Mùi xăng đốt cháy thải ra từ hai ống pô chiếc xe của con trai lão còn phảng phất. Lão đứng lặng. Đôi lông mày hệt như hai con sâu lông màu trắng sửng lên. Lão cắn môi, trong khóe mắt, hai giọt nước trong veo từ từ lăn xuống. Vợ lão theo con trai cả về thành phố ở. Từ nay, nhà vắng vẻ, không có ai lo cơm nước. Trước đây, mỗi lần ở xã về, vừa đến cửa sân nhà, lão đã gọi to, âu yếm:
- Bà ơi!
- Ông về rồi đó hả?
Thay cho trả lời, bà hỏi lại lão cũng không kém phần âu yếm. Như đã thành lệ của hai vợ chồng mỗi khi lão đi công việc ở ngoài về. Mỗi lần như vậy, lão yêu quý vợ biết mấy.
Sáng nay, lão Thủ đến văn phòng hội cựu chiến binh để triển khai công tác hoạt động các tháng đầu năm. Lão bước vào chào mọi người trong ban chấp hành. Lão vui vẻ, duy đôi mắt không giấu hết nỗi buồn. Anh em đồng đội hiểu lão hơn ai hết. Họ quý lão từ tính tình nhân hậu và lòng tận tâm với công việc. Nhiều hội viên không quên ơn lão đã giúp đỡ họ thoát nghèo, kinh tế gia đình dần khá lên. Quả thật, ngoài cho mượn tiền mặt để chăn nuôi, làm vườn không lấy lãi, lão còn mua cặp bò cái giống cho hội viên nuôi lấy bê, cứ thế xoay vòng.
- Chuyện anh về thành phố ở với con cháu và vợ, chúng tôi không cản. Nhưng anh ở đây đồng đội cũng không bỏ anh cô đơn. Chúng tôi sẽ cắt cử thay phiên nhau đến hỗ trợ anh, nếu cần thiết. Ví dụ cơm nước, vườn tược…, vài ba đêm, tôi đến ngủ với anh cho có bạn.
Người cấp phó nhìn lão nói nghiêm túc.
Năm 1962, lão Thủ đi bộ đội và công tác ở Tỉnh đội Quảng Bình. Năm 1971, lão mới chuyển qua Đoàn 104 - Thanh niên xung phong Trường Sơn. Tại đây, lão gặp người đồng hương cùng xã là bà Xuân bây giờ. Hai người thương yêu nhau, đơn vị tổ chức đám cưới cho họ thành đôi.
Bà Xuân đi rồi căn nhà rộng giờ còn mình lão. Chẳng còn ai ngoài mấy con chó lởn vởn qua lại ngoài sân. Chúng nhìn lão với ánh mắt khác, không thiện cảm như trước. Nhiều bữa lão quên cho chó ăn, bỏ đói chúng. Bà đi có hơn tháng mà chúng nó ốm đi trông thấy.
Phòng ngủ ở nhà dưới, nơi tổ ấm của vợ chồng lão trong những đêm trở gió giờ cũng lạnh. Tối đến, lão nằm một mình trăn trở. Chiếc gối trống nằm bên còn hơi vợ lão.
Thương yêu, quý trọng tình đồng đội gắn bó nhau hơn hai mươi năm trời ở cái xã An Phú này bao nhiêu lão càng yêu quý nương vườn mà vợ chồng lão đã đổ mồ hôi nhiều năm tháng. Lão trồng tiêu, trồng điều, trồng cao su, móc ao nuôi cá. Lão kiên quyết ở một mình chờ đợi bà Xuân trở về.
Năm tháng rồi, lão Thủ vẫn chưa về thành phố như vợ chồng con trai cả quả quyết. Bà Xuân luôn có cảm giác bồn chồn, hụt hẫng giữa chốn phố xá đông người. Bà thương chồng không có ai hủ hỉ sớm tối. Có cái gì đó như mất mát, tổn thương trong lòng bà, ngày một rõ dần. Quá khứ và hiện tại cứ thổn thức lòng bà. Bà nhớ mảnh vườn, nhớ mùi hương quả điều nôn nao mùa chín rộ. Nhớ từng cơn gió lao xao cành lá. Nhớ ao cá lăn tăn mặt nước xanh rờn. Nhớ chồng. Nhớ đồng đội. Nhớ mọi người. Nhớ quắt quay cái đất An Phú. Nhớ lắm…
Ánh trăng vời vợi đại ngàn. Trảng cây bằng lăng tím thoảng hương trong gió. Xôn xao hoa lá chập chờn trong sương. Xuân bước đi lòng nhẹ nhõm. Bóng lưng áo bộ đội bạc màu khuất dần.
