Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và cá nhân tập trung vốn vào sản xuất - kinh doanh, qua đó tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8%, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2025. Dự kiến tổng số tiền được gia hạn nộp là gần 102.000 tỉ đồng.
Con số 102.000 tỉ đồng là không hề nhỏ, cho thấy Chính phủ sẵn sàng chấp nhận hụt thu ngân sách tạm thời, thậm chí là bội chi để giúp DN giảm bớt khó khăn, thêm động lực hoạt động, phát triển. Đây là bước chuẩn bị cần thiết trong bối cảnh xung đột địa chính trị trên thế giới đang căng thẳng, cần lường trước rủi ro kinh tế đột ngột xấu đi. Việc hy sinh "ngân khố" để trợ lực cho DN còn càng cần thiết khi công cụ hỗ trợ bằng tiền tệ không còn nhiều dư địa bởi lãi suất đang ở mức thấp, khó có khả năng giảm thêm nhiều.
Tuy nhiên, trước những biến động khó lường có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, Ngân hàng Nhà nước cũng cần chuẩn bị phương án tiếp tục giãn nợ cho khách hàng DN và điều chỉnh lãi suất nếu cần thiết. Bên cạnh giải pháp hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm các chi phí gián tiếp và tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi cho DN.
Năm 2024, nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực với nhiều kết quả khả quan hơn năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng, hồi phục của nền kinh tế có thể chững lại nếu không có những động lực hoặc lực đẩy cần thiết từ nội tại, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới. Những chính sách hỗ trợ DN và nền kinh tế đã phát huy tác dụng thì cần tiếp tục được kéo dài trong khoảng thời gian phù hợp, bên cạnh việc tìm kiếm giải pháp, động lực mới.
Trong ngắn hạn, Chính phủ cần bổ sung vốn đầu tư công và quyết liệt giải ngân bởi 1 đồng vốn công giải ngân được sẽ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP, kéo các DN ở các lĩnh vực liên quan cùng phát triển. Bên cạnh đó, cần kích cầu tiêu dùng nội địa để "phòng hờ" tình huống xuất khẩu gặp khó khăn và cũng nhằm tận dụng hết nguồn nội lực từ người dân.
Tuy nhiên, muốn tăng cầu tiêu dùng một cách hiệu quả, cần nhanh chóng tính lại và thông qua mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân, bên cạnh việc hỗ trợ DN giảm chi phí và giá thành, bởi gánh nặng thuế có thể khiến người dân tiết giảm tối đa chi tiêu, từ đó khó kích thích sản xuất.
Ngân sách thời điểm này có thể chưa thu được 102.000 tỉ đồng từ tiền thuế và tiền thuê đất nhưng nếu DN hoạt động, phát triển tốt thì có thể đóng góp ngân sách trở lại nhiều hơn gấp nhiều lần. DN rất mong muốn được gia hạn thời gian nộp thuế. Nguồn tiền được gia hạn này sẽ giúp họ - nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ - có thể quay vòng vốn, duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư thêm vào công nghệ số và xanh hóa nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường trong nước cũng như đối tác quốc tế.
Bình luận (0)