Ngày 16-3, Thạc sĩ, bác sĩ, Nguyễn Bình An, Khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), cho biết tinh hoàn của cả 2 bé trai đều đã bị xoắn quá lâu, thiếu máu nuôi và bị tổn thương không thể hồi phục nên phải cắt bỏ.
Tinh hoàn bị xoắn gây hoại tử rất nguy hiểm.
Theo đó, trường hợp thứ nhất là bé trai 6 tuổi (ngụ Tiền Giang) bị sưng đau bìu trái tăng dần sau 3 ngày. Vùng bìu sưng đỏ nhiều nên bé được mẹ đưa đi thăm khám.
Trường hợp thứ 2 là bé trai 5 tuổi (ngụ Bình Dương) đau bìu trái 2 ngày, ngày đầu khám ở y tế địa phương được chẩn đoán là viêm tinh hoàn, điều trị không giảm đau nên mẹ đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để kiểm tra lại.
Tại bệnh viện, các bé được siêu âm, thực hiện phẫu thuật kiểm tra với mong muốn giữ lại tinh hoàn cho 2 bé nhưng tinh hoàn của cả 2 bé đều đã bị xoắn quá lâu, thiếu máu nuôi và bị tổn thương không thể hồi phục.
Bác sĩ Bình An cho biết: "Xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng bìu cấp, biểu hiện thường dễ bị nhầm lẫn với các nguyên nhân gây đau bìu khác như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xoắn mấu phụ tinh hoàn…"
Siêu âm là phương tiện thông dụng để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Thời gian gây ra thương tổn thiếu máu và hoại tử tinh hoàn tùy thuộc vào mức độ xoắn và tỉ lệ nghịch với khả năng bảo tồn tinh hoàn. Tỉ lệ này đạt 90 - 100% nếu được phẫu thuật trong vòng 6 giờ, và chỉ còn 0 - 10% nếu quá 12 - 24 giờ kể từ khi bệnh nhi có triệu chứng đầu tiên cho đến lúc được phẫu thuật.
Nếu không được xử trí kịp thời, trẻ có thể không giữ được tinh hoàn mà còn ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này của trẻ. Đặc biệt khi trưởng thành, chuyện chỉ còn một tinh hoàn trong bìu sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ.
Bác sĩ Bình An khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như sưng, đau vùng bìu và tinh hoàn, cần đưa con đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa nhi càng sớm càng tốt, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng có hai thời điểm thường gặp nhất là trong giai đoạn sơ sinh và ở tuổi dậy thì. Xoắn tinh hoàn trong thời kỳ sơ sinh, tiền sử sản khoa rất quan trọng, bao gồm tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, song thai, kích thước thai nhi lớn so với tuổi thai.
Đối với xoắn ở tuổi dậy thì, bệnh cảnh điển hình là khởi phát đau đột ngột ở một bên bìu, phần thấp của đùi hoặc vùng bụng thấp có thể kèm theo buồn nôn và nôn. Cơn đau thường dữ dội và xảy ra đột ngột, tăng dần, đặc biệt cơn đau khởi phát từ ban đêm đến sáng sớm. Không ít trường hợp đau khởi phát mơ hồ và thậm chí không đau.
Bình luận (0)