Chiều 8-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Liên quan đến việc điều chỉnh giá đất theo Luật Đất đai 2024, ông Đào Quang Dương, Phó Trưởng Phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thông tin tại cuộc họp báo.
Ông Dương trả lời các vấn đề báo chí quan tâm về việc giá đất tại bảng giá đất dự kiến; thủ tục đất đai trong những ngày vừa qua như thế nào; các trường hợp nào được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; từ ngày 1-8-2024 Luật Đất đai được thi hành cho đến khi ban hành bảng giá điều chỉnh thì áp dụng điều này như thế nào; đối với trường hợp người dân có đất nằm trong dự án quy hoạch mà đến nay dự án chưa thực hiện thì xử lý thế nào?
Về bảng giá đất điều chỉnh, ông Dương cho biết hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các sở, ngành để hoàn thiện cho chỉn chu.
Về dư luận cho rằng giá đất tăng đột biến, ông Dương khẳng định giá đất này không tăng đột biến mà phù hợp với tình hình thực tế tại TP HCM về giá đất theo quy định tại Khoản 1 điều 200 Luật Đất đai; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, theo khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024.
Về tình hình thực hiện các thủ tục đất đai trong những ngày qua, ông Dương thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của 22 quận, huyện và TP Thủ Đức lên để nắm thông tin. Theo đó, các hoạt động này vẫn diễn ra bình thường, không có gì đột biến.
Đối với trường hợp nào được chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định pháp luật thì khi chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Về nội dung từ ngày 1-8 Luật Đất đai có hiệu lực cho đến khi có bảng giá đất điều chỉnh thì thực hiện thế nào, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp các sở, ngành dự thảo văn bản trình UBND TP HCM trình cơ quan Trung ương xin ý kiến hướng dẫn nội dung này.
Theo dự thảo bảng điều chỉnh giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa công bố, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình từ 5-10 lần so với bảng giá đất hiện hữu (áp dụng từ năm 2020 đến nay). Một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh tăng đột biến từ 15-50 lần so với hiện tại. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định giá đất này mới chỉ bằng 70% thị trường.
Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, đường song hành Quốc lộ 22 (đoạn từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Lý Thường Kiệt) giá đất tăng 51 lần.
Ở huyện Bình Chánh, giá đất tăng 24 lần (như tại đường số 8, khu dân cư Trung Sơn, giá hiện hành là 6,3 triệu đồng/m2, theo dự thảo là 150 triệu đồng/m2).
Ở huyện Nhà Bè có tuyến đường Phạm Hùng giá đất tăng tới 23 lần (giá hiện hành là 3 triệu đồng và dự kiến điều chỉnh là 70 triệu đồng/m2).
Tại khu vực trung tâm, tuyến đường Đồng Khởi có giá đất cao nhất 810 triệu đồng/m2, hiện hành là 162 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 5 lần).
Nhiều tuyến đường khác cũng có giá dự kiến lên cao như Công Trường Mê Linh, Công xã Paris là 484 triệu đồng/m2 (hiện hành là 96,8 triệu đồng/m2); Công trường Lam Sơn 579 triệu đồng/m2 (hiện hành gần 116 triệu đồng/m2); đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Bến Bạch Đằng tới Nguyễn Thị Minh Khai) có giá đất là 484 triệu đồng/m2, hiện hành là 96,8 triệu đồng/m2.
Bình luận (0)