Mỗi vai diễn dù lớn hay nhỏ, chính hay phụ, điện ảnh hay truyền hình nhưng nếu đã chọn thể hiện thì diễn viên nào cũng dốc sức để lột tả trọn vẹn nhân vật. Bởi lẽ, đây là cách để họ sống trọn đam mê, thỏa sức sáng tạo và hoàn thành trách nhiệm với nghề một cách chuyên nghiệp.
"Món quà tuyệt vời"
Trong chương trình showcase (giới thiệu, quảng bá) phim "Mang mẹ đi bỏ", diễn viên Hồng Đào nhận định vai người mẹ mà chị thủ diễn là một "món quà tuyệt vời" trong cuộc đời làm nghề. Đó là vai nhân vật Lê Thị Hạnh giai đoạn trung niên, mắc bệnh Alzheimer. Căn bệnh gây đau khổ, khó khăn không chỉ cho bà Hạnh mà còn cho người con trai tên Hoan (Tuấn Trần đóng).
"Mang mẹ đi bỏ" là phim hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, do Mo Hong-jin đạo diễn, dự kiến ra rạp từ ngày 1-8. "Khi nhận kịch bản từ nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh, tôi đọc một mạch từ đầu đến cuối. Kịch bản không có các "cú twist" nhưng những trăn trở, mâu thuẫn, tiếng lòng, nội tâm của nhân vật rất nặng nề. Tôi nghĩ vai diễn này là một trong những món quà tuyệt vời trong cuộc đời làm nghề của mình" - diễn viên Hồng Đào trải lòng.

Diễn viên Hồng Đào hóa thân thành nhân vật Lê Thị Hạnh trong phim “Mang mẹ đi bỏ”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Hồng Đào tiết lộ chị luôn có thói quen nghiên cứu kỹ vai diễn. Dù là vai lớn hay nhỏ, nếu đã nhận lời tham gia thì chị sẽ dốc hết sức mình để thể hiện tốt nhất có thể. Vì thế, chị đã tìm hiểu về Alzheimer từ nhiều nguồn, trong đó có cả người quen, học được thêm kiến thức về căn bệnh này.
Việc trải nghiệm nhiều cuộc đời khác nhau qua vai diễn, nhận được những "món quà tuyệt vời" thông qua từng nhân vật có số phận, có đời sống riêng là một trong các yếu tố khiến diễn viên đam mê, yêu thích công việc của mình.
Diễn viên Kiều Trinh bày tỏ: "Công việc buộc tôi phải hóa thân thành vô số nhân vật. Mỗi nhân vật đòi hỏi tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu về nghề nghiệp của họ, học thêm được nhiều kỹ năng. Vai diễn càng nặng, càng nhiều thách thức, vất vả thì tôi lại càng thấy thích thú bởi được thỏa sức sáng tạo, sống với đam mê".
Diễn viên Mai Cát Vi cho rằng nghề này mang lại những trải nghiệm khác biệt. "Nếu không làm diễn viên thì tôi sẽ không có cơ hội học hỏi những điều mới mẻ, được sống nhiều cuộc đời cùng với số phận nhân vật. Diễn viên còn có lợi thế là được đi đây đi đó, được tiếp thu kinh nghiệm sống của nhiều người, nhiều nơi khác nhau" - cô thổ lộ.
Nỗ lực không ngừng
Như bao nghề khác, diễn viên cũng phải đối mặt với vô số khó khăn, thử thách bên cạnh những điều nhận được từ nghề.
Diễn viên Quang Tuấn cho biết nếu nhân vật là thợ vàng bạc chẳng hạn, thì anh phải học qua nghề này hoặc ít nhất là quan sát họ để biết động tác, cách làm, tránh bị gượng trên màn ảnh. Nếu vào vai chạy xe ôm hoặc xích lô, anh phải quan sát xem cách họ đi đứng, nói chuyện, giải trí sau khi làm việc... để hóa thân chân thật nhất vào nhân vật.
