Bệnh nhân tên L.K.O. (56 tuổi; ngụ Cà Mau) có tiền sử bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm, thoái hóa khớp, tự ý sử dụng thuốc Nam và có dùng thuốc giảm đau, kháng viêm để điều trị tình trạng đau nhức khớp.
Dạ dày của bệnh nhân trước vào sau khi điều trị
Cách nhập viện một tuần, bệnh nhân tiêu phân đen nhiều lần lượng ít, kèm mệt, chóng mặt, nhập viện điều trị tại bệnh viện địa phương, nhưng tình trạng bệnh không giảm nên gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
Trên đường di chuyển đến địa phận Cần Thơ, bệnh nhân nôn máu đỏ tươi, tương đương 1 lít, bệnh nhân mệt nhiều, nên người nhà đưa thẳng đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp, da niêm trắng bệt, bệnh nhân tri giác lơ mơ, lượng huyết sắc tố trong máu giảm nghiêm trọng 2,4g/dl (giá trị bình thường là 12-15g/dl).
Bệnh nhân O. đã dần hồi phục
Hội chẩn cấp bệnh viện gồm nhiều chuyên khoa với chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng/bệnh nhân đái tháo đường type 2- choáng mất máu.
Bệnh nhân được hồi sức chống sốc tích cực với thở oxy, dịch truyền chảy tối đa, truyền 4 đơn vị hồng cầu lắng cùng nhóm, sử dụng thuốc ức chế bơm proton và nội soi dạ dày tá tràng cấp cứu tại giường khi tình trạng bệnh nhân cho phép.
Bệnh nhân được tiến hành nội soi can thiệp cầm máu. Kết quả cho thấy vùng thân vị phía bờ cong nhỏ có nhiều mao mạch dãn đang chảy máu, dùng argon plasma phun vào vị trí các mao mạch đang chảy. Thời gian can thiệp 5 phút. Sau thủ thuật, kiểm tra không thấy chảy máu thêm, tình trạng xuất huyết ổn định và tiếp tục điều trị tại khoa tiêu hóa, lượng huyết sắc tố tăng lên 9g/dl.
Sáng 4-11, bệnh nhân tiêu phân vàng, da niêm hồng, sinh tồn ổn định và dự kiến ra viện trong ngày.
Theo BS CK2 Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội tiêu hoá, nội soi điều trị bệnh lý xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng ngày càng phát triển với nhiều phương pháp như tiêm cầm máu, đốt điện cầm máu, kẹp cầm máu và gần đây là phương pháp cầm máu bằng phun chất bột (Hemospray). Hầu hết các phương pháp đều có hiệu quả cầm máu cao khoảng 90%, từ đó làm giảm xuất huyết tái phát, giảm tỷ lệ phẫu thuật và giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, với tổn thương có nhiều mao mạch đang chảy máu thì kỹ thuật đông bằng argon plasma (Argon Plasma Coagulation-APC) là kỹ thuật cầm máu tối ưu.
Đây là phương pháp cầm máu ít gây tai biến do sức xuyên thấu của đầu dò với niêm mạc ống tiêu hóa < 5mm. Kỹ thuật này được áp dụng rất tốt với các tổn thương do dị dạng mạch máu của ống tiêu hóa.
Bình luận (0)