Tại cuộc họp trực tuyến trên toàn quốc về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT ngày 29-6, Bộ Y tế nhận định tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang diễn ra phổ biến.
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết thống kê đối với 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy có tới 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.
Các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.
Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế do chậm đấu thầu
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Theo bà Hương, nguyên chính gây ra thiếu thuốc vẫn là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…
Dịch truyền và cao phân tử điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM- Ảnh: Hải Yến
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị quan tâm, nỗ lực giải quyết theo thẩm quyền vấn đề này; báo cáo lãnh đạo Bộ để Bộ Y tế phối hợp cùng các bộ ngành liên quan từng bước tháo gỡ vướng mắc những nội dung cần phối hợp. Nội dung nào vượt thẩm quyền, Bộ Y tế sẽ cùng các bộ, ngành liên quan báo cáo cấp trên xem xét.
Nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, ngành y tế đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế và trang thiết bị...
Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các Sở Y tế lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ kế hoạch...
Tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng đề nghị các địa phương tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng.
"BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế. Tuyệt đối không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng"- ông Việt Ánh cho biết.
Cùng đó, Bộ Y tế đã cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm chẩn đoán in vitro; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách, 856 số lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D.
Xây dựng Cổng thông tin điện tử để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế kê khai, công khai giá trang thiết bị y tế theo quy định.
Đến nay đã có trên 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên Cổng điện tử của Bộ Y tế. Đẩy mạnh thực hiện phân cấp việc cấp phép trang thiết bị y tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc. Ngày 2-6-2022, Cục Quản lý Dược đã công bố đợt 1 danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn hiệu lực số đăng ký với 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30-6.
Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện để ban hành các văn bản liên quan đến đẩy mạnh cấp phép lưu hành.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá.
Về phía các địa phương, đề nghị có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn.
Bình luận (0)