Trước đề nghị bồi thường, họ bàng hoàng nhận ra không số tiền nào có thể đong đếm được giá trị của một sinh mạng.
Phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Dung (40 tuổi) cùng người chồng không hôn thú diễn ra vào ngày 29-11. Dung xuất hiện trong bộ quần áo ở nhà tạm giam, mái tóc bạc sớm hơn tuổi tạo nên vẻ ngoài khắc khổ, như thể thời gian đã cướp mất tuổi xuân của người phụ nữ này. Tuy nhiên, vẻ ngoài ấy chẳng thể làm giảm đi sự căm phẫn của dư luận với tội ác man rợ mà người phụ nữ này gây ra.
Lòng tham dẫn lối bi kịch
Dung từng là "bạn hàng" thân thiết của gia đình nạn nhân - chị T. (chủ sạp rau củ tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP HCM). Tuy nhiên, mối quan hệ này dần rạn nứt do những xích mích trong việc mua bán.
Là khách quen, Dung thường xuyên ghé sạp hàng, lựa chọn tỉ mỉ từng bó rau, quả dưa. Sự kỹ lưỡng quá mức đó khiến chị T. không hài lòng, dẫn đến những cuộc tranh cãi. Sau một lần cãi vã gay gắt, Dung không mua hàng của chị T. nữa. Dù vậy, mẹ chị T. vẫn cố hàn gắn, thi thoảng vẫy Dung vào sạp hàng để hỏi han, hy vọng bỏ qua những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Thế nhưng, những thiện chí ấy không đủ để ngăn chặn bi kịch sau này.
Sáng 30-9-2023, Dung bắt đầu ngày mới như thường lệ. Với vẻ ngoài khắc khổ, Dung rong ruổi trên chiếc xe máy chở rau củ từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức về bán. Nhưng ít ai ngờ đằng sau nụ cười xã giao và những hành động tưởng chừng bình thường là một kế hoạch tàn nhẫn âm thầm hình thành trong đầu. Khi Dung ghé qua gian hàng của chị T. vào khoảng 8 giờ cùng ngày, ánh mắt nhanh chóng dừng lại ở những chiếc vòng vàng lấp lánh trên tay chị T. Lòng tham trỗi dậy và một kế hoạch giết người để chiếm đoạt tài sản đã được Dung âm thầm vạch ra.
Trưa cùng ngày, Dung dụ chị T. chở mình ra bãi container vắng người, tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Sau đó, kẻ thủ ác dùng cây kìm chuẩn bị sẵn, cắt lấy bộ vòng vàng trên tay chị T. rồi lái xe trở về phòng trọ.
Thấy quần áo của Dung dính máu, chồng Dung là Nguyễn Sơn hỏi và nhận được câu trả lời: "Đâm con nhỏ ở chợ, không biết sống chết ra sao". Dù trách móc vợ: "Sao lại làm như vậy, rồi con cái ai nuôi?" nhưng Sơn vẫn tiếp tay, mang quần áo dính máu của Dung đi đốt, còn Dung đem số vàng cướp được đi bán.
Khi bị thẩm vấn, Dung run rẩy, không dám đối diện với đoạn clip ghi lại tội ác của mình, chỉ ấp úng: "Bị cáo sợ lắm, không dám xem". Còn tại phiên tòa, đối diện với HĐXX, đối diện với người nhà nạn nhân, Dung biện minh cho hành động tàn bạo của mình bằng lý do thiếu thốn, nợ nần và bị giang hồ "dí".
Nỗi đau không đong đếm được
Ngồi ở hàng ghế dự khán, lắng nghe những lời khai của Dung, mẹ nạn nhân nấc lên từng hồi đau đớn. Bên cạnh bà, người cha trông có vẻ điềm tĩnh hơn. Thế nhưng, không phải vì ông không đau lòng mà vì ông không nghe rõ. Người cha vốn mang căn bệnh suy giảm thính lực, khiến những gì diễn ra trong phiên tòa trở nên mơ hồ. Ông xin phép tòa án cho vợ chồng ông đứng cạnh nhau mỗi khi lên bục trả lời câu hỏi, người vợ sẽ giúp truyền đạt lại ý của HĐXX cho ông.
