Theo đó, bệnh nhân nữ tên L.T.H. (77 tuổi; ngụ Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng mông trái (T), cử động bị hạn chế sau té ngã do tai nạn, được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến.
Các bác sĩ của bệnh viện thực hiện đặt máy tạo nhịp tim
Tại đây, sau cấp cứu, các bác sĩ chụp x quang kết quả cho thấy bệnh nhân bị gãy mấu chuyển xương đùi (T). Holter điện tâm đồ: Hội chứng suy nút xoang – ngưng xoang nhịp thoát bộ nối 40 lần/phút.
Ê-kíp phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân
Sau hội chẩn, các bác sĩ trong ê-kíp quyết định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trước khi phẫu thuật thay khớp háng bán phần. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân H. ổn định và đã xuất viện.
Bênh nhân H. một trong 2 bệnh nhân sau khi phẫu thuật được các bác sĩ chăm sóc và điều trị
Trong khi đó, bệnh nhân N.T.Đ. (84 tuổi; ngụ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), nhập viện trong tình trạng cũng tương tự như bệnh nhân H. Sau phẫu thuật, hiện bệnh nhân Đ. tỉnh, tiếp xúc tốt, khám vận động khớp háng tốt, nhịp tốt. Dự kiến trong vài ngày tới, bệnh nhân sẽ xuất viện và được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Theo BS.CKII Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - gãy cổ xương đùi và gãy xương vùng liên mấu chuyển xương đùi là một gãy xương do tai nạn té ngã rất hay gặp ở người cao tuổi. Do gãy cổ xương đùi xương khó lành, còn các gãy xương vùng liên mấu chuyển ở bệnh nhân cao tuổi có kèm bệnh nội khoa thì việc phẫu thuật thay khớp nhằm giúp cho người bệnh mau phục hồi vận động đi lại nhằm tránh các biến chứng do phải nằm tại chỗ, bất động. Để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, ngày nay, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn ưu tiên cho người cao tuổi. Người bệnh được phục hồi vận động và tập đi 1-2 ngày sau mổ.
BS.CKII Trần Huỳnh Đào - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức - cho biết trước đây gãy khớp háng ở người lớn tuổi là thách thức đối với các phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê vì người lớn tuổi sức yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm nhất là bệnh tim mạch. Block nhĩ thất độ 3 là mức độ cao nhất trong rối loạn dẫn truyền nhịp tim, làm cho tim không thể bóp đủ tần số nhằm cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác, dễ dẫn đến ngất và tử vong. Nếu không xử lý rối loạn nhịp thì nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bình luận (0)