Đến sáng 16-3, tức 3 ngày sau ca phẫu thuật, sức khỏe của sản phụ N.T.S. (sinh năm 1981, quê quán ở Khánh Hòa) đã dần hồi phục và ổn định và đang được tiếp tục theo dõi. Con của chị, một bé gái kháu khỉnh nặng 3,5 kg lúc chào đời, hiện rất khỏe mạnh, tươi tỉnh và đã biết cười khi gặp cha.
Trước đó, vào 10 giờ sáng ngày 13-3, chị S. đã nhập viện vào khoa Sanh của Bệnh viện Hùng Vương do bắt đầu chuyển dạ. Cháu bé này là con thứ 2 của chị, thai đã được 37,5 tuần, ngôi đầu, sức khỏe của cả mẹ lẫn con khi đấy đều hoàn toàn tốt, không có biểu hiện gì bất thường. Đến 12 giờ 35 phút, chị S. có hiện tượng vỡ ối, cổ tử cung bắt đầu nở ra, tim thai tốt, đo được 120 lần/ phút. Tuy nhiên, 5 phút sau, chị S. bắt đầu rặn sinh thì đột ngột tím tái, bất tỉnh, huyết áp tụt, suy hô hấp, tim thai cũng giảm xuống chỉ còn 60-80 lần/phút.
Hiện tượng tím tái, khó thở sau khi vỡ ối khiến các BS nghi ngờ chị bị thuyên tắc ối. Lệnh báo động đỏ được phát đi, chị S. được chuyển khẩn cấp về phòng mô với chẩn đoán suy thai cấp, mẹ suy hô hấp. Chỉ 6 phút sau, các BS đã kịp thời đưa bé gái đang bị ngạt nhẹ ra khỏi bụng mẹ an toàn. Khi các bác sĩ sản, bác sĩ gây mê hồi sức… đang cứu người mẹ, cháu bé đã được các bác sĩ sơ sinh tiến hành hồi sức và nhanh chóng hồng hào trở lại.
Đơn vị Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nhanh chóng được mời qua ứng cứu. Trong suốt hơn 45 phút sau đó, gần 30 nhân viên y tế là các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên gây mê hồi sức... đã thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: xử lý vết mổ và hồi sức cấp cứu để lấy lại nhịp tim, nhịp thở cho chị. Ca mổ khá khó khăn, bởi chị S. bị rối loạn đông máu, khiến máu khó lòng cầm được và đã phải truyền đến gần 10 lít máu.
Đến sáng ngày 15-3, chị S. đã tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng bụng còn bị phình. Kết quả kiểm tra lại cho thấy tử cung có hiện tượng bị đờ, không co hồi lại hoàn toàn được, ổ bụng và mặt trước đoạn dưới tử cung có máu tụ. Vì vậy, các bác sĩ đã phải cắt bỏ tử cung để bảo đảm an toàn cho chị. Hai buồng trứng vẫn được bảo tồn nên dù không thể mang thai được nữa, các vấn đề về nội tiết, đời sống tình dục sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo bác sĩ Phạm Thị Hải Châu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương, thuyên tắc ối tuy là tai biến sản khoa rất hiếm gặp, nhưng khi đã gặp thì rất ít trường hợp có thể cứu sống bệnh nhân. Thuyên tắc ối còn có một đặc điểm là xuất hiện rất bất ngờ, không hề báo trước, nên có thể nói chị S. khá may mắn vì đã đi sanh ở một bệnh viện tuyến cuối, có đầy đủ phương tiện và nhân lực để ứng cứu. Thuyên tắc ối xảy ra khi nước ối “đi lạc” vào tĩnh mạch, gây tắc mạch và suy hô hấp tại chỗ. Theo một số nghiên cứu, biến chứng này có nguy cơ cao hơn ở người đa sản, đa ối hay sử dụng các biện pháp kích thích chuyển dạ. Tuy nhiên, nguyên nhân đích xác của nó thì y văn vẫn chưa ghi nhận rõ ràng.
Bình luận (0)