Chủ tọa phiên tòa cất lời: "Hai ông bà yêu cầu bị cáo bồi thường bao nhiêu?". Người vợ thoáng bối rối, ánh mắt dao động như tìm kiếm sự giúp đỡ. Có lẽ bà chưa bao giờ nghĩ rằng nỗi đau mất con lại được quy đổi thành một con số cụ thể. Sau giây phút lặng lẽ, bà khẽ lặp lại câu hỏi của tòa, vừa như một câu trả lời vừa như để vơi bớt nỗi lo lắng của người chồng.
Bất chợt, người cha cất tiếng, giọng dứt khoát, mạnh mẽ nhưng không che đậy nỗi nghẹn ngào, đau đớn nơi đáy lòng: "Sinh mạng con người là vô giá, chúng tôi không biết phải yêu cầu bồi thường bao nhiêu…".
Thế nhưng, câu hỏi của chủ tọa một lần nữa được lặp lại. Ánh mắt người cha ánh lên sự tuyệt vọng như không còn biết phải tìm đâu ra một con số xứng đáng với mất mát quá lớn này. Trước sự lúng túng của gia đình nạn nhân, chủ tọa giải thích theo quy định của pháp luật, phía bị hại phải đưa ra một con số cụ thể, từ đó tòa mới có thể phán quyết mức bồi thường hợp lý. Những từ ngữ pháp lý ấy càng làm đôi vợ chồng lúng túng hơn, vì họ không biết phải làm thế nào để đong đếm được giá trị mạng sống của đứa con đã không còn nữa.
Chủ tọa tiếp tục hỏi, lời lẽ như muốn gợi mở: "Gia đình ông có cần bồi thường tiền ma chay hay bồi thường tổn thất tinh thần không?". Người cha im lặng một lát rồi đáp, giọng ngắt quãng: "Chúng tôi lo đám cho con hết 150 triệu đồng...".
"Vậy còn khoản chi nào nữa không?" - chủ tọa hỏi tiếp. Người cha bối rối, rụt rè trả lời: "Còn tiền mua bông, trái cây cúng cho con hơn 1 năm qua". "Khoảng bao nhiêu tiền, ông cần nói rõ" - chủ tọa nhắc. "Khoảng 50 triệu đồng" - người cha đáp. "Còn khoản chi nào nữa không?" - chủ tọa hỏi thêm. Người cha lắc đầu: "Không, chỉ vậy thôi".
Những lời ấy vang lên, cả phòng xử lặng đi, như ngưng đọng trong nỗi đau của những người ở lại. Sau khi xem xét tất cả các tình tiết, ngoài bản án dành cho vợ chồng kẻ thủ ác, HĐXX buộc cả hai phải bồi thường 200 triệu đồng cho gia đình cô gái xấu số.
Cô gái ấy vừa bước qua tuổi 26, không chỉ là niềm tự hào mà còn là chỗ dựa của cha mẹ. Cô tháo vát, giỏi giang và lành lặn nhất trong 2 chị em. Em gái cô bị chậm phát triển trí tuệ. Cô bé cũng có mặt tại tòa và hình ảnh ấy khiến nhiều người nghẹn lòng. Ngồi một mình trên chiếc ghế sau lưng cha mẹ, thỉnh thoảng em cất tiếng gọi "Ba!" - tiếng gọi trong trẻo nhưng lạc lõng trong không gian nặng nề. Người cha ngồi gần đó nhưng lại chẳng thể nghe thấy tiếng gọi của con mình.
Kết thúc phiên tòa, đôi vợ chồng già dắt theo đứa con gái nhỏ kém may mắn, lặng lẽ dìu nhau rời khỏi phòng xử án. Những bước chân nặng nề như mang theo cả nỗi đau khắc khoải và sự trống trải mãi mãi trong tâm hồn.
Về phía bị cáo, HĐXX khẳng định hành vi của Dung là đặc biệt nghiêm trọng, mất nhân tính. Với nhân thân xấu, từng có tiền án, bị cáo không còn khả năng cải tạo và cần phải bị loại trừ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. HĐXX tuyên phạt Dung mức án tử hình về tội "Giết người", 8 năm tù về tội "Cướp tài sản", tổng hợp hình phạt là tử hình. Bị cáo Nguyễn Sơn nhận mức án 2 năm tù giam.
Trong khoảnh khắc tuyên án, ánh mắt của Dung đầy hoảng loạn và sợ hãi. Ngoài bản án tử hình, bị cáo còn phải hứng chịu nỗi đau của một người mẹ có 2 đứa con nhỏ sẽ phải lớn lên mà không có mẹ ở bên cạnh chở che.
Bình luận (0)