Theo Medical Xpress, CDC châu Phi và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên kế hoạch cho cuộc họp cấp bộ trưởng đột xuất vào đàu tuần tới, ngoài Uganda còn có sự tham dự của đại diện Sierra Leone, Guinea và Liberia.
Đây là 3 nước đã hứng chịu đợt dịch Ebola tàn khốc giai đoạn 2014-2016, khi WHO buộc phải tuyên bố căn bệnh khủng khiếp này là Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) lần thứ 2, mức cảnh báo cao nhất vốn đang được áp dụng cho COVID-19, đậu mùa khỉ và bại liệt hiện nay.
Các nhân viên tuyến đầu tại Bệnh viện Mubende Regional Referral - Ảnh: THE EAST AFRICA
Bác sĩ Ogewell cho biết thống kê trên các ca đã được xét nghiệm khẳng định (43 ca) thì tỉ lệ tử vong do Ebola trong đợt dịch này rất cao, tới 69%. Trước đó, thống kê của WHO cho thấy tỉ lệ tử vong của Ebola chủng Sudan - chủng đang hoành hành tại Uganda - dao động 40%-100% trong các đợt bùng phát ở châu Phi trước đó.
Trước đó, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng số ca nhiễm/nghi nhiễm (chưa được xét nghiệm) Ebola ở Uganda đã lên tới 63 người và có 29 người đã tử vong. Trong số tử vong có 4 nhân viên y tế. Chỉ có 4 bệnh nhân được xác định là trong tình trạng "đã hồi phục và đang được theo dõi".
Theo The East Afica, hôm 5-10 Bộ Y tế Uganda xác định ca tử vong gần nhất là bà Margaret Nabisubi, một chuyên viên gây mê 58 tuổi. Các ca tử vong ở nhân viên y tế gây lo ngại bởi hiện tại tất cả lực lượng tuyến đầu ở Uganda đang phải chiến đấu với Ebola chỉ với biện pháp phòng vệ vật lý là khẩu trang và đồ bảo hộ.
Vắc-xin ngừa Ebola từng rất hiệu quả trong các đợt bùng phát ở Congo do chủng Congo hoàn toàn vô hiệu với chủng Sudan.
Nói với báo giới hôm 6-10, đại diện của WHO tại Uganda Yonas Tegegn Woldemariam cho biết cơ quan này, cùng các nhà khoa học Uganda và đối tác khác đang tìm cách triển khai một trong 2 loại vắc-xin đang trong giai đoạn nghiên cứu được cho là có khả năng chống lại chủng Sudan, tuy nhiên hiện chỉ có 100 liều từ Viện Vắc-xin Sabin.
"Các nhà sản xuất đang tìm cách sản xuất nhiều hơn nữa. Chúng tôi cũng không có đủ dữ liệu và nguồn cung để triển khai nó trên một số lượng cư dân lớn" - bác sĩ Yonas nói.
Các trường hợp tiếp xúc của các ca Ebola được xác nhận sẽ là đối tượng thử nghiệm vắc-xin mới này, như một phần của nghiên cứu lâm sàng. Hiện có 860 người trong diện này và ít nhất 8% đang được theo dõi chặt chẽ. Con số này cao gấp đôi so với tuần trước.
Nói về vụ 10 nhân viên y tế nhiễm bệnh và trong đó 4 nhân viên y tế tử vong, bác sĩ Ogwell cho biết những người này đã tiếp xúc với Ebola khi đợt dịch bắt đầu bùng phát, "khi chúng tôi không biết mình phải đối phó với những gì" và bác bỏ ý kiến cho rằng việc kiểm soát các ca nhiễm đã vượt khỏi tầm tay.
CDC châu Phi cho biết họ đã mua 20.000 kit xét nghiệm Ebola và sẽ phân phối đến các cơ sở ngay sau khi lô hàng "cập bến", dự kiến đầu tuần tới.
Uganda đã có nhiều đợt bùng phát Ebola, trong đó thảm khốc nhất là năm 2000 với 200 người thiệt mạng.
Mỹ thiết lập kiểm dịch sân bay
Theo Reuters, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 6-10 đã đưa ra cảnh báo đối với các nhân viên y tế nhằm nâng cao nhận thức về đợt bùng phát Ebola ở Uganda, đồng thời cho biết chưa có trường hợp nghi ngờ hay đã xác nhận nhiễm Ebola chủng Sudan nào ở Mỹ.
Một nguồn tin của Reuters cho biết cơ quan y tế Mỹ đã thiết lập hệ thống sàng lọc Ebola tại một số sân bay, dự kiến việc kiểm dịch kéo dài trong 1 tuần.
"Hết sức thận trọng, CDC và Bộ An ninh nội địa (DHS), lực lượng Hải quan và bảo vệ biên giới (CBP) sẽ áp dụng các lớp kiểm tra mới tại 5 sân bay của Mỹ để đối phó với sự bùng phát dịch Ebola ở Uganda".
Theo đó, du khách từ Uganda khi nhập cảnh tại các sân bay New York - John F.Kenedy, Newak, Atlanta, Chicago O'Hare hoặc Washington Dulles sẽ được sàng lọc Ebola.
Bình luận (0)