Ở tuổi 22, tôi có những bạn bè cùng đam mê dành hàng giờ săn lùng máy ảnh phim, đĩa than, CD cũ... Có nhiều lý do để giới trẻ muốn "sống chậm" và tìm đến những giá trị xưa cũ.
Cân bằng cuộc sống
Ngay trong lòng TP HCM nhộn nhịp, vẫn còn đó những cửa hàng bán máy ảnh cũ đã tồn tại hàng chục năm.
Nhiều gen Z có được niềm vui từ việc chụp máy ảnh phim, đồng thời cũng là cách để họ ngắm nhìn mọi thứ qua lăng kính khác, đi xa hơn là tìm kiếm sự kết nối với thế hệ đi trước. Người bạn cùng tuổi của tôi - Nguyễn Ngọc Thắng - đã yêu thích, tìm hiểu và sưu tập máy ảnh phim khá lâu. Anh chọn lưu dấu cảm xúc và kỷ niệm qua những thước phim hơn là máy ảnh kỹ thuật số, xuyên suốt từ lúc sinh sống tại Việt Nam đến khi theo học Đại học Macquarie (Sydney - Úc). Có những tấm ảnh dù không hoàn hảo, nhòe mờ hoặc thiếu sáng vẫn luôn là gam màu đáng quý. Chụp máy phim với anh không chỉ là sở thích, mà còn là cách cân bằng cuộc sống .
Mỗi chiếc máy ảnh phim đều lưu dấu vết thời gian và hoài niệm của người chủ cũ, khiến ta như có cảm giác đang cầm nắm trong tay những mảnh ký ức của một cuộc đời, rất đời thường và gần gũi. Bản thân tôi dần chú ý việc chụp ảnh phim khi nghe bạn mình - Nguyễn Xuân Yến Nhi - hào hứng kể về chiếc máy ảnh đồng hành cùng cô. "Dù chụp bằng máy phim không dễ nhưng lại đem lại cho tôi cảm giác hồi hộp, nhất là khi chờ đợi đứa con tinh thần của mình" - Nhi nói. Thật vậy, tôi nhớ lần đầu cầm trên tay chiếc máy ảnh của riêng mình và điều chỉnh thông số kỹ thuật bằng tay. Tôi và Nhi hay đi dạo, thăm thú khắp nơi để bắt trọn từng khoảnh khắc đời thường và háo hức chờ đợi thành quả.
Thú vui lành mạnh
Sở hữu CD, đặc biệt là sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ indie Việt Nam, cũng đang trở thành trào lưu trong giới trẻ.
Dù thói quen nghe nhạc của công chúng đã thay đổi, các nền tảng số chiếm ưu thế song CD vẫn mang ý nghĩa tinh thần đặc biệt. Các nhà sưu tầm trẻ tuổi tìm mua CD như cách bày tỏ sự ủng hộ về mặt tài chính lẫn công nhận nỗ lực sáng tạo của thần tượng. Thưởng thức âm nhạc bằng CD mang đến sự chậm rãi, là trải nghiệm đáng giá của người nghe.
Có nghệ sĩ thì chọn sản xuất đĩa CD để chuyển tải những giá trị cốt lõi của âm nhạc, tạo kết nối giữa họ và khán giả khi người hâm mộ có thể chạm vào sản phẩm và lưu giữ cho riêng mình. Khán giả có thể cảm nhận sâu sắc tâm tư, tình cảm của nghệ sĩ thông qua cách thiết kế bìa đĩa, booklet chứa lời bài hát...
Từ năm 2021, Nguyễn Bảo Ngọc (ngụ TP HCM) bắt đầu sưu tập đĩa than. "Lúc đó, máy nghe và loa chưa phải loại tốt nhất nhưng được đắm chìm trong giai điệu từ đĩa than trong đợt giãn cách của dịch COVID-19 khiến tôi dễ chịu" - Ngọc kể. Cô gái 9X rất thích thú với việc nghe nhạc bằng đĩa than. Với cấu tạo của đĩa than, khán giả sẽ nghe từng bài hát theo thứ tự xuyên suốt các mặt của đĩa, không giống trên các nền tảng nhạc số có thể lựa chọn nghe tùy thích. Bên cạnh đó, chất âm của đĩa than khác biệt, ấm áp hơn. Đổi lại thì việc đầu tư, nâng cấp thiết bị, sưu tầm đĩa, bảo quản cũng kỳ công hơn CD và nhạc số nhiều.
Thực tế, chính sự phát triển của internet, công nghệ số và sự ra đời các sàn thương mại điện tử đã và đang góp phần thúc đẩy xu hướng tìm mua các vật dụng lâu năm. Tùy khả năng tài chính và mức độ quan tâm mà họ theo đuổi các "trường phái" săn đồ cũ, đồ cổ khác nhau.
Không khó tìm thấy các hội, nhóm tập hợp những bạn trẻ có niềm say mê này. Nhìn chung, đó là thú vui lành mạnh, bổ ích, góp phần khơi gợi khả năng tìm tòi và sáng tạo của người trẻ vì đa phần các món đồ in dấu thời gian không dễ dùng như các phương tiện hiện đại. Điều thú vị là càng ngày tôi càng gặp được nhiều gen Z có cùng đam mê những món đồ có từ thời xưa. Qua đó, thể hiện phong cách, tư duy thẩm mỹ đặc biệt.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!