Theo thống kê của ngành y tế ở CHLB Đức, các triệu chứng dưới đây là dấu hiệu báo động cho thấy stress đã dọn cỗ mời bệnh nào đó chực chờ xơi tái gia chủ:
- Mệt mỏi thường xuyên vào sáng sớm dù đêm qua không thiếu ngủ.
- Khó tập trung tư tưởng khi cần suy luận, nhất là khi phải làm toán.
- Trầm uất dù không có lý do chính đáng, thậm chí ở người đang thành đạt.
- Đau cơ cũng như chuột rút trong đêm mặc dù không vận động thái quá trong ngày.
- Viêm họng dù không có dấu hiệu bội nhiễm.
- Đau đầu với khuynh hướng huyết áp thấp.
- Mất ngủ dưới dạng ngủ dễ nhưng chỉ được ít giờ rồi thức trắng.
- Cảm giác sốt về chiều dù không có nguyên nhân bội nhiễm.
- Đau khớp dưới dạng nay khớp này mai khớp khác.
- Ho dai dẳng mặc dù đã thử đủ loại thuốc ho.
- Đãng trí, hay quên chuyện mới xảy ra.
- Lo sợ vô cớ đi kèm với ác mộng.
- Rối loạn cương dương hay lãnh cảm với tình trạng suy giảm ham muốn (libido) càng lúc càng rõ.
- Giảm thị lực với khuynh hướng tăng áp lực nội nhãn khiến chóng mặt khi đổi tư thế.
Theo định nghĩa của nhiều y sĩ đoàn ở phương Tây, stress được cho là đã bước qua ngưỡng cửa bệnh lý khi hội đủ:
Một hoặc 2 tiêu chí cơ bản dưới đây:
- Bệnh nhân mệt mỏi liên tục với cường độ tăng dần đến độ có cảm giác rũ liệt. Tình trạng này phải kéo dài tối thiểu 6 tháng, chưa từng xuất hiện trước đó và khiến nạn nhân mất không dưới 50% hiệu năng lao động.
- Thầy thuốc không tìm ra nguyên nhân thực thể hay rối loạn tâm thần nào khác đi kèm.
Hai hoặc 6 trong 8 chỉ tiêu phụ như sau:
- Sốt nhẹ, không cao hơn 38,5 độ C nhưng thường xảy ra dù không có nguyên nhân bội nhiễm.
- Đau họng thường xuyên dù không có nguồn bội nhiễm trong vùng tai mũi họng.
- Nổi hạch nhưng không đau ở nách hay dưới hàm.
- Mỏi cơ tứ chi mặc dù không vận động.
- Hết “pin” rất sớm trong ngày dù chỉ làm công việc nhẹ.
- Nhức đầu bất chợt không rõ nguyên nhân.
- Sợ tiếng động, ánh sáng, mùi hôi... một cách thái quá hoặc thay đổi cá tính dưới dạng trầm uất hay ngược lại, dễ gây hấn.
- Mất ngủ hay tuy vẫn ngủ đủ nhưng không có cảm giác hài lòng sau giấc ngủ.
Độc giả nào nhận thấy mình có thừa điều kiện để tham gia chương trình “đồng hành cùng stress” thì nên liệu tìm đến thầy thuốc cho sớm. Để chẩn đoán bệnh do stress tuy không dễ dàng như “bói ra ma” nhưng cũng không nhiêu khê đến độ phải trông cậy vào may rủi. Tất nhiên, chỉ đúng thầy, đúng thuốc nếu thầy thuốc chưa là nạn nhân của... stress!
Bình luận (0)