Tỉnh có diện tích tự nhiên 3.311,87 km2, đơn vị hành chính gồm 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất khu vực Nam Bộ, có nhiều dân tộc Khmer nhất ở Việt Nam.
Thay đổi diện mạo địa phương
Đồng bào các DTTS ở Sóc Trăng sống đan xen, đoàn kết, gắn bó với đồng bào Kinh; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của nhà nước.
Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp hoặc các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, phân bố khắp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; phần lớn sinh sống ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đồng bào dân tộc Hoa cư trú tập trung ở trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn; kinh tế chủ yếu là hoạt động kinh doanh, thương mại và dịch vụ, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp. Các DTTS khác còn lại sống rải rác tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2019 – 2024, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể các cấp ở Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về công tác dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2023 đạt 6,54%, GRDP bình quân đầu người là 60,10 triệu đồng/người/năm.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được tăng cường, hệ thống giao thông kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh; các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế,... được tập trung đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội của người dân, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi diện mạo địa phương.
Trong những năm 2019 - 2024, tỉnh đã đầu tư xây dựng 399 công trình (350 đường giao thông nông thôn, 6 công trình thủy lợi, 41 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình giáo dục, 1 trụ sở UBND cấp xã) và thực hiện duy tu, bảo dưỡng 207 công trình, chủ yếu tập trung vào đường giao thông và nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng nguồn vốn thực hiện trên 327,414 tỉ đồng.
Hình thành nhiều mô hình làm ăn hiệu quả
Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư khoảng 9.873 tỉ đồng để phát triển hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường, nâng cao chất lượng lao động; phát triển hệ thống cơ sở, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế... nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và đầu tư cho các dự án thuộc hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, vừa xây dựng môi trường văn hóa vừa đẩy mạnh phong trào thể dục - thể thao, kết hợp với xây dựng nông thôn mới..., tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2019-2024 ,toàn tỉnh có thêm 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4 huyện/thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Lũy kế đến nay, đã có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (34 xã là vùng đồng bào DTTS), 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (5 xã là vùng DTTS), 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (1 xã là vùng đồng bào DTTS) và 4/10 huyện, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Huyện Mỹ Xuyên, huyện Cù Lao Dung, thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu)..
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách giảm nghèo của Đảng, nhà nước trong đồng bào DTTS, đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm được 6.545 hộ nghèo DTTS (so với năm 2021), từ 10.661 hộ nghèo DTTS năm 2021, giảm còn 4.116 hộ cuối năm 2023.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022-2024, nguồn vốn thực hiện 1.030,878 tỉ đồng đã tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các nội dung thành phần, tiểu dự án, dự án thuộc chương trình.
Đến nay, đã triển khai hỗ trợ đất ở cho hơn 250 hộ, nhà ở cho gần 2.000 hộ, chuyển đổi nghề cho gần 4.700 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho gần 1.000 hộ; xây dựng 4 công trình nước tập trung với 1.536 hộ thụ hưởng; triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; xây dựng 171 công trình (trong đó 154 công trình cầu, đường giao thông nông thôn, 3 nhà sinh hoạt cộng đồng và 14 công trình mạng lưới chợ); duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng, trường học...
Nhìn chung, cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc; nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhờ đó đã đạt được kết quả tích cực.
Bộ mặt nông thôn ở các xã vùng DTTS có sự khởi sắc đi lên, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được hưởng thụ văn hóa, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; chất lượng nguồn nhân lực có mặt nâng lên; năng lực sản xuất nâng dần, hình thành nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, bước đầu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của các hộ DTTS tiêu biểu.
Vươn lên thoát nghèo
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, 5 năm qua, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo ổn định, công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác tiếp tục được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.
Qua đó, góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS nói riêng từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đời sống văn hóa tinh thần, lễ hội dân tộc, tôn giáo tiếp tục được cải thiện.
Bình luận (0)