Theo Quang Tuấn, nếu nhân vật trong phim được thể hiện không thuyết phục, vai diễn khó có thể được khán giả chấp nhận. Khi đóng phim "Thất Sơn tâm linh", anh phải nuôi quạ và chơi với nó hằng ngày trong thời gian dài để luyện cảnh nhân vật đập tay cho quạ bay đậu lên.
"Tôi thường xuyên phải học nhiều thứ để hoàn thiện vai diễn. Khi tham gia phim "Tro tàn rực rỡ", đóng vai một người làm nghề than nên tôi đến xưởng than và ở đó 2 tuần, ăn ngủ cùng thợ để có thể thực hiện thành thục các công đoạn" - Quang Tuấn nhớ lại.
Khi diễn xuất tốt, diễn viên sẽ nhận được lời khen ngợi từ khán giả và ngược lại. Do đó, để sống được cuộc đời khác trên màn ảnh qua từng phim, họ phải học tập không ngừng, nỗ lực liên tục. Chỉ cần lơ là, ít tìm hiểu, nghiên cứu về nhân vật, nhất là những người có nghề nghiệp chuyên môn, diễn viên rất dễ bị khán giả chỉ trích, ảnh hưởng thành quả của tập thể. Nhiều diễn viên rất chú trọng trau dồi nghề, thay đổi hình tượng, tìm kiếm vai diễn khác lạ để thăng hoa trong diễn xuất, giữ hình ảnh mới mẻ, đa dạng trong mắt khán giả.
Diễn viên Mạc Văn Khoa tâm sự với nhân vật ông Danh trong phim kinh dị "Út Lan: Oán linh giữ của", đây là vai phản diện đầu tiên trong hơn 10 năm theo nghề của anh và cũng là vai anh tái xuất sau 2 năm vắng bóng. Khán giả vốn đã quen thuộc Mạc Văn Khoa qua hình ảnh hài hước, đóng khung trong những vai tếu táo. Vì thế, để thay đổi, anh không nhận đóng phim suốt 2 năm. Mạc Văn Khoa chờ đợi một vai diễn khác biệt và cuối cùng, anh được trao cơ hội với vai ông Danh.

Diễn viên Mạc Văn Khoa (trái) đóng vai ông Danh trong phim “Út Lan: Oán linh giữ của”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Mạc Văn Khoa đã học và tập luyện một tháng để thực hiện các phân đoạn nhân vật hát cải lương, hát tuồng. "Ông Danh là người chỉ mê cải lương và hát múa ở nhà riêng cho thỏa đam mê. Nếu nhân vật này là nghệ sĩ cải lương thì chắc tôi không dám nhận vai. Dù vậy, tôi cũng phải tập hát cải lương rất nhiều lần. Tôi còn học từng động tác đi đứng, ánh mắt thể hiện của nhân vật" - Mạc Văn Khoa kể.
Khi phim ra rạp, Mạc Văn Khoa nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến chê anh chưa thể hiện trọn vẹn tính cách của nhân vật. "Lời khen sẽ tiếp thêm động lực, động viên tinh thần; còn lời chê cũng là những góp ý mà tôi cần tiếp thu để điều chỉnh tốt hơn cho các vai diễn sau. Tôi vẫn khao khát được diễn một vai có sự thay đổi tâm lý nhân vật. Nhân vật có hài, có bi, có phản diện, có nhân cách hơi rối loạn…, có thể lấy tiếng cười và nước mắt khán giả" - anh bộc bạch.
Theo những người trong cuộc, nghề diễn có nhiều điều thú vị, được sống nhiều cuộc đời, trải qua nhiều thân phận dưới ống kính máy quay nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Nó đòi hỏi mỗi diễn viên đều nỗ lực không ngừng để tốt hơn, ấn tượng hơn trước khán giả.
Bình luận (0)