Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết cơ quan này dự thảo quyết định thay thế Quyết định 22/20217 quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn thành phố theo chỉ đạo của UBND TP HCM.
Giao rõ nhiệm vụ
Theo ông Bùi Hòa An, dự thảo bổ sung quy định về cơ chế cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trong hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ có thời hạn. Cùng với đó, nghiên cứu điều chỉnh phạm vi hành lang sông, kênh, rạch để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hành lang bờ sông, kênh, rạch.
"Điểm quan trọng nữa là điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các sở ngành liên quan trong công tác bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch trên địa bàn" - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM thông tin.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, nhận xét từ khi có Quyết định 150/2004 về quản lý, sử dụng hành lang sông, kênh, rạch thì sau 20 năm thành phố mới cắm mốc chỉ giới bảo vệ được 20 tuyến, tương ứng chiều dài hơn 200 km, đây là kết quả hạn chế so với quy mô mạng lưới sông, rạch của thành phố. Để ngăn chặn nạn lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã lên kế hoạch cắm mốc chỉ giới bảo vệ hành lang trên 55 tuyến với tổng chiều dài 515 km, tổng chiều dài mép bờ cao 850 km. Tuy nhiên, đến nay chưa có tiến triển đáng kể.
Chuyên gia đô thị này cho rằng có 2 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, nguồn lực đầu tư, tính khả thi của quy hoạch cùng việc triển khai dự án ven sông, kênh, rạch. Cơ quan chức năng nên "liệu cơm gắp mắm", khâu quy hoạch và lập dự án phải vừa với năng lực thực tế, trong đó có các dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven và trên kênh rạch.
Thứ hai là vấn đề kỷ cương. Vì lỏng lẻo nên đã có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm sông, kênh, rạch ở TP Thủ Đức thuộc thẩm quyền xử lý của chính quyền nhưng chậm xử lý, khắc phục hậu quả. Ngoài ra, khi cắm mốc bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch xong là giao cho địa phương quản lý nhưng thẩm quyền ấy có hiệu lực đến đâu thì cần rút kinh nghiệm từ những vụ việc vi phạm vừa qua để có cách làm tốt hơn.
"Từ chủ trương đúng, quyết tâm cao và kỳ vọng nhiều đến việc thực hiện thành công các dự án hai bên bờ sông Sài Gòn là một chặng đường dài, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để vượt qua" - TS Nguyễn Hữu Nguyên kết luận.
Nguồn phát triển du lịch, văn hóa
Nêu ý kiến về tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép trên hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch hiện nay, KTS Trương Nam Thuận, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh, nói cần những quy định cụ thể, rõ ràng để kiểm soát tình hình.
Muốn bảo vệ hệ thống kênh rạch thì không chỉ dừng lại ở cấp độ là nguồn tài nguyên tự nhiên mà cần xem hệ thống kênh rạch, hành lang sông là nguồn phát triển du lịch, văn hóa của thành phố trong tương lai. Khi có chiến lược khai thác phù hợp thì tức khắc có nguồn lực bảo vệ phù hợp và bảo đảm đa dạng các mục tiêu phát triển của hệ thống này.
Ngoài ra, cần tính tới việc cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi ảnh hưởng của kênh, rạch.
"Vấn đề quan trọng của các hành lang bờ sông, kênh, rạch chính là mục đích sử dụng. Ở góc độ người làm về quy hoạch, việc dành không gian cho tự nhiên như công viên, sân chơi, vườn hoa, những công trình văn hóa, giải trí phục vụ số đông phải được xem xét ưu tiên hàng đầu. TP HCM thiếu thốn về cây xanh; hạ tầng xã hội, chất lượng đời sống tinh thần của người dân chưa phong phú nên việc phát triển mới các hành lang phải bảo đảm vấn đề bù đắp những không gian xanh, không gian công cộng còn thiếu hụt hiện nay" - KTS Thuận nói.
Nói riêng về kênh, rạch, ông Thuận cho rằng đó là nơi thoát nước, tiêu lũ khi xảy ra mưa nhiều, thời tiết bất thường. Kênh, rạch vừa đảm nhận chức năng lưu thông thủy, vừa đảm nhận chức năng điều hòa khí hậu, môi trường và kiêm nhiệm chức năng thoát nước mặt cho các khu vực lân cận.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lấn chiếm, lấp kênh rạch đã làm giảm đáng kể số lượng dòng kênh, bít đi kênh thoát nước tự nhiên của các khu vực dân cư.
Ông khẳng định bảo đảm dòng chảy cho kênh, rạch, trong đó bao gồm bảo vệ để tránh ô nhiễm dòng nước, bảo vệ an toàn sức khỏe con người khi sinh hoạt dọc kênh là việc quan trọng.
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn đồng ý rằng phát triển không gian dọc sông Sài Gòn cần có tuyến đường ven sông. Khi có đường ven sông sẽ có cơ hội khai thác quỹ đất. Thành phố cần tập trung hơn vào đô thị ven sông.
Trong đó, khu vực ven sông Sài Gòn nên có nhiều quỹ đất cho không gian xanh chứ không phải tất cả đều xây dựng đô thị. Về tổng thể, khi thành phố sẽ có khu vực nhiều không gian xanh hơn thì tất nhiên cuộc sống thân thiện môi trường hơn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-5.
Tạo bản sắc đô thị
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều thành phố lớn được xây dựng trên hai bờ của những con sông. Có thể nhắc tới như Paris có sông Seine, nhiều thành phố cổ kính ở châu Âu có sông Danube chảy qua... Ở Việt Nam, Hà Nội ngàn năm văn hiến nằm bên bờ sông Hồng, TP HCM phát triển với sông Sài Gòn, Huế có sông Hương, Đà Nẵng có sông Hàn, Cần Thơ có sông Hậu... Điều đó chứng tỏ dòng sông làm nên sức sống kinh tế - xã hội, môi trường, cảnh quan và sắc thái văn hóa của mỗi đô thị.
Nguồn lực kinh tế của đoạn sông Sài Gòn chảy qua TP HCM rất lớn. Ngoài tài nguyên nước dồi dào, sông Sài Gòn còn là tuyến vận tải đường thủy quan trọng nối vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Cùng với những dòng sông và kênh rạch khác, sông Sài Gòn tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo của đô thị sông nước.
Nhiều việc cần làm
Bên cạnh việc bảo vệ hệ thống sông, kênh, rạch hiện hữu, TP HCM cũng tập trung chỉnh trang đô thị, trong đó có việc di dời nhà ven và trên kênh, rạch.
Tại báo cáo gần đây, Sở Xây dựng TP HCM cho biết theo quyết định năm 2021 của UBND TP HCM về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt ra chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Trong đó, tập trung thực hiện 2 nhóm ưu tiên thuộc 17 dự án, gồm 3 dự án thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị; 14 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Dự kiến, tổng số của giai đoạn 2021-2025 sẽ bồi thường, di dời được 3.231/6.500 căn, đạt tỉ lệ gần 50%.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND TP HCM, bố trí nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Cụ thể, tham mưu UBND TP HCM ưu tiên bố trí vốn cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép về kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải của thành phố giai đoạn 2020-2030, gồm 7 dự án dự kiến hoàn thành năm 2025...
Bình luận (0)