- Anh Thủ. Đợi em đi với!
- Không đi theo được đâu em. Anh đi phá bom nổ chậm. Đừng theo anh, nguy hiểm lắm! Đèo Măk Nhích địch ném bom lúc chiều, còn 2 quả chưa nổ.
Vậy là địch thả kèm theo bom từ trường. Thứ bom nổ liền không đáng sợ, đằng này nó cứ rình rập mấy chiếc xe quân sự chở hàng vào trong và quay ra không chừng nổ giấc nào. Hướng cuối chân đèo tiếng xe rì rì... Nước mắt Xuân chảy xuống mặn đầu môi. Hai bím tóc của cô thấm sương trên lá cây ướt vào vai áo. Xa xa, tiếng chim lợn kêu khéc khéc... éc... vọng lại nghe lạnh người.
Bùm...
Ánh chớp lóe lên phía đèo Măk Nhích. Anh ấy đang phá bom! Dẫu biết Thủ đã phá hàng chục quả bom nổ chậm, nhưng Xuân vẫn lo cho người yêu. Dũng cảm, mưu trí nhưng anh ấy vẫn hay liều.
Sau tiếng nổ long óc, không gian như im tịt. Không còn nghe mọi thứ âm thanh ở cánh rừng còn sót lại bên đèo Măk Nhích. Chỉ nghe tiếng thình thịch... thình thịch... trong trái tim của Xuân tan chảy giữa đại ngàn mênh mang. Một dòng sông màu huyết lặng lẽ trôi, lặng lẽ trôi... Những chùm hoa bằng lăng tím vật vờ, vật vờ trên mặt sông văng vẳng tiếng nói cười. Một chiếc quan tài bằng mấy mảnh cây ghép lại. Đồng đội đứng vây quanh.
- Anh Thủ đâu? Anh đâu rồi? Anh Thủ ơi... ơi...
- Đồng chí Thủ hy sinh rồi. Phá được quả bom thứ nhất. Quả thứ hai không nổ, như đang gặp sự cố, Thủ quay nhanh lại kiểm tra thì bất ngờ quả bom từ trường phát nổ. Một mảnh bom cắm vào hông đồng chí ấy.
- Trời!
Xuân gục xuống, rồi bùng dậy chạy đi. Hai chân chị như bị ai đó níu cứng lại không nhấc được nửa bước. Chị vùng vẫy, la lớn:
- Không. Anh Thủ không thể chết. Các anh giấu em. Để em đi tìm anh ấy. Anh ấy không được chết. Không được chết... Anh Thủ ơi... Anh ơi...
"Mẹ. Mẹ làm sao vậy. Nằm mơ à...?".
Đứa con dâu lại giường lay mạnh. Bà Xuân tỉnh giấc. Mồ hôi vã ra trên trán như có ai hắt nước. Bà Xuân lấy khăn lau mồ hôi, lại bàn rót cốc nước uống. Vợ chồng người con cả cũng thức theo bà. "Chắc mẹ nhớ bố lắm. Kỷ niệm trong chiến tranh và cả những tháng năm trên vùng quê mới xây dựng kinh tế gia đình. Bố với mẹ không rời được nhau".
Ánh mắt người con trai cả chùng xuống. Anh hiểu ra rằng bố đã nói đúng. Bố và mẹ không chỉ sống hiện tại mà còn sống cho quá khứ nữa.
Đêm đó, bà Xuân nói chuyện với con, rằng mẹ phải về với bố, mặc cho người con dâu cả can ngăn:
- Sớm muộn gì bố cũng về thôi. Mẹ chớ lo lắng nhiều mà ngã bệnh.
- Không. Bố con không yếu đuối. Tính bố, mẹ lạ gì? Thôi, để mẹ về với bố con. Đêm hôm, già cả còn có nhau. Với lại còn hội hè, anh em đồng chí, đồng đội của mẹ trên đó nữa. Cảm ơn hai con. Mai, mẹ đón xe đò đi sớm.
- Đợi thứ bảy, chúng con lấy xe hơi đưa mẹ lên.
- Các con cứ lo công việc của mình. Mẹ đi một mình được mà!
Hai con bà vào phòng ngủ. Bà Xuân vẫn ngồi đó. Bóng của bà hắt lên tường nhà lung lay sau bóng đèn đường cao áp. Chừng mười phút sau, bà đứng dậy đi ra sân. Hướng Bình Phước, ánh sao mai lên được một cây sào. Bà Xuân nôn nao mong trời nhanh sáng...
Bình luận (0)