Bộ Y tế cho biết sáng 24-2, chuyến bay chở hơn 117.000 liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp bách hiện nay. Được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam, số vắc-xin này dự kiến sẽ ưu tiên tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao, với khoảng hơn 50.000 người, mỗi người tiêm 2 mũi.
Lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên về đến sân bay Tân Sơn Nhất- Ảnh: Bộ Y tế
Ngay trong chiều 24-2, Bộ Y tế sẽ họp khẩn về việc kiểm định chất lượng và dự kiến các phương án sẽ tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao.
Trước đó, Bộ Y tế vừa công bố hơn 18,3 triệu người thuộc 11 nhóm đối tượng được tiêm vắc-xin Covid-19, theo mức độ ưu tiên tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin hạn chế hiện nay. Trong đó, nhân viên y tế và nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...) được ưu tiên hàng đầu.
Lô vắc-xin về hôm nay nằm trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) mua. Ngoài ra, Liên minh vắc-xin toàn cầu COVAX sẽ viện trợ cho Việt Nam khoảng 4,9 triệu liều vắc-xin cũng của AstraZeneca trong quý 1 và 2 này; trong quý 3 sẽ có thêm khoảng 30 triệu liều.
Trước đó, ngày 1-2, Bộ Y tế đã phê duyệt vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Vắc-xin này đã được cấp phép lưu hành một năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển. Vắc-xin được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin dao động 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm.
Khử khuẩn lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên về đến sân bay Tân Sơn Nhất- Ảnh: Bộ Y tế
VNVC hiện là công ty đầu tiên có vắc-xin Covid-19 và là đơn vị duy nhất được AstraZenca lựa chọn phân phối vắc-xin với số lượng lớn tại Việt Nam. Tháng 1-2021, Công ty được Bộ Y tế cấp phép xuất khẩu - nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc-xin, sinh phẩm ở điều kiện lạnh 2-8 độ C, vắc-xin, sinh phẩm bảo quản ở điều kiện âm sâu (âm 40 đến âm 86 độ C). Hiện, Công ty có 3 kho lạnh âm 86 độ C ở TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội có thể bảo quản 3 triệu liều vắc-xin Covid-19 tại một thời điểm.
Đối với vắc-xin Nano Covax do Công ty Nanogen sản xuất, hôm nay (24-2), Học viện Quân y cung đã bắt đầu sàng lọc từ 50-100 tình nguyện viên để tham gia vào giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vắc-xin này. Mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên của Nano Covax trong giai đoạn 2 dự kiến diễn ra vào ngày 26-2.
Bộ Y tế vừa xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ. Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm:
- Nhân viên y tế.
- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...).
- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
- Lực lượng quân đội.
- Lực lượng công an.
- Giáo viên.
- Người trên 65 tuổi.
- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
- Những người mắc các bệnh mãn tính.
- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Bình luận (0)