khu vực hẻm nhỏ thì cho phép sử dụng xe chữa cháy mini hoặc triển khai các thiết bị chữa cháy cơ động như vòi chữa cháy di động, hệ thống chữa cháy tự động.
"Khu vực quy hoạch mới thì áp dụng chặt chẽ các tiêu chuẩn hiện hành để bảo đảm hạ tầng đồng bộ ngay từ đầu. Bên cạnh đó, nên tăng cường xây dựng hệ thống trụ nước chữa cháy tại các khu vực đông dân cư, đặc biệt là nơi xe chữa cháy khó tiếp cận" - KTS Trương Nam Thuận nêu ý kiến và diễn giải thêm hệ thống này cho phép lính cứu hỏa sử dụng vòi dài để chữa cháy từ xa.
Đưa 60.500 công trình vào khuôn khổ
Liên quan đến công tác PCCC, Sở Xây dựng TP HCM vừa trình UBND TP HCM dự thảo đề cương đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP HCM.
Theo đề cương đề án, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án này. Sở Xây dựng đề xuất Công an TP chủ trì phối hợp tham mưu UBND TP HCM ban hành "quy định tối thiểu" theo kết quả nghiên cứu của đề án; chọn thí điểm 3 khu vực có đông nhà trọ nhất để UBND quận, huyện liên quan triển khai, phân loại tiêu chí nhà trọ an toàn, thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước.
Mục tiêu của đề án là tập trung nghiên cứu giải pháp đưa 60.500 công trình nhà ở trọ tư nhân, hơn 560.000 phòng với gần 1,5 triệu người đang thuê ở hiện nay vào khuôn khổ để quản lý, kiểm soát. Đưa vào quản lý các hoạt động kinh doanh nhà trọ, phòng trọ mà quy định về quản lý nhà nước liên quan an toàn PCCC còn để trống hoặc cập nhật chưa đầy đủ.
Trong đó, đề xuất sơ bộ là xây dựng tiêu chí diện tích tối thiểu (tạm thời là 5 m2/người) để có giới hạn số lượng người/phòng; giới hạn số lượng phòng trong mỗi công trình nhà trọ. Hẻm xây dựng nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ phải có chiều rộng tối thiểu là 3-4 m và cách mặt đường chính không quá 100 m. Mọi phòng trong nhà phải bảo đảm có hành lang dẫn ra lối thoát nạn...
Sở Xây dựng đề xuất UBND TP HCM chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng app mobile nhà trọ an toàn. Cạnh đó, hỗ trợ, cập nhật dữ liệu thường xuyên; hỗ trợ những nhà trọ đạt tiêu chuẩn, hỗ trợ kết nối, liên kết giữa chủ kinh doanh và người thuê trọ.
Sở Xây dựng dự kiến lấy ý kiến đóng góp và hoàn thiện đề án trình UBND TP HCM trong tháng 11-2024.
Thực tiễn đầy thử thách
Trên địa bàn TP HCM nhiều nhà ở riêng lẻ ngăn phòng cho thuê, gắn mác "chung cư mini" được chính quyền địa phương đánh giá là "quả bom nổ chậm" vì "nén" nhiều người nhưng không bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và phòng cháy chữa cháy. Nhiều căn hộ có diện tích nhỏ được xây dựng thêm gác để tăng diện tích sử dụng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người lao động. Thậm chí, nhiều căn hộ cho thuê hàng chục phòng nhưng nằm trong những con đường nhỏ, đi qua khu chợ đông đúc, gây khó khăn công tác phòng cháy chữa cháy.
Sở Xây dựng TP HCM thông tin kết quả khảo sát gần đây cho thấy khoảng 12.800 công trình không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động. Trong đó, 4.600 công trình chưa đáp ứng các tiêu chí về sàn bình quân tối thiểu và 8.200 công trình chưa đáp ứng tiêu chí phòng cháy chữa cháy, cần thực hiện chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn quy định tối thiểu và an toàn phòng cháy chữa cháy để tiếp tục hoạt động.
Bình luận (0)